Thứ năm, ngày 5/12/2024

Câu chuyện tháng 11/2019: Chú mặc cũng như tôi mặc

Thứ Hai 14/10/2019 15:18

Xem với cỡ chữ
Quà áo thì nhiều, nhưng nào Bác có mặc, nay Bác tặng ông Đặng Phục Thông, mai Bác lại nhờ người đến tặng bác sĩ Trần Hữu Tước. Đọc báo biết tin có chiến sĩ liên lạc đạt thành tích cao, Bác chuyển tới đơn vị một bộ quần áo tặng đồng chí ấy. Gặp ai, không có khăn quàng, Bác cởi chiếc khăn đang quàng quấn vào cổ khách...

 

Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta từ các cụ phụ lão, phụ nữ, thiếu niên nhi đồng, các tăng ni, phật tử, đồng bào theo các tôn giáo thường gửi khăn mặt, áo len, áo trấn thủ tặng Bác. Đồng bào biết rõ, tuy là Chủ tịch nước nhưng nước còn nghèo, Bác lại sống giản dị, tiết kiệm nên chắc là không muốn may mặc gì. Đồng bào sợ Bác lạnh, không chống đỡ được cái rét Việt Bắc, núi đá, sương mù...

Bác nhận được áo tặng, bao giờ cũng có thư cảm ơn, nhờ các chiến sĩ giao thông Văn phòng Chính phủ, ủy ban nhân dân chuyển tới. Quà áo thì nhiều, nhưng nào Bác có mặc, nay Bác tặng ông Đặng Phục Thông, mai Bác lại nhờ người đến tặng bác sĩ Trần Hữu Tước. Đọc báo biết tin có chiến sĩ liên lạc đạt thành tích cao, Bác chuyển tới đơn vị một bộ quần áo tặng đồng chí ấy. Gặp ai, không có khăn quàng, Bác cởi chiếc khăn đang quàng quấn vào cổ khách...

Bác cười nói:

  - Cụ mặc, chú mặc cũng như tôi mặc. Chú ấm cũng như tôi ấm.

Mùa đông năm 1948, ở Việt Bắc có lẽ là mùa đông rét nhất trong những năm kháng chiến chống Pháp. Quân dân ta tuy đã đánh tan cuộc tấn công Thu Đông 1947 của giặc Pháp nhưng cũng chưa có điều kiện để trang bị nhiều quần áo, vũ khí cho bộ đội. Năm ấy ở vùng Thái Nguyên - Tuyên Quang đến 9-10 giờ sáng mà sương mù vẫn chưa tan, mặt trời vẫn chưa rạng để sưởi ấm giúp cho con người. Rét lạnh, sương giá nên rất dễ bị ho. Đi phục kích địch mà không giữ được ấm cổ, ho lên vài tiếng có khác gì “lạy ông, tôi ở bụi này”. Không đi đánh địch, nhưng ở ATK (An toàn khu) gác đêm mà bị ho thì cũng không có lợi. Anh em đã xin, đã mua và trồng gừng để ngậm, cố giữ ấm ngực, để không phải ho.

Có một chiến sĩ cảnh vệ trẻ, đến phiên gác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch, đêm đã khuya vẫn thấy ngọn đèn trong phòng Bác Hồ sáng. Anh biết là Bác đang còn làm việc và anh tự bảo là phải giữ cho đừng ho. “Ho lên, là gay lắm”, như lời Tiểu đội trưởng dặn. Anh xoa tay vào cổ, ngậm miệng, bịt tay chắn mũi để không cho hơi lạnh vào người... Nhưng rồi anh vẫn ho, ho nhiều...

Nghe tiếng ho, Bác đi ra, đến bên cạnh, nhìn anh quần áo mỏng manh, Bác nói nhẹ:

  - Cháu mặc thế thảo nào chẳng lạnh.

Bác quay vào nhà lấy ra một cái trấn thủ, đưa cho anh chiến sĩ:

  - Cháu mặc vào cho đỡ rét.

Bác muốn anh chiến sĩ trẻ “cơm chưa no, lo chưa tới” này đỡ khó khăn vất vả. Anh chiến sĩ lại thương Bác nhiều tuổi, trăm công nghìn việc, nên không dám nhận.

Như hiểu ý anh, Bác giục.

  - Chú cứ giữ lấy mà mặc. Bác đã có áo khoác rồi. Mặc như thế này làm sao mà chẳng ho. Thôi, mặc vào cháu.

Và từ tay Bác lồng cái áo trấn thủ vào vai anh lính trẻ.

Tài liệu dùng cho sinh hoạt chi bộ, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội năm 2019 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: