"Lần này gà đẻ năm trứng, lần sau sáu, bẩy trứng, mười trứng, rồi nở thành con. Chính là những con gà đẻ và nở trong ấy mới thích hợp với hoàn cảnh ở đó"
Sau Đại hội Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên (1961), Ban Chấp hành của phong trào cử cụ Chủ tịch Ibi Alê-ô ra thăm miền Bắc.
Hôm cụ Ibi Alê-ô vào tiếp kiến Hồ Chủ tịch, Bác ân cần tiếp đãi và hai người thân mật trò chuyện.
- Cụ năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Thưa Bác, năm nay tôi đúng 61 mùa rẫy ạ.
- Từ trong chiến trường ra ngoài này, cụ đi mất bao lâu?
- Thưa Bác, ba tháng ạ.
- Đi xa như thế này, cụ có thấy mệt không?
- Có. Nhưng nhờ các cháu thanh niên giúp đỡ nên tôi cũng đi đến nơi đúng thời gian.
Bác mời cụ Ibi Alê-ô ăn cam, ăn chuối, những trái cây trong vườn do Bác trồng và cũng là những thứ mà cụ thích. Cụ xúc động, rơm rớm nước mắt, không hiểu vì sao Bác Hồ lại biết rõ sở thích của mình mà chiều đến thế. Chắc chắn là Bác hiểu tấm lòng của nhân dânTây Nguyên lắm.
Bác hỏi tình hình chiến đấu và đời sống của đồng bào trong đó. Cụ Ibi Alê-ô thưa:
- Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng như miền Tây thiếu thốn đủ thứ. Muối chưa đủ mặn, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc. Nhưng truyền thống đoàn kết chiến đấu bất khuất bảo vệ Tổ quốc thì không nghèo. Nhân dân Tây Nguyên không sợ gian khổ hy sinh, mà chỉ sợ mình mất cái đất làm ăn của ông cha để lại đó thôi.
Bác Hồ rất vui. Cụ Ibi Alê-ô nói tiếp:
- Đồng bào Tây Nguyên còn nghèo lắm, nghèo cả cán bộ nữa, muốn xin Bác có nhiều cán bộ giỏi ạ.
Bác lại cười, nhẹ nhàng hỏi:
- Đồng bào ta có ta có nuôi gà không?
- Thưa Bác, đồng bào nuôi nhiều gà lắm.
- Đồng bào nuôi nhiều gà như thế là tốt. Lần này gà đẻ năm trứng, lần sau sáu, bẩy trứng, mười trứng, rồi nở thành con. Chính là những con gà đẻ và nở trong ấy mới thích hợp với hoàn cảnh ở đó.
Bác lại cười... Lúc sau, cụ Ibi Alê-ô hiểu ra rằng không phải Bác nói chuyện nuôi gà mà là khuyên cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người các dân tộc. Mắt cụ sáng lên, sung sướng.