Thứ năm, ngày 5/12/2024

50 năm Hải Dương thực hiện Di chúc của Bác. Bài 4: Lan tỏa phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"

Thứ Sáu 30/08/2019 14:51

Xem với cỡ chữ
Thực hiện Kế hoạch số 149-KH/TU, ngày 09/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hải Dương trân trọng gửi tới các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết tuyên truyền của Baohaiduong.vn

Thành đoàn Hải Dương phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho những người có công ở phường Tứ Minh

Ở Hải Dương, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" đã lan tỏa trở thành nét đẹp trong xã hội, kịp thời tri ân sâu sắc đến những người có công với cách mạng.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác về đạo lý "Đền ơn, đáp nghĩa", những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, dành nhiều sự quan tâm, chăm lo thiết thực đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công (NCC) với Tổ quốc, với nhân dân. Ở Hải Dương, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" đã lan tỏa trở thành nét đẹp trong xã hội, kịp thời tri ân sâu sắc đến những NCC với cách mạng.

Cả xã hội chung tay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Bác hằng mong muốn lan tỏa những việc làm thiết thực, ý nghĩa, giúp thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng vượt mọi khó khăn trong cuộc sống.

Thực hiện mong ước ấy của Bác, những năm qua tỉnh Hải Dương luôn phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn", huy động cả xã hội dành sự quan tâm thiết thực đối với NCC. Hơn 4.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 39.000 gia đình liệt sĩ, hơn 31.000 thương binh, bệnh binh và hàng chục nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, bị địch bắt, tù đày, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, phụng dưỡng chu đáo của MTTQ và các tổ chức thành viên. Riêng trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), MTTQ các cấp đã vận động ủng hộ Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" hơn 12,4 tỷ đồng; vận động 69 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng suốt đời 86 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến thời điểm này, tất cả các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của Hải Dương đều được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng đến suốt đời.

Từ tháng 11.2016 đến nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tặng 21.600 suất quà, tổng trị giá gần 7,4 tỷ đồng; tổ chức khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho gần 25.000 người thuộc gia đình chính sách, NCC với cách mạng; tổ chức cho đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh, liệt sĩ hằng năm.

Nhiều doanh nghiệp tích cực chung tay chăm lo đời sống NCC trong tỉnh. Tiêu biểu như Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại có thời điểm nhận phụng dưỡng, sửa nhà cho 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Doanh nghiệp này cũng đóng góp hàng tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” do MTTQ phát động. Từ tháng 1.2015 đến nay, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng là các cụ Phạm Thị Bể (96 tuổi) và Nguyễn Thị Hút (102 tuổi) cùng ở xã Nhật Tân (Gia Lộc). Chị Trần Thanh Ngân, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Hằng quý, công ty và công đoàn cơ sở đều tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, trao tận tay gia đình số tiền phụng dưỡng các mẹ. Mỗi dịp như thế các mẹ vui lắm. Chúng tôi cũng coi đây là dịp để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước, vì dân”.

Kịp thời thực hiện chế độ chính sách

Những năm qua, Hải Dương luôn thực hiện cơ bản đầy đủ việc chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng, trợ cấp một lần, nhiều chế độ ưu đãi khác đối với NCC, thân nhân NCC. Điển hình như từ năm 2013 đến nay, các đơn vị liên quan đã giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục, đào tạo cho hơn 1.720 học sinh, sinh viên là thân nhân NCC; thực hiện chế độ điều dưỡng sức khỏe tại các trung tâm trong và ngoài tỉnh, điều dưỡng tại nhà cho hơn 115.000 lượt NCC và thân nhân; hỗ trợ phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng cho khoảng 7.400 lượt người; hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà ở cho hơn 5.650 hộ NCC với mức hỗ trợ xây nhà là 44 triệu đồng/hộ, sửa nhà là 20 triệu đồng/hộ...

Ngoài chế độ chung theo quy định của Nhà nước, những năm gần đây vào dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ hằng năm, tỉnh đều trích kinh phí tặng quà cho tất cả NCC và thân nhân NCC đang thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng, với mức từ 300.000 đồng/suất trở lên. Vào những dịp này, các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh, huyện đều trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình NCC tiêu biểu...

Những chính sách ưu đãi trên đã giúp đời sống của NCC hiện bằng và cao hơn mức bình quân chung của người dân. Ông Nguyễn Đình Tảo sinh năm 1951, thương binh 1/4 ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) cho biết: "Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, đời sống của gia đình tôi được nâng lên rất nhiều. Ngoài phụ cấp hằng tháng, tôi cũng nhận được nhiều hỗ trợ về y tế như khám chữa bệnh miễn phí, điều dưỡng theo tiêu chuẩn nên sức khỏe của tôi những năm gần đây khá ổn định, vết thương cũ ít khi tái phát hơn".

Kỳ sau: Đời sống văn hóa ngày càng khởi sắc

 

Theo Baohaiduong.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: