Thứ ba, ngày 24/12/2024

Hoàn lưu bão số 4 gây thiệt hại ở nhiều địa phương

Thứ Bảy 18/08/2018 19:09

Xem với cỡ chữ
Ngày 17-8, hoàn lưu cơn bão số 4 gây thiệt hại ở nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An, Thanh Hoá và Sơn La.

Sạt lở đất trên quốc lộ 15C tại huyện Mường Lát, Thanh Hoá.

* Tính đến chiều 17-8, mưa lũ và sạt lở đất tại Nghệ An khiến năm người chết.

Tổng lượng mưa từ ngày 16-8 đến sáng 17-8 phổ biến ở các huyện miền Tây Nghệ An từ: 110 - 250 mm, như: Tây Hiếu 279mm, Quỳnh Lưu 250 mm, Quỳ Hợp 184 mm, Dừa 151mm, Quỳ Châu 132 mm, Con Cuông 105mm… Mưa lớn đã khiến nước sông suối dâng cao, chảy xiết cùng với việc các hồ thủy điện xả lũ đã khiến nhiều tuyến đường như quốc lộ: 7, 48, 15, 48E…, tỉnh lộ, liên huyện bị chia cắt; nhiều khu dân cư ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn…bị ngập lụt hay bị cô lập; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị chìm trong biển nước.

Các bản của xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) bị ngập nặng

Tại huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), mưa lũ đã cuốn trôi năm người, trong đó có một thi thể chưa xác định được danh tính. Trong ngày 17-8, mưa lớn tiếp tục diễn ra khiến mực nước ở sông Nậm Nơn dự kiến tiếp tục dâng cao. Hiện, nhiều nhà dân bị ngập lụt hay bị cô lập, trong đó xã Mỹ Lý bị ngập 19 nhà (4 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước), xã Keng Đu phải di dời hai nhà ra khỏi khu vực nguy hiểm… Tại thị trấn Mường Xén nhiều điểm ngập sâu từ 60cm đến một mét, các lực lượng phải sơ tán hơn 100 hộ dân ở bờ sông Nâm Mộ lên trên cao an toàn.

Mới cách đây hai tuần, các huyện miền Tây Nghệ An, trong đó có huyện Kỳ Sơn đã phải hứng chịu mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, khiến nhiều tuyến đường vào các xã Mường Típ, Mường Ải…bị cơ bản phá hỏng, chưa kịp khắc phục thì nay tiếp tục bị mưa lũ tàn phá. Chưa kể hiện đường vào các xã Tà Cạ, Hồi Tụ, Mỹ Lý bị ngập lúc sáng sớm và hiện đã bị cô lập, hai tràn ở xã Hữu Lập bị ngập sâu...

Mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 đã khiến nhiều huyện miền núi ở Nghệ An bị ngập lụt, một số tuyến quốc lộ, trong đó có tuyến quốc lộ 7 nối sang Lào, đoan từ huyện Con Cuông lên Tương Dương, Kỳ Sơn đến chiều nay vẫn đang bị chia cắt do bị đất đá từ trên núi tràn xuống. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương Lô Khăm Kha cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Tương Dương đã xảy ra chia cắt ở nhiều địa bàn như: Yên Tĩnh, Yên Thắng, Yên Na, Tam Quang…. Nhiều hoa màu của dân bị ngập.

Nước lũ dâng cao chia cắt xã Thạch Ngàn (Con Cuông)

Tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông có mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn khiến mực nước các khe, suối dâng cao và nhanh. Mực nước dâng cao khiến giao thông ách tắc và chia cắt, cô lập các bản làng trong xã thành bốn vùng. Hiện chưa có số liệu thống kê thiệt hại. Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, UBND xã đã tổ chức sơ tán các hộ dân có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đến nơi an toàn, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của xã túc trực 24/24 giờ. Tại các cầu tràn và điểm xung yếu, lão đạo xã được bố trí túc trực, không để người và các loại phương tiện qua lại.

Phía bên Quốc lộ 48, mưa lớn đã gây ngập lụt và, sạt lở trên diện rộng ở nhiều địa phương. Tại huyện Quỳ Hợp, các xã Châu Lý, Châu Thành, Châu Hồng, thị trấn... đều bị ngập nặng. Tất cả cầu tràn trên địa bàn xã Châu Lý đã bị ngập sâu gây chia cắt, cô lập hoàn toàn các bản trên địa bàn. Nhiều diện tích lúa đang làm đòng đã bị nước lũ, bùn đất nhấn chìm, nhiều diện tích ao cá bị cuốn trôi. Một số nhà dân đã bị đất đá làm hư hỏng…

Một số cầu, tràn trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã ngập sâu trong nước, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Trong đó, cầu Tràn Dinh Km97+850 nối liền xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, ngập sâu trên mặt cầu 2m. Nhiều xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh…bị nước lũ chia cắt. Các cầu tràn khác trên địa bàn huyện như thị trấn Nghĩa Đàn; Nghĩa Bình ngập sâu từ 0,5 - 0,7m. Đường giao thông của 11 xóm (hơn 1.000 hộ dân) của xã Nghĩa Hưng đã bị chia cắt và cô lập...Cầu Tràn Hiếu Km 92+B50, QL48E nối Nghĩa Thịnh với Nghĩa Hưng nước ngập sâu 2,2m, nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Trước tình hình này, UBND xã Nghĩa Thịnh đã lập hàng rào, biển báo cấm không để người dân qua đập tràn bị ngập.

Theo thống kê ban đầu trên toàn tỉnh Nghệ An (đến chiều ngày 17-8), mưa lớn đã khiến 17 ngôi nhà bị bị sập; 198 ngôi nhà phải di dời do sạt lở hay ngập sâu; 1.184 ngôi nhà bị ngập; hơn 5.000 ha lúa, rau màu và cây trồng khác bị ngập, hư hỏng; hơn 597 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; hơn 7.394 con gia súc, gia cầm bị chết; hàng chục nghìn mét đường, đê bị sạt lở, hư hỏng; hàng chục cầu cống, tràn bị hư hỏng, cuốn trôi hay bị ngập…

Huy động máy móc khắc phục sạt lở trên các tuyến giao thông huyết mạch.

Các địa phương đã huy động các lực lượng bộ đội, công an, biên phòng, dân quân tự vệ đã kịp thời có mặt để tổ chức sơ tán người dân cùng đồ đạc ra khỏi vùng ngập lụt hay có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Ngay trong mưa lũ, các đồn Biên phòng ở Mỹ Lý, Mường Típ, Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và Đại đội cơ động 1 thuộc Tiểu đoàn huấn luyện cơ động đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong mưa lũ để giúp người dân di chuyển đến nơi an toàn; đồng thời, vận chuyển tài sản lên cao...

Bộ đội Biên phòng giúp người dân và các trường học sơ tán người và đồ đạc lên vùng an toàn.

Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã huy động lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương xã trực tiếp đến các gia đình ở các bản: Xiềng Tắm, Xốp Tụ, Xiềng Trên…bị ngập nặng, nhất để sơ tán người và di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Tại bản Xốp Tụ, ngôi nhà của gia đình anh Kha Hồng Thủy bị đã ngập khoảng 30cm và đang có nguy cơ đổ sập do nằm gần mép sông. Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã huy động lực lượng giúp gia đình di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Công an huyện Quỳ Hợp đã dầm mình trong mưa lũ để sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập; lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức trực 24/24 tại các điểm ngập lụt để phân luồng, hướng dẫn người và phương tiên qua lại an toàn…Các lực lượng đã tổ chức cắm biển báo, trực gác tại các tuyến đường sạt lở hay bị ngập để không cho người dân qua lại hay đánh bắt cá, vớt củi… Chính quyền các địa phương cùng các ngành liên quan đang huy động nhân lực, máy móc để giải tỏa ách tắc trên các tuyến đường và giúp người dân khắc phục thiệt hại.

Hiện tại miền Tây Nghệ An vẫn còn mưa lớn, nước lũ đang tiếp tục dâng cao.

* Dự báo lượng nước đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ trong 24 giờ tới sẽ đạt khoảng 3.800-4.000 m3/s , nên từ 15 giờ ngày 17-8, hồ thủy điện Bản Vẽ bắt đầu xả lũ với lưu lượng từ 1.000 - 2.500 m3/s. Việc vận hành hồ chứa nước thủy điện Bản Vẽ sẽ góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Nghệ An vừa có lệnh vận hành hồ chứa nước thủy điện Bản Vẽ cắt giảm lũ cho hạ du. Theo đó, lưu lượng nước về hồ vào sáng 17-8 là 2.804 m3/s; mực nước hồ Bản Vẽ là 193,7 mét; Thủy điện Bản Vẽ đang xả qua tổ máy và tràn với lưu lượng 794 m3/s. Dự báo trong 24 giờ tới, lưu lượng nước về hồ có khả năng từ 3.800-4.000 m3/s. Thời gian xả lũ như sau: Từ 15 – 18 giờ ngày 17-8, bắt đầu xả từ 1.000 m3/s lên đến 2.000 m3/s. Từ 7-10 giờ ngày 18-8, tăng dần lưu lượng xả lên đạt 2.500 m3/s.

 

Khi mực nước hồ Bản Vẽ gần đạt đến mức nước dâng bình thường, Công ty Thủy điện Bản Vẽ vận hành tăng dần lưu lượng xả sao cho khi mực nước hồ Bản Vẽ đã đến mực nước dâng bình thường thì lưu lượng nước về hồ bằng lưu lượng nước xả qua công trình.

* Chiều 17-8, UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Lũ cuốn trôi hoàn toàn cầu tại bản Hẹ xã Sơn Lư; ngập tràn suối Tình khiến hai xã: Tam Lư, Tam Thanh tạm thời bị chia cắt, 14 bản bị cô lập. Huyện đã di dời, sơ tán 64 hộ, 273 khẩu đến nơi an toàn nhưng lũ cuốn mất tích bà Phạm Thị Báo, sinh năm 1970, ở bản Thủy Thành xã Sơn Thủy.

Như vậy, đến thời điểm này Thanh Hóa có một người ở huyện Quan Sơn mất tích do lũ cuốn và một người tử vong do đá lăn ở huyện Quan Sơn. Hiện lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm người mất tích; động viên, trợ giúp gia đình có người tử vong.

Nước lũ ngập tràn đường lên huyện Mường Lát.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, bão, lũ làm sập đổ hoàn toàn hai ngôi nhà; ngập 15 nhà, 1.245 ha lúa, 1.887 ha rau, hoa màu; đổ, gãy 5 ha sắn, mía, 1,5 ha và 30 cây cao su; tràn 126 ha nuôi trồng thủy sản. Đường quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập tại 9 vị trí, 39 điểm bị sạt lở, hư hỏng; một tràn bị cuốn trôi, hư hỏng một ngầm tràn, 10m kênh mương, đổ, gãy hai cột điện trung, hạ thế.

Hiện ngành giao thông vận tải huy động tối đa lực lượng, thiết bị, phương tiện, khắc phục các sự cố về giao thông, bảo đảm lưu thông thông suốt; phân công nhân lực trực gác, làm rào chắn, cắm biển cảnh báo, điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập, sạt lở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ thủy lợi, khẩn trương khắc phục các công trình bị hư hỏng. Hiện các công ty, xí nghiệp thủy nông phối hợp với chính quyền các địa phương vận hành các cống tiêu, trạm bơm tiêu úng cho vùng bị ngập. Lực lượng dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể trợ giúp hộ thiệt hại tu sửa, làm vệ sinh nhà ở, tiêu độc, khử trùng khu dân cư, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

* Tại huyện Mường Lát (Thanh Hoá), bão số 4 gây mưa kéo dài khiến 30 km tuyến đường 15C bị sạt nghiêm trọng từ bản Khằm, xã Trung Lý đến bản Pù Toong, xã Nhi Sơn, gây ách tắc giao thông.   Huyện Mường Lát đã huy động máy móc, phương tiện của Hạt quản lý giao thông số 7 và các doanh nghiệp đang thi công các công trình trên địa bàn nỗ lực khắc phục các điểm sạt lở. Bên cạnh đó, huyện Mường Lát cũng đã di dời 35 hộ, hơn 159 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tuy nhiên, tại bản Na Chừa, xã Mường Chanh ghi nhận một trường hợp tử vong do đá lăn, đập vào người khi đi hái rau trên nương, rẫy. Nạn nhân là chị Lương Thị Thếu, sinh năm 1989.

Tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (Thanh Hoá), khoảng 600 hộ dân thuộc bốn thôn hiện bị cô lập tạm thời do nước ngập tại khu vực suối làng Mòng. Các tuyến đường đi các xã Tam Văn, Lâm Phú tạm thời bị chia cắt.

Cùng ngày, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa kiểm tra công tác ứng phó với mưa bão đã yêu cầu huyện Lang Chánh và các xã tiếp tục chủ động, tích cực phòng ngừa lũ lụt; đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, kiên quyết đưa người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Nước lũ lên nhanh trên sông Âm, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá.

* Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 4, ngày 17-8, trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn ra mưa trên diện rộng, gây sạt lở đất và lũ tại nhiều sông, suối, làm 1 người chết và 1 người mất tích. Hai nạn nhân bị lũ cuốn trôi là chị Mùi Thị Uyên (SN 1989), cư trú tại bản Tây Tà Lao, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ và anh Vì Văn An, SN 1976, quê bản Nà Dìu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, có 28 điểm sạt lở trên các tuyến tỉnh lộ 108, 109, 110, 112, 114. Các tuyến quốc lộ: 37, 43, 4G xảy ra ách tắc giao thông. Ngoài ra, sạt lở đất làm sập hai ngôi nhà, ba ngôi nhà khác buộc phải di dời khẩn cấp, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng.

Như vậy, chỉ tính riêng đợt mưa lũ này, tỉnh Sơn La đã có 8 người chết và mất tích,1085 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 335 ngôi nhà phải di rời khẩn cấp, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 219 tỷ đồng.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Sơn La đã cử đoàn công tác thực hiện mở cống thoát nước phía thượng lưu để bảo đảm an toàn cho thủy điện Mường Hung đang thi công, đồng thời chỉ đạo các địa phương trợ giúp các gia đình có người bị nạn, hỗ trợ các gia đình đang bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Theo Báo Nhân dân Điện tử