Thứ sáu, ngày 19/4/2024

Tìm lời giải phát triển HTX - Bài 2: Khó thu hút người trẻ, có năng lực

Thứ Tư 21/09/2022 09:51

Xem với cỡ chữ
Hiện nay, phần lớn các HTX, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang loay hoay tìm và giữ chân nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao. Tuy nhiên, do thu nhập thấp trong khi trách nhiệm lại cao nên nhiều cán bộ HTX không gắn bó với kinh tế tập thể.

"Khát" lao động qua đào tạo

Đã qua độ tuổi nghỉ hưu vài năm nhưng ông Nguyễn Đăng Bặc vẫn giữ chức Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) xã Đồng Cẩm (Kim Thành) vì địa phương chưa tìm được người thay thế. Gần 20 năm gắn bó với HTX, tận tâm với công việc nhưng đôi lúc ông cảm thấy đuối sức. “Ở vùng này, dân trồng màu quanh năm nên nhiều hôm mưa gió, tôi vẫn phải ra đồng xem nước non, tiêu úng của nông dân thế nào. Tôi đã nhiều lần xin nghỉ song xã vẫn đề nghị làm nốt nhiệm kỳ này”, ông Bặc chia sẻ.

HTX DVNN xã Đồng Cẩm có 6 người trong Hội đồng quản trị, hầu hết là người lớn tuổi, có người đã qua độ tuổi nghỉ hưu. Người trẻ tuổi nhất là kế toán, kiêm nhiệm nhiều vị trí nên ít gắn bó với HTX. Theo ông Bặc, thu nhập quá thấp, trung bình chỉ từ 1 - 2 triệu đồng/tháng trong khi đầu việc nhiều. Vì nguồn nhân lực không có trình độ chuyên môn, nhiều năm nay hoạt động của HTX không có sự thay đổi lớn. Tài sản lớn nhất của HTX là 1 chiếc máy xúc do các thành viên góp vốn mua để làm dịch vụ thủy lợi. Ngoài ra, HTX cũng đảm nhận một số dịch vụ thiết yếu như thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng, chuyển giao khoa học – kỹ thuật... Doanh thu từ các dịch vụ chỉ vừa đủ trả công cho thành viên, người lao động trong HTX.

HTX DVNN xã Phú Điền (Nam Sách) cũng trong tình cảnh khó khăn không kém. Tất cả các thành viên trong Ban quản trị HTX đều kiêm nhiệm, ngay Giám đốc HTX là ông Nguyễn Văn Thường cũng kiêm Trưởng Đài Truyền thanh xã. Phần lớn các lao động làm việc tại HTX là những người lớn tuổi, làm việc theo kinh nghiệm, không được đào tạo bài bản. Trước đây, khi mới chuyển đổi mô hình theo Luật HTX 2012, HTX DVNN xã Phú Điền là một trong số ít những HTX điển hình, hoạt động có hiệu quả. HTX ghi điểm trong khâu dịch vụ cung ứng vật tư và diệt chuột, bảo vệ đồng ruộng. Thế nhưng do nhiều yếu tố khách quan cùng với thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nên hoạt động ngày càng kém. Thu nhập của các thành viên HTX cũng giảm dần. Dù biết rất cần nhân lực trẻ có trình độ về làm việc để thúc đẩy HTX phát triển nhưng mong muốn bấy lâu vẫn chưa thành hiện thực.

Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có khoảng hơn 3.100 người quản lý, điều hành các HTX trong tỉnh. Trong đó chỉ 954 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, đạt 30%, số còn lại là sơ cấp và chưa qua đào tạo. Nguồn nhân lực của HTX chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, có nhiệt huyết nhưng trình độ chưa cao vì không được đào tạo bài bản. Nguyên nhân được xác định là lao động trẻ có trình độ đa số không muốn về làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là tại các HTX.  

Cần cú hích

"Khát" nguồn nhân lực trẻ, nguồn nhân lực có trình độ là thực trạng chung của hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng rơi vào tình trạng này. HTX DVNN Đức Chính (Cẩm Giàng) là một trong số ít HTX tiêu biểu trong tỉnh. Đây cũng là một trong 66 HTX điển hình trong cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn tham gia nhóm COOP.66 (nhóm các HTX nông nghiệp điển hình toàn quốc).

 


Nhờ liên kết sản xuất, hoạt động hiệu quả, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính đã giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng và tâm huyết với kinh tế tập thể

Ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX DVNN Đức Chính cho biết: "Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành bại của các HTX, phải lựa chọn người không những am hiểu về chuyên môn, kỹ thuật mà phải gắn bó với HTX. Hiện bộ máy lãnh đạo của HTX gồm 7 người thì 3 người có trình độ đại học, thành viên còn lại đều từ sơ cấp trở lên. Để đổi mới, chúng tôi tăng cường các hoạt động liên kết sản xuất giữa HTX với nông dân và doanh nghiệp. Mọi hoạt động thu, chi đều công khai minh bạch, trả công đầy đủ cho người lao động và các thành viên. Đây là cách chúng tôi giữ chân nguồn nhân lực chất lượng".

Việc thiếu nguồn nhân lực được đào tạo, bảo đảm chất lượng là vấn đề nan giải của các HTX trên địa bàn tỉnh. Thực tế, ban lãnh đạo HTX đều là những người lớn tuổi, chưa có chuyên môn, nghiệp vụ, khó thay đổi và chậm tiếp cận những cái mới. Để hoàn thiện và nâng cao nguồn nhân lực HTX, tỉnh và các ngành liên quan vẫn tích cực mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năm 2022, tỉnh triển khai thí điểm đưa cán bộ trẻ có tuổi đời dưới 40, có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp. Đồng thời tăng cường hỗ trợ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX.

Chủ trương đưa cán bộ trẻ về HTX được xem là giải pháp phù hợp và cần thiết. Nhưng để giữ chân đội ngũ trẻ cũng cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp. Trước mắt, các HTX phải chủ động đổi mới hơn nữa trong kiện toàn nhân lực. Về lâu dài, HTX cần linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh để tăng cao nguồn thu, từ đó mới có thể thu hút và giữ chân các trí thức trẻ gắn bó lâu dài.

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: