Vốn và công nghệ là yếu tố quyết định thúc đẩy HTX phát triển trong bối cảnh hội nhập cũng như phù hợp với những thay đổi mạnh mẽ của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, phần lớn các HTX trong tỉnh đều loay hoay tiếp cận hai điều kiện then chốt này.
Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ nông sản mà HTX Nông sản sạch V Phúc hoạt động hiệu quả
Khó vay vốn
Dù hoạt động theo kiểu cũ hay thay đổi theo luật mới thì vốn vẫn là "bài toán" còn bỏ ngỏ lời giải với các HTX. Thời gian qua, Trung ương và tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ về vốn làm đòn bẩy cho kinh tế tập thể phát triển song giữa chủ trương và thực tế còn xa vời. Nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng vẫn xa tầm với của các HTX.
Được thành lập từ năm 2019 trên cơ sở liên kết các hộ nuôi thỏ ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ), HTX Đại Dương có nhu cầu về vốn lớn để đầu tư hạ tầng và mở rộng sản xuất. Thế nhưng, việc tiếp cận các gói vay, hỗ trợ không hề đơn giản và với HTX mới lại càng nan giải. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Cẩm luôn trăn trở về vốn, thứ được coi là "nguồn máu" nuôi dưỡng ý tưởng phát triển sản xuất, kinh doanh. Không có tài sản chung thế chấp hay các thủ tục, giấy tờ phức tạp là cản trở lớn để HTX vay vốn phục vụ sản xuất. HTX cần cơ hội trong khi các tổ chức tín dụng luôn cân nhắc, khắt khe nhằm hạn chế rủi ro. "Từ hiệu quả bước đầu và nhìn thấy tiềm năng phát triển, các thành viên trong HTX đều mong muốn mở rộng quy mô, hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, bài bản hơn. Mặc dù vậy, rào cản về vốn vẫn đang ngáng đường, kìm hãm và nếu không có giải pháp tháo gỡ sẽ làm thui chột những HTX non trẻ", anh Cẩm cho hay.
Là ngôi nhà chung của hơn 20 người khuyết tật, những năm qua, HTX Phụ nữ khuyết tật Bình Giang không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn là điểm tựa tinh thần cho các thành viên. Song nơi làm việc và dạy nghề của HTX đặc thù này chỉ là căn nhà cấp 4 rộng chừng 40 m2 cũ kỹ, xuống cấp. Máy móc, thiết bị cũng lỗi thời, lạc hậu. Bà Vũ Thị Quê, Giám đốc HTX than thở, nhiều chị em cũng muốn tham gia HTX nhưng cơ sở vật chất không cho phép. Bà đã tìm đủ cách để vay vốn mở nhà xưởng, mua sắm thiết bị nhưng kết quả không khả quan. Vì thế, dù có cơ hội phát triển hơn nhưng không có vốn đầu tư nên HTX chỉ duy trì hoạt động để trang trải cuộc sống cho các thành viên. Bà Quê bày tỏ: "Qua báo đài tôi được biết Nhà nước có nhiều ưu đãi về vốn cho HTX, có những gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng nhưng trên thực tế thì chỉ nghe chứ chưa thấy đâu, như vậy rất bất cập".
Cần linh hoạt trong cách thức cho vay vốn để các HTX có thêm cơ hội phát triển là quan điểm của hầu hết chủ thể HTX, cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý. Có nhiều HTX, tài sản chung là ruộng đất mà các thành viên gom góp, là nhà màng, nhà lưới cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Dù giá trị cao song đây không phải tài sản có thể thế chấp. Việc áp dụng những quy định cứng nhắc về vay vốn với HTX sẽ khó có thể khơi thông dòng vốn cho kinh tế tập thể. Thay vì bó buộc theo nguyên tắc chung, các tổ chức tín dụng có thể cân nhắc cho vay vốn thông qua việc thẩm định hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế của HTX hay các dự án mà HTX sẽ xây dựng sau khi có vốn. Bên cạnh đó, các HTX cần thay đổi tư duy trong việc huy động vốn, không nhất thiết chỉ trông chờ vào nguồn tiền mặt từ các gói tín dụng, quỹ hỗ trợ mà có thể kêu gọi đầu tư, đóng góp bằng hiện vật như đất đai, máy móc... Có như vậy, HTX mới khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển.
Cơ sở vật chất hạ tầng của HTX Phụ nữ khuyết tật Bình Giang thiếu thốn nhưng không có nguồn vốn cải tạo, mở rộng
Nhiều nơi lúng túng
Là HTX được thành lập do nhu cầu liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân nên HTX Nông sản sạch V Phúc (Kim Thành) có cơ hội tiếp cận với nhiều công nghệ mới. Các khâu từ sản xuất đến chế biến, HTX đều áp dụng đồng bộ kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng nông sản. Ngay cả khi tiêu thụ, ngoài cách truyền thống, giao dịch trực tuyến, HTX còn tận dụng ưu thế của mạng xã hội, sàn điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy, HTX đã vươn ra "biển lớn" hướng tới thị trường xuất khẩu. Theo ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, công nghệ chính là "chìa khóa" để HTX có thể cạnh tranh và khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Và thực tế chứng minh, HTX nào khai thác và ứng dụng tốt công nghệ đều "sống khỏe" trước những biến động.
Vai trò của những tiến bộ khoa học áp dụng vào các khâu sản xuất hay ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý đã được khẳng định trong hoạt động của HTX. Một số HTX trong tỉnh như HTX Nông sản sạch V Phúc đã thức thời, nhạy bén, coi công nghệ là công cụ hữu hiệu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn các HTX vẫn còn lúng túng vì chưa đủ điều kiện, khả năng để tiếp cận và làm chủ công nghệ. Bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng phần lớn các HTX vẫn lép vế và thiếu tự tin vì chưa làm chủ được công nghệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho HTX đuối sức, khó theo kịp các thành phần kinh tế khác.
Ngoài vướng về vốn thì năng lực, trình độ chuyên môn của các thành viên cũng cản trở việc ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến vào hoạt động của HTX. Mặt khác, một số HTX quy mô nhỏ nên việc đầu tư cho công nghệ cũng không phù hợp. Ngoài ra, có những HTX nông nghiệp tồn tại chỉ nhờ những hoạt động dịch vụ cho nông dân tại địa phương cũng không có nhu cầu sử dụng công nghệ hiện đại. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Giám đốc HTX Amei (Thanh Hà) nhận định, thường chỉ HTX có liên kết với doanh nghiệp mới chú trọng tới công nghệ và được doanh nghiệp chuyển giao công nghệ nên việc tiếp cận với công nghệ sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn. Còn những HTX chuyển đổi luôn có tâm lý ngại thay đổi, chỉ muốn duy trì, cầm chừng, ít tính toán đến việc đổi mới, tạo đột phá. Điều này càng khiến cho HTX mãi không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn trong khi cơ hội phát triển rất lớn.
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới". Nghị quyết đã đưa ra những nội dung mới, định hướng lớn, mang tính chất dài hạn và những mục tiêu cụ thể, lượng hóa cho từng giai đoạn để phát triển kinh tế tập thể. Đây sẽ là kim chỉ nam mà các HTX trong tỉnh cần bám sát để có thể phát huy vai trò của kinh tế tập thể hơn nữa.