Thứ sáu, ngày 3/5/2024

Kinh tế - xã hội

Thứ Tư 01/08/2018 16:17

Xem với cỡ chữ

1. Kinh tế, hạ tầng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong thời kỳ 1997 - 2016 của tỉnh đạt 9,3%/năm, tăng cao hơn bình quân chung của cả nước. Năm 2016, quy mô kinh tế lớn gấp 17,2 lần năm 1997. Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã thu hút được trên 135.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển toàn xã hội. Tỉnh hiện có gần 9.500 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký là 72.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp đang xây dựng và hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 60%. Nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường được đầu tư phát triển mở rộng. 


 
Khu công nghiệp Tân Trường, Cẩm Giàng

Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2017 tăng 8,9% so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; cơ cấu kinh tế đạt 11,0% - 54,2% - 34,9% (năm 2016 là 12,5% - 53,4% - 34,1%). Sản xuất công nghiệp tăng 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; giá trị sản xuất ngành xây dựng ước tăng 9,6%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 8,6% so với năm 2016. Giá cả thị trường cơ bản ổn định; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 5 tỷ 260 triệu USD, tăng 15,1%. Để hỗ trợ phát triển công nghiệp, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền - Lương Điền, KCN Lai Vu, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương.  Năm 2017, tổng thu nội địa toàn tỉnh đạt 11.165 tỷ đồng, vượt 6,5% dự toán, tăng 27,6% so với năm 2016. Tỉnh đã thu hút được 49 dự án đầu tư mới trong nước với tổng số vốn trên 2.752 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 334 triệu USD. Toàn tỉnh có 1.568 DN mới thành lập với số vốn đăng ký 6.482 tỷ đồng, tăng 30,1% về số lượng DN và tăng 77,7% về số vốn đăng ký. 
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018: kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 9,04% so với 6 tháng đầu năm 2017 (Kế hoạch năm tăng 8% trở lên); giá trị hàng hoá xuất khẩu 2.972 triệu USD, bằng 51,3% kế hoạch năm, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nội địa 6.171 tỷ 056 triệu đồng, bằng 54,5% dự toán năm, tăng 14% so với cùng kỳ; tổng chi cân đối ngân sách địa phương 6 tháng đạt 5.825 tỷ 576 triệu đồng, bằng 54,1% dự toán năm, tăng 19,2% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 329,5 triệu USD (tăng 54,3% so với cùng kỳ)

Hải Dương đang tập trung phấn đấu để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu đến năm 2020, cơ cấu kinh tế sẽ là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 11%; công nghiệp, xây dựng 56%; dịch vụ 33%. Giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu tăng trưởng bình quân 11%/năm. Để tiếp tục khẳng định vị thế ngành kinh tế trọng yếu, tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch và định hướng phát triển công nghiệp. Các ngành Công nghiệp đang tái cơ cấu theo hướng tập trung phát triển, nâng cao năng lực và tỷ trọng sản phẩm có lợi thế, có giá trị nội địa cao như: Điện tử, viễn thông, thép chất lượng cao, ô tô, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí, may, giầy.


 
Nhà máy sản xuất linh kiện ô tô Kefico tại Khu công nghiệp Đại An, Hải Dương

Hải Dương luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, đã đẩy mạnh đầu tư quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện dồn điền, đổi thửa, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa. Năm 2017, giá trị sản xuất cây ăn quả trong tỉnh đạt 167 đến 190 triệu đồng/ha, tăng từ 20 đến 30 triệu đồng/ha so với năm 2016; toàn tỉnh có năm loại cây ăn quả chủ lực đã được đưa vào sản xuất hàng hóa và chứng nhận theo quy trình GAP là vải, ổi, na, cam, bưởi với diện tích 442 ha; riêng cây vải được chứng nhận GAP hơn 100 ha, trong đó có 88,54 ha sản xuất tại 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Ô-xtrây-li-a, EU với sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 340 tấn. 


Thu hoạch vải thiều Thanh Hà

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Hải Dương đạt nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh đạt 3.924 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 17,3 tiêu chí, tăng 1,7 tiêu chí/xã so với cuối năm 2016. Đã có 146 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm trên 64% số xã trong toàn tỉnh; trong đó, 115 xã đã được công nhận đạt chuẩn và 31 xã đã được thẩm định để Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn. Tháng 11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận huyện Kinh Môn đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.

 
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Kinh Môn

Thực hiện khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, Hải Dương đã tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng có tác động tới phát triển liên vùng và phục đời sống dân sinh, như: Dự án cầu Hàn, nút giao lập thể Ngã Ba hàng trên quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và đường tỉnh 390, đường 388 đoạn An Thái - Mạo Khê, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn… Các dự án này đã và đang góp phần hình thành những tuyến giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
 


Cầu Hàn nối thành phố Hải Dương với huyện Nam Sách

2. Giáo dục-đào tạo
Trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, Hải Dương luôn duy trì thứ hạng cao về chất lượng, trong đó số lượng học sinh giỏi quốc gia đứng trong tốp 6, chất lượng giáo dục đại trà đứng thứ 2 toàn quốc. Năm 2017, toàn tỉnh có 560 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 60,5%). Mạng lưới hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được duy trì, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên.

Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, TP Hải Dương

3. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe được đẩy mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tốt. Đến nay, toàn tỉnh có 1.518 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân có giấy phép hoạt động. Hải Dương là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng trung tâm y tế huyện, 100% các trung tâm được đầu tư xây dựng mới. 100% số xã đạt chuẩn giai đoạn 1, 178 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2010-2020, chiếm 67,2%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của tỉnh đạt trên 83% số dân, đạt tỷ lệ 8,2 bác sĩ (năm 1997 là 3,2 bác sĩ) và 32,5 giường bệnh trên 1 vạn dân (năm 1997 là 20,5 giường bệnh).


 
Bệnh viện đa khoa tỉnh được đầu tư xây mới hiện đại


CÁC BÀI VIẾT KHÁC: