Cách đây 75 năm, Bác Hồ về thăm làng An Thái đúng vào ngày 6-1-1946, ngày toàn quốc tưng bừng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hôm đó, dân làng đang nhộn nhịp, vui mừng trong ngày hội, bỗng có tiếng reo mừng từ ngoài cổng làng truyền vào: Bác Hồ về, Bác về.
Bác đi từ cổng làng vào, mặc bộ quần áo ka-ki màu vàng, chân đi giày vải, đầu đội mũ cát, bên cạnh Bác chỉ có một cán bộ đi cùng.
Một cụ già ngoài 80 tuổi, nhà gần đó ra đón chào Bác. Bác nắm chặt tay cụ già, ân cần hỏi thăm tuổi tác, sức khỏe. Tin vui Bác Hồ về, già trẻ, trai gái đổ xô ra reo mừng đón Bác, đứng quanh Bác hô vang: Bác Hồ muôn năm. Bác giơ tay chào mọi người và đáp lại những lời thân mật, ấm tình thân ái, rồi Bác đi thăm xóm làng. Bác rẽ vào một xóm nghèo, vào một gia đình với mái tranh, vách đất. Hai vợ chồng này chuyên sống bằng nghề đan lát tre, nứa, và bán riêu cua ở chợ Bưởi. Bước vào nhà, Bác ngồi ngay xuống cánh phản gỗ cũ, Bác cầm xem mấy đồ nan tre, Bác hỏi mỗi ngày vợ chồng chú làm được bao nhiêu, cùng với thu nhập gánh hàng quà ở ngoài chợ ra sao, đời sống có gặp khó khăn không? Cả hai vợ chồng nghe Bác Hồ hỏi xúc động, chảy nước mắt. Anh chồng xin thưa với Bác: "Hồi năm trước cháu suýt bị chết đói, may được bà con dân làng cứu giúp nên đời sống đã được ổn định."
Thăm hỏi nơi đây xong, Bác đi vào giữa làng, qua phòng bỏ phiếu bầu cử, một vị phụ trách công tác bầu cử ra chào Bác. Bác hỏi về số cử tri của xã và nhắc cán bộ thực hiện đầy đủ quyền dân chủ phổ thông đầu phiếu cho mỗi công dân trong khi bầu cử. Nghe Bác xong, vị phụ trách mời Bác vào thăm hòm phiếu. Bác bảo: Bác là ứng cử viên thuộc khu vực hòm phiếu nơi đây, theo đúng luật, Bác từ chối không vào, đồng thời Bác chỉ lên khẩu hiệu trước phòng bỏ phiếu: Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Bầu cử.
Một vị cán bộ xã mời Bác đến thăm nơi sản xuất giấy cổ truyền, Bác khen nơi làm sạch sẽ, ngăn nắp, dặn dò bà con cố gắng cải tiến kỹ thuật nâng cao tay nghề bằng tình cảm yêu nghề, để gìn giữ nghề truyền thống của ông cha xưa.
Khi Bác ra đầu xóm ngoài gặp một bà cụ mặc áo nâu, lưng còng, tóc bạc phơ, tay chống gậy tre lập cập từ ngõ trong ra. Đến gần Bác, bà cụ xúc động nhìn Bác, lỡ tay đánh rơi chiếc gậy xuống đường. Thấy vậy, Bác Hồ cúi xuống cầm chiếc gậy lên ân cần đưa chiếc gậy tận tay bà cụ.
Thời gian Bác Hồ về thăm làng giấy Bưởi đến nay đã hơn 50 năm, nhưng tất cả hình ảnh, lời thăm hỏi, sự quan tâm của Bác Hồ với nhân dân làng An Thái, phường Bưởi càng ngày càng thấm đọng, các thế hệ con cháu chắt luôn kể chuyện Bác Hồ về thăm trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của đất nước. Và lịch sử có điều lạ: Bản Di chúc của Bác Hồ, lại chính người dân làng An Thái - Bưởi sao nên những tờ giấy quý đẹp để lưu giữ đời đời Lời Di chúc thiêng liêng của Bác trên trang giấy cổ truyền làng Bưởi.