Thứ năm, ngày 28/3/2024

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ Sáu 28/10/2022 21:41

Xem với cỡ chữ
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (viết tắt là Nghị quyết số 23-NQ/TW) trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tạo được sự chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hoá; giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh ở cơ sở; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện các Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng ( khoá IX ) , Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 32-KH/TU và Chương trình hành động số 31 - CT/TU, ngày 02/4/2003 thực hiện các Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng ( khoá IX ) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ; về công tác dân tộc; về công tác tôn giáo, trong đó có Nghị quyết số 23-NQ/TW. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cấp uỷ đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phổ biến Nghị quyết rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các ngành, các cấp, tạo nên sự thống nhất và tăng cường phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trong nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và cấp uỷ các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Do đó, trong những năm qua, kinh tế Hải Dương liên tục tăng trưởng cao; giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,1%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ đạt 6%/năm.  9 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,14% (cao hơn bình quân chung cả nước); thu ngân sách nhà nước đạt 13.996 tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm, tăng 3%; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện trên 11.261 tỷ đồng, đạt 72,6% dự toán năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu dân sinh. Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực và rõ nét; trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Chính quyền các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa các cơ chế nhằm phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ, trọng tâm nâng cao chất lượng việc thực hiện QCDC ở cơ sở theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-BTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, hương ước, quy ước đã ban hành phù hợp với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Thông qua thực hiện QCDC ở cơ sở,  cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tạo động lực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

Các cơ quan nhà nước kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của  Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thành mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, quy định cụ thể. Trong quản lý, điều hành đã nghiêm túc thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nhiều địa phương, cơ sở đã làm tốt việc tổ chức cho nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Những công trình xây dựng ở địa phương đều được thảo luận dân chủ, nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí; công tác thanh toán, quyết toán được thực hiện công khai, kịp thời, hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.  

HĐND các cấp đổi mới về nội dung và phương thức, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND, các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, hoạt động của các ban HĐND. Phát huy dân chủ trong tiếp xúc cử tri, tập hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh tại các kỳ họp và yêu cầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đồng chí Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà đối thoại với nhân dân xã Thanh Thuỷ

UBND các cấp cụ thể hóa các chủ trương của cấp ủy và nghị quyết của HĐND cùng cấp bằng các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh, tập trung huy động các nguồn lực tổ chức thực hiện; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ chế để phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. 5 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì giám sát được 24 chuyên đề tại 84 cơ quan, đơn vị; Ủy ban MTTQ cấp huyện chủ trì giám sát 76 chuyên đề tại 217 cơ quan, đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực được người dân quan tâm. Về hoạt động phản biện xã của MTTQ, trung bình hàng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 5 đến 10 hội nghị phản biện đối với các dự thảo văn bản của tỉnh liên quan đến quyền và lợi ích nhân dân dân trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ các cấp được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung chỉnh sửa hoàn thiện nội dung báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định

Các cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức để công khai dân chủ và bàn phương án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị đúng quy định; đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các nội quy, quy chế phù hợp với quy định của pháp luật. Thường xuyên giáo dục cán bộ thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” , qua đó đã làm chuyển biến về ý thức và phong cách làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị -xã hội các cấp trong tỉnh đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đoàn kết nhân dân. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm thu hút tập hợp đoàn viên, hội viên vào tổ chức nhằm phát huy tinh thần lao động sáng tạo trong việc phát triển kinh tế - xã hội như : Phong trào ''Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo'' của Công đoàn; phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững", "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới", "Nông dân thi đua đảm bảo quốc phòng, an ninh" của Hội Nông dân; phong trào "Phụ nữ tích cực học tập sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", xây dựng mô hình "Gia đình no ấm, hạnh phúc" của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu", "Cựu Chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" của Hội Cựu Chiến binh; Thực hiện hiệu quả cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư'' (nay là cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh''); ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam''.

Công tác vận động, chăm lo giúp đỡ người nghèo tiếp tục đạt được nhiều kết quả. MTTQ và các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, hàng năm huy động tối đa các nguồn lực xã hội cùng chung tay góp sức chăm lo, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo với nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, nhất là vận động hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết. Từ năm 2012 đến nay, thông qua chương trình, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tặng hàng trăm nghìn suất quà Tết cho người nghèo tổng trị giá trên 100 tỷ đồng. Một trong những hoạt động hỗ trợ người nghèo hiệu quả của MTTQ tỉnh đó là đã trích 1 tỷ 050 triệu đồng từ Quỹ ''Vì người nghèo'' tỉnh cho 4 tổ chức (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người mù tỉnh) đứng ra cho hội viên nghèo mượn vốn (không tính lãi)  để phát triển sản xuất. Thông qua các hoạt động hỗ trợ của MTTQ và các tổ chức thành viên góp phần giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hải Dương (theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ): Tổng số hộ dân cư toàn tỉnh là 643.050 hộ, trong đó tổng số hộ nghèo có 6.402 hộ, chiếm tỷ lệ 1%; tổng số hộ cận nghèo 11.525 hộ, chiếm tỷ lệ 1,79%.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Dương tặng hoa chúc mừng Ngày hội đại đoàn kết thôn Tằng Hạ xã Gia Xuyên (thành phố Hải Dương) ngày 01/11/2020

MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” hàng năm, với nội dung và hình thức phong phú, thiết thực; kịp thời tổng kết, biểu dương, khen thưởng, thăm hỏi gia đình chính sách, hỗ trợ cho người nghèo gắn với phát động phong trào thi đua, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua đó, góp phần tăng cường đoàn kết, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân nỗ lực thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở khu dân cư, đề cao tính tự quản, phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân xây dựng cộng đồng, khu dân cư vững mạnh. 

Với những kết quả trên, có thể khẳng định, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của BCH Trung ương (khoá IX) về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của Nghị quyết, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong trong cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân; tạo sự đồng thuận, thống nhất hành động trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương, qua đó góp phần quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thị Quyên - Ban Dân vận Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: