Thứ bảy, ngày 20/4/2024

Chính phủ Pháp quyết tâm ngăn chặn biểu tình bạo lực

Thứ Hai 18/03/2019 22:16

Xem với cỡ chữ
Sau khi Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu có hành động quyết liệt để không tái diễn tình trạng biểu tình bạo động như cuối tuần qua, ngày 17-3, chính phủ Pháp đã thảo luận các biện pháp mạnh để Tổng thống xem xét và quyết định trong ngày hôm nay.

Một quầy báo bị đốt trong ngày biểu tình cuối tuần qua.

Một số thành phố, đặc biệt là thủ đô Paris, vừa trải qua một ngày cuối tuần rất hỗn loạn. Trong đợt biểu tình lần thứ 18 của phong trào "áo vàng" diễn ra vào ngày 16-3, tình trạng bạo lực đã xảy ra nghiêm trọng hơn nhiều so với các đợt trước. Nhiều cửa hàng, nhà hàng và trụ sở ngân hàng có tiếng trên đại lộ Champs-Elysées đã bị đốt phá và hôi của, còn lực lượng an ninh bị tiến công.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 10 nghìn người tham gia biểu tình "áo vàng" ở Paris nhưng có tới 1.500 đối tượng quá khích đã trà trộn và chia nhóm để tiến hành các hành động bạo lực, cướp phá các cửa hiệu. Tính mạng của người dân ở khu vực xảy ra bạo động bị đe dọa khi một chi nhánh ngân hàng bị đốt khiến cho lực lượng cứu hỏa phải liều mình để cứu các nạn nhân ở tầng trên.

Các đảng phái và dư luận Pháp đã chỉ trích chính phủ và lực lượng an ninh vì thiếu cảnh giác, không có kế hoạch phòng ngừa trước nguy cơ xảy ra bạo động nghiêm trọng như cuối tuần qua. Kênh truyền hình tin tức BFM TV trích thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Pháp, nói rằng ngày 17-3 Thủ tướng Édouard Philippe đã họp với một số bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner, Bộ trưởng Tư pháp Nicole Belloubet và Quốc vụ khanh Laurent Nunez để thảo luận các biện pháp phòng chống tình trạng biểu tình bạo lực theo yêu cầu của Tổng thống.

Lãnh đạo chính phủ Pháp thừa nhận, những diễn biến bất thường trong ngày biểu tình cuối tuần qua cho thấy chính quyền và lực lượng an ninh chưa có biện pháp hiệu quả để đối phó các đối tượng lợi dụng biểu tình để gây bạo động, cướp phá. Chính vì vậy, chính phủ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của ngày biểu tình 16-3 do thiếu cảnh giác và không phản ứng kịp thời.

Trước đó, trong cuộc họp khẩn cấp với đơn vị giải quyết khủng hoảng của Bộ Nội vụ ngay trong tối 16-3, Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng, chính phủ không có phương án xử lý kịp thời tình trạng bạo động nghiêm trọng như vừa qua. Hậu quả để lại rất nghiêm trọng, cho thấy chính quyền chưa có biện pháp đủ mạnh để kiểm soát biểu tình bạo động. Ông E. Macron khẳng định sẽ đưa ra hành động mạnh mẽ để bạo lực không tái diễn trong cuộc biểu tình "áo vàng."

Không chỉ có chính phủ và lực lượng an ninh Pháp bị bất ngờ và bị động trong việc xử lý tình trạng bạo lực, cướp phá nghiêm trọng trong đợt biểu tình ngày 16-3. Các đảng phái đối lập, chủ doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh trên đại lộ Champs-Elysées cũng bị sốc trước tình trạng bạo động bất thường như vậy.

Diễn ra cùng ngày 16-3, có hàng chục nghìn người tham gia cuộc tuần hành yêu cầu chính phủ có hành động cụ thể hơn chống biến đổi khí hậu nhưng trong tình trạng ôn hòa. Trong khi đó, những khu vực có người biểu tình "áo vàng" lại chuyển thành bạo động. Trong các đợt biểu tình hai tuần trước, chỉ có một số đối tượng quá khích tiến hành đốt phá, xô xát với cảnh sát. Còn trong đợt biểu tình cuối tuần qua, các đối tượng quá khích xuất hiện đông hơn rất nhiều, trà trộn để sau đó chia nhóm và tiến hành đốt phá, cướp của.

Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo nói rằng, chính phủ phải có lời giải thích về việc không kiểm soát được tình hình trong đợt biểu tình cuối tuần qua. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo Le Parisien, Thị trưởng Paris nói: Trách nhiệm của chính quyền là phải có đủ biện pháp và lực lượng để kiểm soát những tình huống khó lường như vừa qua.

Một trong những nguyên nhân khiến cho lực lượng an ninh bị động trước tình trạng đốt phá, cướp của như ngày 16-3 là do các đối tượng quá khích thay đổi chiến thuật. Các nhóm mặc quần áo và đeo mặt nạ màu đen thoắt ẩn, thoắt hiện và sau đó ào vào đốt, cướp đồ ở các nhà hàng, cửa hiệu nổi tiếng như Hugo Boss, Lacoste và Celio. Không chỉ có nhà hàng Fouquets, nổi tiếng nhất trên đại lộ Champs-Elysées và có từ năm 1899, các quầy báo cũng bị đốt trụi.

Nhiều đảng phái và báo chí Pháp cũng đặt câu hỏi về cách xử lý tình huống của lực lượng an ninh. Đó là tại sao cảnh sát không sử dụng biện pháp mạnh để duy trì an ninh và xử lý ngay các đối tượng quá khích, tại sao cảnh sát chỉ bắt đầu can thiệt khi bạo động lan rộng, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Hậu quả để lại rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở những khu vực xảy ra biểu tình bạo động. Vì vậy, Văn phòng Thủ tướng Pháp cho biết, Thủ tướng sẽ họp với Tổng thống trong ngày hôm nay để đưa ra các đề xuất nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn biểu tình bạo động. Cùng với việc áp dụng các biện pháp mạnh, chính phủ sẽ kiên quyết xử lý những đối tượng đã gây ra các hành động đốt phá, cướp của và đe dọa tính mạng của người khác.

Theo Báo Nhân dân Điện tử