Thứ năm, ngày 18/4/2024

Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo phong trào cách mạng

Thứ Ba 31/07/2018 17:19

Xem với cỡ chữ

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương và Xứ uỷ, ngay sau khi thành lập, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã tăng cường xây dựng lực lượng, giác ngộ quần chúng, chuẩn bị cùng cả nước tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Với tình thế khẩn trương của cách mạng, được sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Tỉnh uỷ Hải Dương triệu tập Hội nghị cán bộ tại thôn Đông (xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện) từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 do đồng chí Nguyễn Văn Kha chủ trì, nhằm bàn kế hoạch đẩy mạnh mọi hoạt động đợi lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương. Trong các ngày 17,18,19-8-1945, tin khởi nghĩa từ một số nơi và cuộc biểu tình của Việt Minh ở Hà Nội dội tới càng thôi thúc cán bộ phụ trách các huyện nhanh chóng chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 17-8-1945, huyện Cẩm Giàng khởi nghĩa, mở đầu tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương. Cùng ngày, huyện Kim Thành, Kim Môn quần chúng cách mạng cũng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.

Ngày 18-8-1945, cuộc khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Hải Dương giành thắng lợi. Đây là một trong 4 tỉnh lỵ giành chính quyền đầu tiên trong cả nước. Cùng ngày, phủ Bình Giang, Thanh Miện khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19, 20, 22-8-1945, các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Ninh Giang, Vĩnh Bảo, Thanh Hà, Tứ Kỳ cũng giành được chính quyền. Chỉ trong 6 ngày (từ ngày 17 đến ngày 22-8-1945) cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương đã hoàn toàn thắng lợi.

 
Cuộc biểu tình của nhân dân do Mặt trận Việt Minh tổ chức tháng 8-1945

Hải Dương là một trong 4 tỉnh lỵ (Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam) giành được chính quyền đầu tiên trong ngày 18-8-1945. Ngày 25- 8-1945, đồng chí Vũ Duy Hiệu đọc diễn văn chào mừng thắng lợi của cách mạng, tuyên bố xoá bỏ chính quyền phong kiến ở Hải Dương và thành lập Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời do đồng chí Vũ Duy Hiệu làm Chủ tịch.

Chính quyền cách mạng vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, đối mặt với sự chống phá quyết liệt của thù trong, giặc ngoài. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, từ 8/1945-12/1946, dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ Hải Dương đã vận dụng một cách sáng tạo và linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, tranh thủ thời gian, tích cực củng cố, xây dựng lực lượng mọi mặt, quyết tâm bảo vệ chính quyền mới được thành lập, giữ vững thành quả cách mạng. Ngày 26/4/1946 - ngày bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã khoá đầu tiên ở Hải Dương đã thắng lợi, góp phần xây dựng chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân.

  
Hình ảnh cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 

Sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 6/1946, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ nhất với 80 đại biểu đại diện cho 250 đảng viên toàn tỉnh được tiến hành.

Tháng 12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương lại bước vào vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Với trên 13 ngàn trận đánh lớn nhỏ, quân và dân Hải Dương đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng gần chục vạn tên địch, thu hàng nghìn súng các loại, phá huỷ hàng trăm đầu tàu, toa xe, xe cơ giới, ca nô, tàu chiến, thu hồi hàng tấn quân trang, quân dụng làm nên “Tiếng sấm đường 5” anh hùng, góp phần cùng cả nước đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đoàn tàu quân sự của Pháp bị trúng mìn tự tạo của du kích
đường 5, Hải Dương trong kháng chiến chống Phá
Quân và dân Hải Dương vào tiếp quản thị xã, tháng 10-1954

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh lại cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam khỏi ách xâm lược của đế quốc Mỹ.

Từ tháng 01/1968, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, Đảng bộ tỉnh Hải Dương hợp nhất với Đảng bộ tỉnh Hưng Yên thành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ tỉnh Hải Hưng đã đưa quân và dân trong tỉnh vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Con em Hải Dương đã lên đường vào Nam chiến đấu, đồng thời quân và dân Hải Dương đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu 2.630 trận, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, trong đó có 13 chiếc do lực lượng vũ trang tỉnh bắn rơi, bắt sống hàng chục giặc lái, góp phần tích cực đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, cùng cả nước đi tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 
Hội nghị Tỉnh ủy bàn về chống chiến tranh phá hoại
 của đế quốc Mỹ, tháng 12-1972
 

Dân quân giúp bộ đội kéo pháo lên trận địa tỉnh Hải Dương, năm 1972

 
Dân quân huyện Kinh Môn vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu

Tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tỉnh Hải Dương có gần 40 nghìn liệt sỹ, trên 14.000 thương binh, gần 9.000 bệnh binh, hơn 4.000 người là nạn nhân của chất độc da cam Dioxin. Thời kỳ bảo vệ Tổ quốc (1976- 2000), Hải Dương có 2.384 liệt sỹ, 1.275 thương binh. Toàn tỉnh có 1.645 bà mẹ được Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương, Đảng bộ và nhân dân 12/12 huyện, thành phố, thị xã, và 64 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng, 34 cá nhân được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tháng 1/1997, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Quốc Hội, tỉnh Hải Dương và Đảng bộ tỉnh Hải Dương được tái lập.

Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm Đảng bộ và nhân dân
xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tháng 8-1997

Trải qua gần 80 năm, kể từ ngày thành lập, với 16 kỳ Đại hội (trong đó có 7 kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh hợp nhất Hải Hưng), Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã không ngừng phát triển, trưởng thành. Đến hết tháng 6 năm 2018, toàn Đảng bộ đã có 105.721 đảng viên sinh hoạt ở 781 chi, đảng bộ cơ sở thuộc 12 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 4 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Phát huy truyền thống vẻ vang, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phát huy sức mạnh đại đoàn kết, triển khai thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thu được thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Hải Dương đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh đều tăng cao hơn bình quân chung của cả nước, tăng trưởng bình quân trong cả thời kỳ 1997-2016 đạt 9,3%/năm. Năm 2016 quy mô kinh tế lớn gấp 17,2 lần năm 1997. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng- dịch vụ chuyển dịch từ 35,4% - 36,6% - 28,0% (năm 1997) sang 11,0% - 54,2% - 34,9% (năm 2017). Kết thúc năm 2017, tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,9%, thu ngân sách gần 14.700 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 12.000 tỷ.

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Hương, huyện Ninh Giang

Tỉnh đã có 135 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ gần 59% và có hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, tỉnh đã được quy hoạch 18 khu công nghiệp, 45 cụm công nghiệp; đã có 5 trường đại học, 11.000 doanh nghiệp; đã thu hút khoảng 7,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài… Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư và có bước phát triển mới; an ninh, quốc phòng được củng cố, tăng cường và giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Thành phố Hải Dương đang trên đà phát triển thành đô thị loại I