Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bôn ba hầu hết các châu lục trên thế giới, Bác vẫn nhớ người bạn từ thuở hàn vi, xưng hô với nhau như hồi còn thơ ấu.
Ngày 15/4/1957, sau 52 năm xa cách, Bác Hồ của chúng ta mới có dịp về thăm quê nhà. Bà con làng Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) đón Bác rất đông. Bác xúc động vẫy tay chào mọi người. Bỗng Bác dừng lại nhìn kỹ một ông già vận bộ quần áo nâu mới còn rõ nếp gấp, tuổi trạc tuổi Bác, râu tóc cũng đã bạc như Bác. Ông già cũng chăm chú nhìn lại. Rồi trước sự ngạc nhiên của mọi người, Bác siết chặt tay ông già ấy, quàng vai kéo đi mấy bước, chỉ xuống mặt giếng Cốc (như cái ao nhỏ) nói: "Ngày xưa choa với mi cùng câu cá ở nớ" . Ông già đó là Cố Điền, bạn thời thơ ấu cùng đánh khăng, đánh đáo với Bác, nay làm nghề thợ rèn. Không chỉ Cố Điền cảm động ứa nước mắt, mà bà con trong làng, trong xã được chứng kiến cảnh tri ngộ ấy ai cũng bùi ngùi thấm thía kính phục Bác. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bôn ba hầu hết các châu lục trên thế giới, Bác vẫn nhớ người bạn từ thuở hàn vi, xưng hô với nhau như hồi còn thơ ấu.
Thăm nhà cũ, Bác nhanh nhẹn quẹo vào con đường nhỏ dẫn đến ngôi nhà. Tần ngần trước hàng giậu râm bụt lá xanh mướt chi chít những bông hoa đỏ rực, Bác dùng hai tay rẽ cành sang hai bên nói: "Hồi nớ cái cống nhà choa ở chỗ ni, chớ không phải chỗ tê mô" Bác bước qua sân rồi vào nhà, thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên. Lát sau quay lại Bác nói: "Ngày xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ làm bằng tre chớ không phải bằng gỗ như ni mô" . Bác ngồi xuống chiếc phản gỗ, chăm chú nhìn từng đường vân, xòe tay đo chiều dài chiều rộng rồi Bác nói : "Cái phản ni đúng là cái phản hồi còn nhỏ Bác nằm, nhưng so với trước nó ngắn hơn một chút". Đúng là như thế. Bởi chiếc phản này sau bao nhiêu năm chiến tranh, giặc giã liên miên đã qua nhiều chủ, các đồng chí cán bộ địa phương phải vất vả lắm mới sưu tầm về được. Do một góc phản bị lửa táp cháy, người ta phải cắt bớt, tấm phản ngắn đi chút ít. Mọi người vô cùng ngạc nhiên về trí nhớ tuyệt vời của Bác.
Ở Hà Nội, một lần thấy cây Bụt mọc bên bờ ao bị khô cành, héo lá, các đồng chí bảo vệ đang định chặt bỏ, Bác lắc đầu bảo: "Chặt cây dễ, trồng cây khó. Cây này mới héo chứ chưa chết, các chú cần phải cứu nó sống lại" . Rồi Bác bày cho cách cưa cành khô, đắp bùn vào chỗ cành còn tươi, hàng ngày chăm tưới cho nó. Quả nhiên cây Bụt mọc sống lại và tươi tốt cho đến bây giờ. Lần khác, trong lúc di dạo, khi đến đúng chỗ cây Bụt mọc đó, bỗng Bác dừng lại chăm chú lắng nghe một giọng chim hót véo von trên cành cao. Đợi chim hót xong, Bác mới nói tiếp. Đồng chí Vũ Kỳ nghĩ, bao nhiêu năm sống trong rừng Việt Bắc, hòa mình trong thiên nhiên được say sưa nghe tiếng chim hót là một nhu cầu của Bác, vậy mà sao mình chưa quan tâm tới? Biết đồng chí Nguyễn Đức Thuận (lúc ấy là Chủ tịch Tổng Công đoàn) có nuôi nhiều chim. Hôm sau đồng chí Vũ Kỳ tìm đến. Nghe đồng chí Vũ Kỳ kể xong, lập tức đồng chí Nguyễn Đức Thuận chọn một con chim có giọng hót hay nhất đưa đồng chí Vũ Kỳ đem về. Đồng chí Vũ Kỳ rất muốn treo cái lồng nhốt con chim đó trên cành cây vú sữa gần cửa sổ phòng làm việc của Bác để thỉnh thoảng nó hót cho Bác nghe. Nhưng chưa có dịp xin ý kiến Bác, còn treo tạm ở trước cửa sổ phòng làm việc của mình phía bên kia ao cá.
Chiều ngày thứ ba, cũng trong lúc đi dạo, khi đến gần chỗ đó, bỗng con chim nhốt trong lồng cất tiếng hót. Bác dừng lại chăm chú lắng nghe. Đợi chim hót xong, quay lại nhìn đồng chí Vũ Kỳ, Bác bảo: “Con chim của chú nuôi trong lồng kia hót hay lắm”. Đi được một quãng, bỗng giọng hót của con chim khác đậu trên ngọn cây Bụt mọc cất lên thánh thót. Bác lại dừng bước lắng nghe. Đợi con chim hót xong, vỗ cánh bay vút lên trời cao, Bác mới quay lại nói “Con chim kia được tự do. Nó muốn hót cho Bác nghe lúc nào thì hót, xong muốn bay đi đâu thì bay. Khác với con chim bị nhốt trong lồng của chú, không có tự do. Bởi chú nuôi nó để bắt nó làm nô lệ hót cho chú nghe”.
(Tài liệu dùng cho sinh hoạt chi bộ, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội năm 2019)