Thứ năm, ngày 5/12/2024

Câu chuyện tháng 8/2018: Chuyện trên đồi Khau Tý

Thứ Sáu 17/08/2018 00:12

Xem với cỡ chữ
"Chế độ dân chủ cộng hòa ngày nay thì khác. Từ tôi là Chủ tịch nước đến ông là Chủ tịch huyện, hay là chủ tịch xã đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng phục vụ nhân dân..."

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ dời lên huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Ngôi lán "Phủ Chủ tịch" dựng trên đồi Khau Tý, xã Điềm Mạc, gần gia đình Chủ tịch huyện Định Hóa Ma Đình Tương. Mọi đồ vật lúc này đều thiếu thốn. Chị Thường là người nấu ăn cho Bác Hồ, phải vào mượn của nhà ông Tương. Để phục vụ Cụ Chủ tịch nước, ông đem ra những thứ vật dụng quý giá, sang trọng nhất nhà, chính ông cũng ít khi dùng tới, như mâm gỗ sơn son thiếp vàng, bát đĩa ấm chén Tàu... Nhưng Bác Hồ bảo chị Thường mang trả lại và yêu cầu cho mượn những đồ dùng thường ngày giống như của nhà dân địa phương.

Ông Chủ tịch huyện lấy làm lạ và từ đó, noi theo gương Bác, hàng ngày ông cũng không dùng đồ sang nữa.

Một hôm Bác cho mời ông vào gặp, để nghe ông báo cáo tình hình trong huyện. Bác khen những việc làm tốt, rồi nói:

“Tôi mới về huyện, được biết có ông cán bộ mổ trâu làm ma cho bố vợ thì được, còn người dân có việc như thế, chính quyền lại không cho mổ trâu, làm như vậy, nhân dân sẽ oán trách..."

Ngừng một lúc, Bác nói tiếp:

"Chủ tịch huyện bây giờ không như tri phủ, tri huyện ngày xưa, đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Chế độ dân chủ cộng hòa ngày nay thì khác. Từ tôi là Chủ tịch nước đến ông là Chủ tịch huyện, hay là chủ tịch xã đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng phục vụ nhân dân...”.

Ít lâu sau, chính trong ngôi lán trên đồi Khau Tý này, Bác Hồ đã viết cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc" và làm bài thơ mà mọi người đều biết:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa,

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà".

Tài liệu dùng cho sinh hoạt chi bộ, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội năm 2018