Thứ bảy, ngày 20/4/2024

Để hoàn thành mục tiêu "tăng trưởng bứt phá", các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa

Thứ Ba 12/07/2022 15:06

Xem với cỡ chữ
Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII diễn ra chiều 12.7, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung.


Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tiếp thu ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nghiêm túc tiếp thu các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý của đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận, chất vấn tại hội trường diễn ra sáng 12.7, đồng thời báo cáo, giải trình làm rõ thêm về một số nội dung.

Về kết quả trong điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường. Kinh tế phục hồi rõ nét với tốc độ tăng trưởng đạt 11,8%, đứng thứ 6 cả nước và thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng. 

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xếp thứ 3 toàn quốc về số học sinh đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022; đứng thứ 5 toàn quốc tại SEA Games 31; tổ chức thành công nhiều chương trình, lễ hội tạo hiệu ứng tốt để xúc tiến đầu tư, thương mại.

6 tháng đầu năm, Hải Dương bứt tốc trong nhiều chỉ số xếp hạng. Cụ thể, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 tăng vượt 34 bậc, vươn lên vị trí số 13 toàn quốc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 đứng thứ 25 toàn quốc, thuộc nhóm 15 địa phương đạt điểm trung bình cao; Chỉ số cải cách hành chính vươn lên vị trí thứ 19, tăng 11 bậc so với năm trước. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở tỉnh Hải Dương đạt 92,01%, cao hơn số liệu trung bình chung của cả nước năm 2021 là 87,16%.

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, hạn chế mà đại biểu và cử tri quan tâm như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các dự án tỉnh quản lý còn thấp, tập trung ở một số dự án trọng điểm, được ưu tiên giao kế hoạch vốn lớn để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước thấp; tiến độ lập quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch phát triển nhà năm 2022 nhanh so với cả nước nhưng chậm so với yêu cầu của Tỉnh ủy...

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho rằng kết quả đạt được 6 tháng đầu năm cho thấy tuy tốc độ tăng trưởng GRDP tương đối khích lệ nhưng để hoàn thành mục tiêu "Tăng trưởng bứt phá" như đề ra, nhiệm vụ những tháng còn lại là nặng nề; các cấp, các ngành, các địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới. Đó là tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt thực hiện có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ lập, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện thủ tục đầu tư các công trình trọng điểm như Dự án Đường trục Đông - Tây, Dự án Đường dẫn cầu Đồng Việt, Dự án Đường vào đền Kiếp Bạc (cùng ở TP Chí Linh); đường dẫn cầu Kênh Vàng (Nam Sách)…

Công tác quản lý thu ngân sách cần được tăng cường, rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng để khai thác tăng thu; phấn đấu thu đủ và vượt chỉ tiêu ngân sách do Trung ương giao. Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên khoáng sản và môi trường, nhất là các vấn đề bức xúc như xử lý rác thải sinh hoạt, vi phạm xây dựng công trình trên đất chuyển đổi... Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cần thực hiện quyết liệt hơn nữa; khẩn trương hoàn thiện, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh trong quý III năm 2022.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, nhất là với các đối tượng rủi ro cao. Khẩn trương xử lý tình trạng khó khăn trong mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế; có phương án nguồn lực thực hiện các chính sách mới của Chính phủ và bảo đảm chế độ, điều kiện làm việc của cán bộ y tế, nhất là tuyến cơ sở.

Về việc tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri và của đại biểu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giải trình thêm liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nên ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh. Đến nay, một số dự án trọng điểm đã tháo gỡ được vướng mắc trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng như đường trục Đông - Tây, đường vào khu di tích Kiếp Bạc...

Về đề nghị tỉnh hỗ trợ địa phương xây dựng nhà máy xử lý rác thải cho huyện, UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thống nhất không thu hút dự án đầu tư đốt rác nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh chỉ chấp thuận thu hút các dự án có dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, đáp ứng được các quy định về bảo vệ môi trường và có khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý. Trước mắt, tập trung thu hút đầu tư xây dựng 2 nhà máy tại khu vực Việt Hồng (Thanh Hà) và TP Chí Linh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND tỉnh và các đại biểu; sự phối hợp của các ban, cơ quan của Đảng, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể; sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự giám sát, ủng hộ của cử tri và nhân dân trong tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác, giúp UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo Baohaiduong

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: