Qua việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế đã được nâng lên.
Để thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TW vào chương trình công tác hàng năm của cấp ủy. Tiêu biểu như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 2113/CTr-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW xác định việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng doanh nghiệp; các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và cơ sở đã ban hành 52 kế hoạch, chương trình hành động và nhiều văn bản khác thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân ở địa phương.
Nhận thức đúng về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Doanh nhân Việt Nam là sản phẩm của quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước theo định hướng XHCN; chủ yếu được hình thành trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay. Trong quá trình đó, doanh nhân Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
Tại tỉnh Hải Dương, doanh nhân cũng là lực lượng xã hội đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Trong đó, các doanh nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động...
Doanh nhân là lực lượng xã hội có vai trò rất quan trọng (Ảnh: TCVHDN)
Những doanh nhân hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước là lực lượng chủ lực thực hiện liên doanh, hợp tác kinh tế, tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Họ cũng là lực lượng quan trọng góp phần quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng đến với thế giới; đồng thời nhập khẩu hàng hóa, chuyển giao khoa học - công nghệ, phương thức kinh doanh và phương pháp quản lý kinh tế tiên tiến của thế giới về Việt Nam, thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Cơ cấu xã hội mới ở Việt Nam góp phần tạo thêm đội ngũ hàng triệu doanh nhân với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Họ là mắt xích không thể thiếu trong các liên kết, hợp tác kinh tế - xã hội. Đội ngũ doanh nhân góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ.
Doanh nhân giàu có, thành đạt có sức ảnh hưởng rất tích cực đến giới trẻ
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách và đảm bảo an sinh xã hội. Sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân đã mang lại việc làm cho nhiều người lao động trên toàn tỉnh, đặc biệt là đội ngũ thương binh, bệnh binh, người yếu thế, người khuyết tật. Doanh nhân cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong tiến trình đổi mới, doanh nhân tỉnh Hải Dương đã góp phần xây dựng xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, văn minh theo định hướng XHCN.
Doanh nhân đã tham gia vào các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, góp phần quan trọng trong việc tham gia ý kiến, phản biện, xây dựng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, phát huy tốt trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của mình trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm thương trường của doanh nhân đã tạo nên những góc nhìn, nhận định và khuyến nghị có giá trị thực tế khi thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương đã nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong quá trình CNH, HĐH, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Qua đó, các cấp chính quyền cũng đã thay đổi tư duy quản lý nhà nước, coi doanh nghiệp là “khách hàng được phục vụ” chứ không phải “đối tượng để quản lý”, luôn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Hải Dương thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH. Để đảm bảo mục tiêu đưa tỉnh Hải Dương phát triển nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, các cấp ủy đảng, chính quyền đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp với nền tảng ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, từ đó tạo ra nhiều việc làm, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi để doanh nhân phát huy tài năng kinh doanh.