Chủ nhật, ngày 15/9/2024

Dấu ấn doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Dương

Chủ Nhật 29/05/2022 21:01

Xem với cỡ chữ
Doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Dương nổi bật về hiệu quả sản xuất, kinh doanh, gây ấn tượng tốt về văn hoá doanh nghiệp và có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội.
Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản tiêu biểu tại Hải Dương (Ảnh: Thành Chung)
Đứng thứ 2 về số lượng dự án và vốn đầu tư

Thành lập từ tháng 9.2006, Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso ở khu công nghiệp Nam Sách (TP Hải Dương) là doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử. Với hơn 3.000 công nhân, người lao động, mỗi năm đơn vị sản xuất từ 65-70 triệu sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... Cùng với chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ (trung bình từ 6-7 triệu USD/năm), doanh nghiệp này tích cực ủng hộ các chương trình thiện nguyện, thường xuyên hỗ trợ thiết bị học tập cho các trường học trên địa bàn tỉnh. Hiện doanh nghiệp đang nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp rất chú trọng đào tạo tay nghề cho công nhân, xây dựng lề lối làm việc bài bản. Ông Tokunaga Masao, Giám đốc Nhà máy của doanh nghiệp cho biết gần 16 năm đầu tư kinh doanh tại Hải Dương, đơn vị luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền và cơ quan chuyên môn. Đây là những thuận lợi tiên quyết để doanh nghiệp yên tâm, tập trung đầu tư cho sản xuất.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao, Công ty TNHH UMC Việt Nam ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) luôn cải tiến, đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại. Với số vốn đầu tư ban đầu gần 320 tỷ đồng, đến nay công ty đã 9 lần điều chỉnh đăng ký để phù hợp với quy mô sản xuất. Hiện mỗi năm công ty xuất khẩu gần 54 triệu bản mạch điện tử, tạo việc làm ổn định cho 2.700 lao động. Ngoài đóng góp đáng kể cho ngân sách, những nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng lao động ở doanh nghiệp đáng được ghi nhận. Công nhân, người lao động không những được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn được hướng dẫn cặn kẽ về tác phong làm việc. Từ đó tạo ra văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp, phát huy được tối đa các lợi thế nguồn lực lao động.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có gần 60 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, đứng thứ hai về số lượng và vốn đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ yếu là linh kiện điện tử, linh kiện cơ khí, thiết bị viễn thông, dây và cáp điện ô tô... với quy mô vốn tương đối khá, trung bình 24 triệu USD/dự án. Các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Hải Dương. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản đạt 915 triệu USD, chiếm 9,3% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và 12,4% GRDP của tỉnh.

Doanh nghiệp Nhật Bản luôn coi trọng việc đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chú trọng thu hút đầu tư

Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Hải Dương, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn mong muốn được tạo thuận lợi hơn nữa để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Yokouchi Tsutomu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH UMC Việt Nam khẳng định Hải Dương có vị trí thuận lợi, an ninh, chính trị ổn định nên được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, tỉnh cần sớm khắc phục hạn chế về nguồn lao động, nhà ở xã hội, năng lực cấp điện ổn định để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất.

Những dự án FDI Nhật Bản có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, phù hợp định hướng phát triển nên được tỉnh quan tâm, coi trọng thu hút đầu tư. Các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ để đón dòng vốn FDI từ quốc gia này. Bà Đinh Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Trung Quý Bắc Ninh, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng cho hay: "Mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là những dự án lớn, chất lượng đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng hạ tầng hiện đại nhất, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe nhất để có thể thu hút đầu tư".

Theo ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, với những ưu điểm vượt trội trong sản xuất, kinh doanh, nhất là rất coi trọng bảo vệ môi trường nên Hải Dương ưu tiên thu hút đầu tư các dự án từ Nhật Bản. Hiện ngoài lĩnh vực điện, điện tử, tỉnh mong muốn kêu gọi đầu, hợp tác với Nhật Bản ở các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, logistics, năng lượng... "Đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ, chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư. Với quan điểm luôn đặt doanh nghiệp ở trung  tâm, ban sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xử lý vướng mắc kịp thời, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản phát triển sản xuất, mở rộng đầu tư kinh doanh; củng cố niềm tin, uy tín của tỉnh để nhà đầu tư Nhật Bản gắn bó với Hải Dương", ông Trấn Anh Tuấn khẳng định
Theo Baohaiduong.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: