Thứ năm, ngày 21/11/2024

Danh nhân lịch sử

Thứ Tư 01/08/2018 16:16

Xem với cỡ chữ
Đóng góp vào nền văn hoá của dân tộc, xứng danh vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, Hải Dương là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều tài năng lỗi lạc của quê hương, đất nước. Đó là truyền thống thượng võ - nơi sinh ra và nơi dựng binh của nhiều vị tướng tài, nhiều nhà quân sự tài ba trong lịch sử. Hải Dương còn là vùng đất nổi tiếng khắp Bắc Hà về truyền thống khoa bảng.

Trong gần 1.000 năm đào tạo, tuyển chọn nhân tài, từ khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), theo chương trình Nho giáo, cả nước có 2.898 tiến sĩ và học vị tương đương. Trong đó, tỉnh Hải Dương có nhiều tiễn sĩ nhất (488 tiến sĩ, nếu tính theo địa giới năm 1888 thì có 638 tiến sĩ). Huyện Nam Sách là huyện có nhiều tiến sĩ nhất nước (125), làng Mộ Trạch (Tân Hồng, Bình Giang) là làng có nhiều tiến sĩ nhất nước (37), được gọi là “Lò Tiến sĩ xứ Đông”. Lĩnh vực nào, Hải Dương cũng có những nhân tài nổi danh khắp đất nước.
1. Khúc Thừa Dụ (? - 907)

Ông là một hào trưởng người làng Cúc Bồ, đất Hồng Châu (nay là thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang) đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành lại quyền tự chủ từ tay bọn phong kiến nhà Đường. Với thắng lợi của cuộc khởi nghĩa do Khúc Thừa Dụ lãnh đạo (năm 905) đã đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp khôi phục độc lập dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
2. Trần Quốc Tuấn (1226 - 1300)

Ông là tôn thất nhà Trần, con An Sinh vương Trần Liễu, cháu vua Trần Nhân Tông (Trần Cảnh). Quê ông ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, huyện Mỹ Lộc (nay là tỉnh Nam Định). Ông là người thông minh, tài tử, thiên tài về quân sự. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân ta đã giành chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp (Chí Linh), Bạch Đằng đuổi giặc ra khỏi đất nước, phá tan mộng xâm lăng của giặc Nguyên đối với nước ta. 
Đến đời vua Trần Anh Tông, ông về sống những ngày cuối đời ở Vạn Kiếp (Chí Linh). Để ghi nhận công lao to lớn của ông, triều đình cho lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp (Hưng Đạo, Chí Linh) ngay khi ông còn sống. Sau khi mất, vua tặng phong ông là Hưng Đạo Đại vương. Từ ngày rằm đến 20 tháng 8 âm lịch hàng năm nhân dân thập phương về hội đền tấp nập. Đền Kiếp Bạc là di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.
3. Yết Kiêu (?-?)

Ông là tuỳ tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, tên thật là Phạm Hữu Thế, người làng Hạ Bì, huyện Gia Phúc (nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc). Ông là người có công đầu trong trận đại thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng ngày 8 - 3 năm Mậu Tý (9 - 4 - 1288) nhờ tài bơi lặn giỏi như loài thuỷ tộc. Khi ông mất, vua Trần truyền lập đền thờ ông ở bờ sông làng Hạ Bì quê ông (tức làng Quát). Hội đền làng Quát hàng năm được tổ chức vào ngày 15 - 8 âm lịch để tưởng nhớ Yết Kiêu. Ông được xem là ông tổ của ngành bơi lặn nước ta. Ông được truy phong Tĩnh Mạc Hiển Minh Chiêu Ứng Đại vương.
4. Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346) 

Tự Tiết Phu, dòng dõi Mạc Hiển Tích, quê ở làng Lũng Động (Chí Linh) nay là xã Nam Tân (Nam Sách), nổi tiếng về trí thông minh và tài ứng xử. Ông đậu Trạng nguyên năm Giáp Thìn (1304), tức năm Hưng Long thứ 12 đời Trần Anh Tông, làm quan đến 3 đời vua: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông và được phong tới chức Tả Bộc Xạ Đại Liêu Ban. Ông là người học rộng, thông minh, thẳng thắn, liêm khiết, làm quan to nhưng sống rất thanh đạm. Năm 1308, được cử đi sứ Nguyên, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giữ được thể diện cho quốc gia. Theo sách “Giao Châu lục” của Chu Xán (Trung Quốc) thì Mạc Đĩnh Chi là người “có đầu óc kinh bang tế thế vào bậc nhất”. Vua Nguyên kính trọng, phong cho học vị “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trạng nguyên của hai nước).
5. Chu Văn An (1292 - 1370)

Hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, người thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ông thi đậu Thái học sinh, từng làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đời Trần Dụ Tông, ông dân sớ xin vua chém 7 tên nịnh thần (Thất trảm sớ) song không được chấp thuận, ông từ quan. Trong những năm cuối đời, ông về núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc (nay là xã Văn An, Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) dựng nhà dạy học, làm thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách. Tuy vậy, mỗi khi triều định có đại sự đều mời ông tham dự. Ông được đương thời suy tôn là “người thầy của muôn đời” đời sau ngưỡng mộ. Sau khi mất, ông được truy tặng tước Văn Trình Công và được thờ tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Đền Phượng Hoàng - nơi thờ ông được coi là một trong những “bát cổ” của Chí Linh. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Kiệt Đặc được đổi tên thành xã Văn An để kỷ niệm nơi ông sinh sống.
6. Phạm Sư Mạnh (1303 - 1384)

Tên tự là Nghĩa Phu, hiệu Uý Trai, biệt hiệu là Hiệp Thạch, người làng Giáp Thạch, huyện Giáp Sơn (nay là xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn). Thời trẻ, ông là học trò của Chu Văn An, nổi tiếng học giỏi, được thầy yêu quý. Ông thi đỗ Thái học sinh thời Trần Minh Tông (1314 - 1329). Năm 1345, ông được cử tiếp sứ nhà Nguyên. Năm Thiệu Phong thứ 6 (1346), giữ chức Trưởng bạ thư kiêm chức Tham chính Viện khu mật. Năm đầu Đại Trị (1358) thăng Nhập nội hành khiển, sang 1359 đổi làm Hành khiển lang trung ở Tả Y, năm 1365 coi việc Viện khu mật, thăng chức Nhập nội nạp ngôn.
7. Tuệ Tĩnh (1330 -?) 

Ông tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh thiền sư, người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, Cẩm Giàng (nay là xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương) đỗ Thái học sinh năm 1351 (năm ông mới 21 tuổi) nhưng không ra làm quan mà về chùa Nghiêm Quang (Cẩm Sơn, Cẩm Giàng) chuyên tâm nghiên cứu y học, giáo lý. Ông lấy vườn chùa làm cơ sở trồng cây thuốc nam, hết lòng chữa bệnh cho nhân dân bằng thuốc nam, có công xây dựng nền y học dân tộc từ buổi đầu. Với tài y thuật hơn người, năm 1384, ông được vua phái đi sứ nhà Minh, đến nơi được vua Minh cảm tài, phong Đại y thiền sư và lưu lại Kim Lăng. Một thời gian sau ông mất ở Kim Lăng. Ông để lại nhiều tác phẩm y học và Phật học có giá trị như: Hồng nghĩa giác tự y thư, Nam dược thần hiệu, Thiền tông khoá hư lục, Thương hàn tam thập thất chủng, Nhân thân phú. Ông được coi là Vị thánh thuốc Nam, Nguyễn Bá Tĩnh (Tuệ Tĩnh) và Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn ông) được coi là vị tổ ngành y Việt Nam và được thờ ở Y miếu Thăng Long (Hà Nội).
8. Nguyễn Trãi (1380 - 1442)

Ông là danh sĩ, nhà văn hoá lớn, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, tác gia lớn của nền văn học dân tộc, là niềm tự hào của nhân dân Hải Dương. Ông quê ở làng Chi Ngãi, huyện Phượng Nhỡn (nay là xã Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời về làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội). Ông có tên hiệu là Ức Trai, cháu ngoại của Tư đồ Trần Nguyên Đán - tể tướng nhà Trần. Ông đậu Thái học sinh năm Canh Thìn (1400), sau đó ra làm quan cho nhà Hồ và được giữ chức Ngự sử đài chánh hưởng. Năm 1418, ông tìm gặp Lê Lợi dâng “Bình Ngô sách” cùng bàn kế diệt giặc Minh. Sau 10 năm, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh thắng lợi, ông được Lê Lợi giao trọng trách viết “Đại cáo bình Ngô”, tổng kết thắng lợi và tuyên bố chủ quyền độc lập của dân tộc. Ngày 16 - 8 năm Nhâm Tuất (1442) gia đình Nguyễn Trãi bị xử phạt tru di tam tộc, một vụ án oan khiên và thảm khốc nhất trong lịch sử. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan cho ông, truy phong ông là Tế Văn Hầu, các con cháu còn sống sót đều được trọng dụng.
9. Vũ Hữu (1444 - 1530)


Ông là danh sĩ, nhà toán học đời Lê Thánh Tông, danh hiệu Ước Trai, quê ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang). Ông đỗ Đệ nhị - giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Quý Mùi (1463), làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ, nhưng vẫn giữ cuộc sống thanh liêm, cần kiệm. Ngoài tài văn học, chính trị, ông còn là một nhà toán học tài giỏi. Ông biên soạn tác phẩm Lập thành toán pháp chỉ dẫn cách chia tính ruộng đất, xây dựng nhà cửa, thành làng… Ông được Lê Thánh Tông khen ngợi, gọi là “Thần Toán”, dân gian gọi ông là “Trạch Toán”.
10. Nguyễn Thị Duệ (1574 -  1654)

Bà còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Toàn, Nguyễn Thị Du, hiệu là Diệu Huyền, là người xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là xã Văn An, thị xã  Chí Linh). Bà đỗ Tiến sĩ đời Mạc và từng làm Chánh vương phủ, Thị nội cung tần thời Lê - Trịnh, tham gia ban giám khảo kỳ thi Tiến sĩ khoa Tân Mùi, năm Đức Long thứ 3 (1631). Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ thời đó đã nghĩ ra một cách học mới: tự ra đề cho các quan và sĩ tử hàng huyện học, cho họ làm bài gửi về cung để tự tay bà chấm. Với cách học này, có lẽ bà là người đầu tiên nghĩ và áp dụng cách học từ xa cho ngày nay. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có học vị cao nhất trong lịch sử giáo dục thời phong kiến.
11. Nguyễn Dữ (? -?)

Ông là người làng Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, trấn Hải Dương (nay là thôn Đỗ Lâm, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện) . Nguyễn Dữ đỗ Hương tiến (cử nhân) đời vua Lê Hiến Tông, làm quan đến chức Thượng thư và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Truyền kì mạn lục - Thiên cổ kỳ văn, phản ánh một cách sinh động xã hội phong kiến Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ suy tàn. Ông là một tác gia xuất sắc của thế kỷ XIV.
12. Nguyễn Hữu Cầu (1712 - 1751)


Ông quê ở xã Lôi Động, (nay là xã Tân An, huyện Thanh Hà), xuất thân trong một gia đình nghèo, có theo học văn chương và có tài võ nghệ. Ông là tướng xuất sắc, nổi lên như một lãnh tụ của nông dân dám đứng lên khởi nghĩa “cả gan chống lại triều đình”, chủ trương lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Nông dân đi theo ông rất đông.


CÁC BÀI VIẾT KHÁC: