Thứ hai, ngày 2/12/2024

Có một "Đà Lạt" thu nhỏ ở Côn Sơn

Chủ Nhật 12/06/2022 15:31

Xem với cỡ chữ
Trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, núi Ngũ Nhạc là một địa danh đầy sức hấp dẫn. Không chỉ có cảnh quan đẹp, Ngũ Nhạc còn mang trong mình một "tiểu vùng khí hậu" mát mẻ, trong lành khiến nhiều người thích thú.

 


Núi Ngũ Nhạc nằm về phía bên trái chùa Côn Sơn

Mát mẻ, trong lành

Những ngày toàn Bắc Bộ nắng nóng, đặt chân lên Ngũ Nhạc, du khách sẽ dần cảm nhận rõ sự thay đổi của thời tiết. Càng lên cao, nhiệt độ càng thay đổi rõ rệt, sự mệt mỏi dường như tan biến. Đây là lý do mà ông Nguyễn Hùng Cường ở phường Lê Lợi (Chí Linh) thường ghé qua Ngũ Nhạc. "Hôm nay tôi đi một mình, những ngày khác thường cùng hội đạp xe đi bộ lên đây nghỉ chân tránh nóng. Có hôm tôi chở theo cả cháu đi cùng, vừa là để cháu hiểu thêm về Côn Sơn, về núi Ngũ Nhạc, vừa là để cháu làm quen với thiên nhiên. Không phải đi đâu xa, ngay Chí Linh cũng có điểm giống như Đà Lạt", ông Cường vui vẻ cho biết.

Cùng với Kỳ Lân, núi Ngũ Nhạc, thuộc xã Lê Lợi (Chí Linh) là mạch núi linh thiêng ở phía bắc, góp phần tạo nên danh thắng Côn Sơn. Hai mạch núi này được bắt nguồn từ dãy Huyền Đinh, Yên Tử đột khởi mà thành. Giữa 2 mạch núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc là Thanh Hư Động. Vì vậy mà người xưa ca ngợi: Chí Linh vi chi huyện, thực dĩ Côn Sơn chân linh/ Côn Sơn vi tối linh, chân ỷ Ngũ Nhạc kỳ tú (nghĩa là: đất Chí Linh được gọi là linh bởi do Côn Sơn linh thiêng/Côn Sơn linh thiêng là do núi Ngũ Nhạc rất đẹp).

Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, núi Ngũ Nhạc có 5 đỉnh, xoải dài từ bắc xuống nam với chiều dài hơn 4 km, ngọn cao nhất 238 m, nằm về phía đông bắc của Côn Sơn. Trên các đỉnh núi này người xưa cho xây 5 miếu thờ thần ngũ phương nên gọi là "Ngũ Nhạc linh từ".

Núi Ngũ Nhạc bắt nguồn từ dãy Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều, có kết cấu sỏi cát, độ ẩm cao nên thực vật ở đây phát triển mạnh, nhiều loài cây sinh sống như thông, trúc, me rừng, chuối rừng, sim, mua và cây dược liệu. Rừng cây rậm rạp xanh tốt quanh năm bao trùm lên toàn bộ các ngọn núi, nên lúc nào Ngũ Nhạc cũng mang trong mình một sức sống, một màu xanh kỳ diệu. Đến đây không chỉ có âm thanh của thông reo, của lá cây xào xạc mà còn có tiếng róc rách của suối, tiếng líu lo của chim... tạo nên bản giao hưởng của núi rừng Côn Sơn hùng vĩ.


Nhiều người nhận xét thiên nhiên, khí hậu trên núi Ngũ Nhạc có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt

Không chỉ mang lại cảnh quan đẹp đẽ, cây xanh còn mang đến cho Ngũ Nhạc một "tiểu vùng khí hậu" độc đáo và mát mẻ. Những người leo núi sớm thường bắt gặp cảnh sương mờ phủ khắp lối đi. Khi nắng lên, màn sương tan dần, để lộ ra cảnh quan núi rừng đẹp đẽ. Nhiều người đã thốt lên, Ngũ Nhạc linh từ hệt như một "Đà Lạt" thu nhỏ.

Ngọn núi linh thiêng

Trước khi được tôn tạo, muốn lên núi Ngũ Nhạc phải luồn rừng, luồn suối. Đến năm 2004, miếu Ngũ Nhạc và đường bộ hành dài 1,8 km bằng đá xanh đã được tôn tạo. Ngày nay, để lên Ngũ Nhạc, người dân chỉ cần dừng ở bãi xe phía ngoài trước khi đến chùa Côn Sơn là đã có thể bắt đầu một cuộc hành trình.

Người xưa coi Ngũ Nhạc là ngọn núi thiêng, khí thiêng của núi từ các phương hội tụ. Núi Ngũ Nhạc nằm ở giữa. Phía tây nam là núi Côn Sơn, chân núi có chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc-một trong những chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Phía bắc là dãy núi Rồng-có nhiều ngọn nằm ôm ấp quần thể di tích lịch sử Kiếp Bạc, đây là nơi có núi sông hùng vĩ tạo nên địa thế hiểm yếu về mặt quân sự, là đại bản doanh và thái ấp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII. Phía nam là dãy núi Phượng Hoàng, thế núi quần sơn củng lập, 2 cạnh xòe ra như loan liệng, phượng múa, trên núi có đền thờ Vạn thế sư biểu Chu Văn An. Ở sườn phía đông bắc Ngũ Nhạc có đền Sinh thờ Mẫu và đền Hóa thờ tướng quân Phi Bồng-người có công giúp Trần Hưng Đạo đánh giặc. Chân núi phía nam là đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Nếu như núi Côn Sơn gắn với chùa Côn Sơn và Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt thì núi Ngũ Nhạc là nơi thờ trời đất, ngũ phương theo tư tưởng Đạo giáo. Bởi vậy, Ngũ Nhạc được linh khí tứ phương hội tụ, là nơi tối linh của xứ Đông và đất nước.


Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu trong chương trình lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc mùa xuân hằng năm

Núi Ngũ Nhạc không chỉ có thiên nhiên xanh mát mà còn có những giá trị tâm linh sâu sắc. Trải qua bao mưa nắng, những miếu thờ trên Ngũ Nhạc chỉ còn là những ban thờ lộ thiên, kiến trúc đơn sơ. Ngày 8.8.2004, đồng chí Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch nước lên thăm Ngũ Nhạc đã đề nghị tôn tạo những ngôi miếu thờ để phát huy giá trị di tích, giới thiệu với du khách về vốn văn hoá độc đáo của xứ Đông. Sau đó 2 năm, 5 miếu thờ cùng hệ thống đường bộ hành lên núi đã được hoàn thiện.

Từ dưới chân núi, theo đường bộ sẽ đến Đông Nhạc miếu, tượng trưng cho hành Mộc, rồi đến Nam Nhạc miếu, có màu đỏ, là màu của hành Hỏa. Bắc Nhạc miếu tượng trưng cho hành Thủy, rồi đến Tây Nhạc miếu, tượng trưng cho hành Kim và cuối cùng là Trung Nhạc miếu, tượng trưng cho hành Thổ.

Năm 2006, việc phục dựng nghi thức tế lễ trời đất trên núi Ngũ Nhạc đã hoàn chỉnh và tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc trở thành một nghi lễ không thể thiếu trong chương trình lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn hằng năm.

Ông Phạm Văn Điếm ở thôn An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh) là người trông coi núi Ngũ Nhạc cho biết việc quét dọn đường lên và 5 ngôi miếu của ông bắt đầu từ 6 giờ sáng hằng ngày. Trước đây du khách hầu hết chỉ lên Ngũ Nhạc vào mùa xuân, nay có những câu lạc bộ thiền, dưỡng sinh số lượng hàng trăm người lên vào mùa hè để tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành.

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: