Sau nhiều năm thực hiện quy vùng sản xuất lúa tập trung, vùng cây ăn quả, nuôi thủy sản và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, huyện Ninh Giang đạt được những kết quả khả quan, nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho người dân.
Mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Xuân Tú ở xã Vĩnh Hòa thu lãi hơn 500 triệu đồng từ nuôi cá, trồng cây ăn quả
Nâng cao thu nhập
Xác định nông nghiệp là một lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Ninh Giang đã xây dựng và thực hiện Đề án "Áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp huyện Ninh Giang giai đoạn 2020-2025".
Ninh Giang là địa phương đi đầu của tỉnh về dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Những năm qua, bức tranh nông nghiệp của huyện đã có những gam màu tươi sáng khi hàng loạt cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Huyện đã xây dựng được 90 vùng sản xuất lúa tập trung gắn với tiêu thụ bảo đảm sản xuất bền vững, quy mô mỗi vùng từ 30 ha trở lên, với tổng diện tích 3.200 ha, trong đó 82% diện tích các vùng được gieo cấy bằng các giống lúa lai, lúa chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Khiên ở thôn Hữu Chung, xã Tân Phong là điển hình gieo cấy lúa tập trung. Mỗi vụ, ông gieo cấy trên 20 ha các giống Thiên ưu 8, BC15, nếp cái hoa vàng... Theo ông Khiên, việc quy vùng sản xuất tập trung "một vùng, một giống, một thời gian" đã giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất từ làm đất, gieo mạ, thu hoạch… Việc phòng trừ sâu bệnh được thuận lợi do cấy cùng một giống lúa góp phần giảm chi phí đầu vào cho người dân.
Cùng với xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung, huyện Ninh Giang chú trọng chuyển những vùng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn, táo, bưởi da xanh, nhãn, ổi ở các xã Hiệp Lực, Hồng Dụ, Hồng Phong, Kiến Quốc, Vĩnh Hòa... Ở phía bắc và phía nam sông Cửu An là vùng nuôi cá tập trung của các xã Tân Quang, An Đức, Đông Xuyên, Vĩnh Hòa, Tân Hương đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Tại xã Vĩnh Hòa, vùng đất trũng phía nam sông Cửu An đang thay da đổi thịt từng ngày với những mô hình nuôi cá, trồng cây ăn quả một cách khoa học. Năm 2017, ông Nguyễn Xuân Tú ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa đầu tư hơn 2 tỷ đồng đào 4 ha ao nuôi các loại cá giống, cá thịt và 2 ha trồng thanh long ruột đỏ, cam Bố Hạ, bưởi Hoàng Gia… Đến nay, trung bình mỗi năm ông Tú thu lãi hơn 500 triệu đồng, đem lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Nhờ thực hiện quy vùng sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, 5 năm qua (2015-2020), tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 10.715 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,5%/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp và nuôi thủy sản đạt 152 triệu đồng/ha (tăng 28 triệu đồng/ha so với năm 2015).
Tiếp tục chuyển đổi cây trồng
Nhiều năm nay, cây ổi đã chiếm diện tích và thu nhập chủ đạo của nông dân xã Hiệp Lực. Hiện nay, địa phương có khoảng 100 ha với hơn 1.000 hộ trồng ổi, trong đó có 60 ha trồng theo quy trình VietGAP. Ông Lê Lương Dân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Lực cho biết: “Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây ổi cao hơn cấy lúa từ 7-10 lần, chúng tôi có định hướng chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các giống ổi có chất lượng tốt. Tuy nhiên, chúng tôi không chuyển đổi ồ ạt. HTX đang hoàn thiện quy trình để xây dựng sản phẩm OCOP cho quả ổi để mở rộng thị trường tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích”.
HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Lực đang xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao cho quả ổi
Bà Hà Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang cho biết việc quy vùng sản xuất của huyện đã góp phần quan trọng để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật kinh tế cho những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả. Huyện khuyến khích quy vùng trồng lúa với diện tích 30 ha trở lên, đầu tư cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời xây dựng thương hiệu các giống lúa nếp cái hoa vàng, BC15 vươn xa hơn nữa.
Người dân Ninh Giang đã nhận thấy hiệu quả kinh tế thực sự của việc quy vùng, sản xuất tập trung "một vùng, một giống, một thời gian" đem lại, từ đó hăng hái sản xuất góp phần tích cực xây dựng huyện nông thôn mới.