Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Bảo đảm duy trì hoạt động ổn định của CDC Hải Dương

Thứ Năm 23/12/2021 13:38

Xem với cỡ chữ
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với các sai phạm của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương Phạm Duy Tuyến và các cán bộ, đảng viên liên quan.


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị lần thứ 48 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sáng 21.12

Đó là nội dung tại thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và xử lý sai phạm tại CDC Hải Dương ban hành ngày 21.12.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đánh giá thời gian qua CDC Hải Dương đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ, đảng viên trong trung tâm đã đi ngược lại những nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để xảy ra sự việc này, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Y tế cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cán bộ, giám sát phòng chống tham nhũng trong hoạt động mua sắm vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch tại CDC Hải Dương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả, ổn định tình hình, bảo đảm duy trì hoạt động ổn định của CDC Hải Dương, không để ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch.

Thống nhất gợi ý kiểm điểm năm 2021 đối với Sở Y tế về trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản để xảy ra sai phạm của CDC Hải Dương; đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính và tập thể lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan tới sai phạm của Giám đốc CDC Hải Dương, báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trước ngày 5.1.2022.

Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo cụ thể về công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 27.1-30.11.2021 tại CDC Hải Dương, báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trước ngày 5.1.2022; chỉ đạo Sở Y tế củng cố hoạt động và kiện toàn chức danh Giám đốc CDC Hải Dương trong tháng 1.2022; chỉ đạo các Sở Y tế, Tài chính tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế... theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch.

Giao UBND tỉnh và đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin chính thức, thống nhất về công tác phòng chống dịch bệnh và sự việc xảy ra tại CDC Hải Dương cho các cơ quan báo chí theo quy định.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá có liên quan đến sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Ban Nội chính Tỉnh uỷ tham mưu xây dựng chỉ thị trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành trong tháng 1.2022.

Về công tác phòng chống dịch Covid - 19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá thời gian qua cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, qua đó duy trì ổn định tình hình, kiểm soát tốt dịch bệnh; đồng thời tập trung phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được kết quả tích cực. 

Dự báo trong thời gian tới, diễn biến dịch Covid-19 có chiều hướng ngày càng phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng có thể tăng cao, biến chủng mới Omicron lây lan nhanh, có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam làm gia tăng nhanh chóng số lượng người nhiễm SARS-CoV-2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chỉ đạo kiên trì tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 128 nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép theo chủ đề của năm 2022 đã được xác định là “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19 của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt thông điệp 5K, tránh tâm lý chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ liều vaccine. 

Giao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tiễn tại địa phương có hướng dẫn thống nhất trong toàn tỉnh về thực hiện các biện pháp cách ly F1, điều trị F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà. Điều chỉnh việc xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên để rà soát, sàng lọc trên diện rộng. Chỉ sử dụng xét nghiệm PCR để khẳng định các mẫu nghi ngờ dương tính được phát hiện qua xét nghiệm nhanh kháng nguyên; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tự mua và sử dụng bộ xét nghiệm nhanh để chủ động phòng ngừa dịch bệnh. 

Ngành y tế đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phấn đấu nâng tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi lên trên 85% trong tháng 12.2021. Chú trọng tiêm vaccine cho trẻ em bảo đảm an toàn. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch tiêm liều bổ sung và nhắc lại vaccine phòng Covid-19. Tiếp tục thành lập, kiện toàn các trạm y tế lưu động. Tổ chức tập huấn, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhân viên y tế cơ sở tham gia hoạt động chống dịch. Tiếp tục hạn chế các hoạt động tập trung đông người, nhất là trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, đám cưới, đám tang, lễ hội... Các cơ quan, đơn vị, tổ chức hạn chế các hoạt động tổng kết, giao lưu, liên hoan cuối năm.

Giao UBND tỉnh ban hành chỉ thị về tổ chức đón Tết Nhâm Dần 2022 an toàn, tiết kiệm và bảo đảm phòng chống dịch bệnh, không tổ chức bắn pháo hoa. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống dịch, phát huy tính chủ động cao nhất của cấp huyện, cấp xã. Sớm phát hiện, khoanh vùng, xét nghiệm và tiến hành dập dịch nhanh gọn, tổ chức cách ly hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực.

Chủ tịch UBND cấp huyện chủ động quyết định và tổ chức áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến của dịch bệnh tại địa phương. Các địa phương tiếp tục tăng cường phòng chống dịch bệnh tại doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có đông công nhân, lao động. Yêu cầu chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chủ động mua và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho công nhân, người lao động và khách hàng... để bảo đảm an toàn với dịch bệnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo BaoHaiDuong

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: