Thứ năm, ngày 5/12/2024

Câu chuyện tháng 7/2018: Cụ Hồ áp dụng "Chính sách tín nhiệm"

Thứ Năm 16/08/2018 17:28

Xem với cỡ chữ
Nào ngờ, mở đầu câu chuyện, cụ chỉ nói: "Tôi xin được nghe ý kiến các vị".

Từ cách mạng tháng Tám 1945, tuyệt đại bộ phận trí thức lớn đều quy tụ dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lẽ tự nhiên, vì bất cứ ở thời kỳ lịch sử nào, trước nạn nước, trí thức Việt Nam cũng cùng với nhân dân đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Nhưng còn một lẽ nữa, như Luật sư Phan Anh viết, "điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức”.

Riêng với ông - và với những người khác - cụ Hồ không chỉ tin cậy , giao phó những công tác quan trọng mà còn gần gũi giúp đỡ suốt quá trình làm việc...

Luật sư Phan kể lại:

  • Sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chủ tịch có cuộc gặp mặt nhân sỹ, trí thức. Ai cũng nghĩ rằng mình đến là để nghe lời chỉ bảo của cụ.

Nào ngờ, mở đầu câu chuyện, cụ chỉ nói:

  • Tôi xin được nghe ý kiến các vị.

... Ít lâu sau, Bác Hồ giao cho ông thành lập và làm Chủ tịch ủy ban kiến thiết quốc gia, gồm nhiều trí thức tiêu biểu ở Hà Nội. Sau cuộc Tổng tuyển cử 1946, trước lúc Quốc hội họp phiên đầu tiên, Bác Hồ triệu tập ông đến Bắc bộ phủ.

Bác yêu cầu đoàn kết nhân dân, thống nhất hành động và nói:

  • Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cần giao cho những người có vị trí trung lập là cụ Huỳnh Thúc Kháng và chú.

Từ ấy về sau, ông Phan thường được làm việc gần Bác. Thái độ luôn thân tình, nhưng đôi lúc, qua những chuyện bình thường hàng ngày, Bác quan tâm đến việc rèn luyện cán bộ. Lần ấy, sắp đi dự một cuộc họp, thấy ông Phan - lúc đó là Bộ trưởng quốc phòng, mặc bộ đồ quân sự, áo cộc tay có cầu vai, chân đi "bốt”... Bác cười, hỏi:

Sao hôm nay chú ăn mặc thế này?

  • Dạ thưa Bác, hôm nay tôi đi họp với tư cách con nhà lính ạ!

Bác lại cười, bảo:

  • "Con nhà lính”, nhưng chớ có "tính nhà quan" nhé.

Lúc Bác Hồ lên đường sang Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, ông Phan Anh cũng như nhiều người khác băn khoăn, lo âu vì ông cụ đi vắng, trong lúc tình hình ở nhà rất rối. Ra đến sân bay, như hiểu được tâm trạng ấy, Bác hỏi ông:

  • Chú có câu Kiều lẩy nào, đọc cho vui.

Ông Phan đáp:

  • Thưa có, nhưng không biết Bác có đồng ý không - rồi đọc:

"Trời mây ngàn dặm xa xôi,

Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm".

Bác tỏ ra vui vẻ, bảo:

  • Chú nghĩ đúng. Nội tình rất khó, nhưng chú yên tâm. Công việc của Chính phủ ở nhà tôi đã giao cho cụ Huỳnh và chú Giáp.

Lại khi mới lên chiến khu Việt Bắc, ngày 18/4/1947, Luật sư Phan nhận được bài thơ của Bác:

"Ở rừng thú vị thực là hay

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,

Săn về thường chén lợn rừng quay.

Non xanh nước biếc tha hồ dạo,

Rượu ngọt chè tươi mặc sức say

Kháng chiến thành công ta trở lại

“Trăng xưa", "Hạc cũ” với xuân này ".

Đây không chỉ một bài thơ Vịnh cảnh thông thường, mà với Luật sư Phan, bài thơ đưa người trí thức trở lại cuộc sống dân dã để cùng yêu, cùng quý những cái đẹp giản dị của đất nước, cùng vui với cái vui bình dị của dân tộc. Ông viết: "Bài thơ đến với tôi, đó là một nguồn cổ vũ vô giá, cổ vũ tinh thần kháng chiến, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng...".

Một hôm, ông đi công tác với Bác ở một làng miền núi, trời nóng bức. Qua một quãng rừng có một cái ao nước rất trong. Hai người rủ nhau xuống tắm. Vừa khỏa chân xuống nước, ông Phan kêu lên:

  • Nhiều đỉa quá!

Bác cười, nói:

  • Chú sinh ra ở nông thôn mà sợ đỉa à?

Thế là ông theo Bác lội xuống nước tắm thoải mái, không có con đỉa nào bám vào người cả...

Một hôm, nhân cuộc họp bàn về kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân Liên Xô, ông Phan đề nghị Bác nói về học thuyết Mác - Lênin. Bác cười, bảo:

Học thuyết mà chú muốn học không cần đi tìm đâu xa, chú có thể học ngay ở ông cụ chủ nhà nơi chú trú ngụ, ông ấy là một lão nông yêu nước, đã có công với cách mạng và nay những người như ông ấy là cơ sở kháng chiến của ta.

Hưởng ứng lời kêu gọi tăng gia sản xuất của Bác Hồ, bà Phan, cũng là một trí thức, tổ chức cho gia đình nuôi tằm, ươm tơ và trồng rau ăn . Vào dịp sinh nhật Bác, năm 1948, bà gửi biếu Bác mấy sản phẩm đầu tay, Bác liền có thơ động viên:

" Cám ơn thím biếu mấy vòng tơ,

Mong chú làm thêm mấy vần thơ,

Canh mướp ngon lành nhờ các cháu,

Gặp sao viết vậy chớ cười nơ”

Năm 1949, ở chiến khu, ông bà Phan Anh sinh thêm một con trai. Bác Hồ lại có bài thơ gửi đến:

"Chú thím thêm một con,

Các cháu thêm một em,

Bác Hồ thêm một cháu,

Nước nhà thêm một công dân,

Tương lai thêm một chiến sỹ".

Cũng như với những trí thức khác, sự dạy bảo và săn sóc ân cần của Bác Hồ đối với ông Phan và gia đình ông là rất tự nhiên, và cũng rất tự nhiên, khi ông tôn kính Bác, "một thiên tài”, "một tấm gương về đạo đức cách mạng”. Sau khi Bác mất, ông có bài thơ “Gương Bác", với hai câu mở đầu:

" Còn non, còn nước, còn người,

Giữ sao gương Bác sáng ngời ngàn thu...”.

Tài liệu dùng cho sinh hoạt chi bộ, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội năm 2018