Thứ sáu, ngày 19/4/2024

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp tỉnh Hải Dương.

Thứ Tư 22/09/2021 09:41

Xem với cỡ chữ
Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp cần phải có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho người dân về chuyển đổi số.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng,- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tham dự diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam năm 2021

Trong thời gian qua, nông nghiệp Hải Dương đang có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ đem lại những hiệu quả rất rõ nét, tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm….Việc ứng dụng công nghệ đã làm thay đổi diện mạo trong nông nghiệp bằng việc sử dụng công nghệ internet, mạng xã hội như: zalo, facebook, youtube và trí tuệ nhân tạo nhằm đơn giản hóa việc thu thập, kiểm tra và phân phối các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Thiết bị bay không người lái được sử dụng để phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật có thể làm giảm đáng kể việc sử dụng hóa chất nông nghiệp…Nhờ chuyển đổi số các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong đó có vải thiều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Alibaa, Voso, Viettelpost và được tiêu thụ rất tốt; tất cả sản phẩm vải quả bán ra thị trường cả trong và ngoài nước đều được dán tem QR code truy xuất nguồn gốc. Thực tế đã cho thấy, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên đáng kể; chuyển đổi số kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại lễ ký kết đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số tại lễ ký kết đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025

Hiện nay việc chuyển đổi số trong nông nghiệp tỉnh Hải Dương vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Hạ tầng chính sách về chuyển đổi số đang hoàn thiện nhưng tiến độ chậm, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu thu hút đầu tư, công nghệ và ưu thế cạnh tranh cho nông sản của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích…) còn yếu kém. Mục tiêu sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp còn chưa rõ ràng dẫn đến quy mô sản xuất chưa được thay đổi, chủ yếu vẫn là tự phát, quy mô nhỏ, lẻ…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận và một số địa phương khác trong cả nước, Hải Dương đã xác định chuyển đổi số là một xu thế tất yếu cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ phát triển do chuyển đổi số mang lại. Ngày 19 tháng 8 năm 2021, Tỉnh Hải Dương đã ký thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 với Tập đoàn FPT với 7 chương trình hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Tập đoàn FPT đã cam kết phối hợp, hỗ trợ cho tỉnh Hải Dương tổ chức truyền thông; hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hộ gia đình, trong đó có mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ những bước đi mạnh mẽ của tỉnh trong chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, tại Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam năm 2021 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã nhận định: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một tất yếu khách quan, nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, đồng thời tạo ra cú hích cho nông nghiệp phát triển. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp cần phải có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho người dân về chuyển đổi số; cùng với đó cần phải thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp nông nghiệp số. Huy động và phát huy tốt các nguồn lực trong xã hội phục vụ cho chuyển đổi số.

Bá Thảo

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: