Thứ bảy, ngày 23/11/2024

Quá trình vận động cách mạng thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương

Thứ Sáu 27/07/2018 19:58

Xem với cỡ chữ

Năm 1873, thực dân Pháp đánh chiếm Hải Dương và sau 10 năm (1883), chúng hoàn thành ách cai trị trên toàn tỉnh, nhân dân đắm chìm trong cảnh lầm than cơ cực. Không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, nhân dân Hải Dương đã nhiều lần nổi lên chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, nhưng đều bị thất bại vì không có đường lối đúng đắn và chưa có một chính đảng tiền phong lãnh đạo.

  Nông dân, công nhân Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc 
          Sau khi tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có những hành động tích cực nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt  Nam . Sự truyền bá đó cùng với sự ra đời của tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên và chủ trương vô sản hóa đã làm cho các phong trào đấu tranh chống Pháp trên lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân ở Hải Dương phát triển ngày càng mạnh mẽ, sôi nổi.

Từ năm 1926- 1929, nhiều cán bộ của tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên đã về Hải Dương trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin và gây dựng cơ sở cách mạng. Chính vì vậy, ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), cuối tháng 2/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã về Mạo Khê (Đông Triều) thành lập chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư. Sau đó đến đầu tháng 3/1930, đồng chí Trần Cung đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở Đọ Xá (Chí Linh) gồm ba đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Lừu làm Bí thư. Như vậy tính đến đầu năm 1930, ở Hải Dương đã có hai chi bộ Đảng cộng sản ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng và sự phát triển mau lẹ của phong trào cách mạng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Đồng chí Trần Cung 

 

Chùa thôn Đọ Xá, xã Hoàng Tân, huyện Chí Linh, 
nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Hải Dương (tháng 3-1930) 

          Tháng 7 năm 1936, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử về Hải Dương xây dựng cơ sở cách mạng và phát triển phong trào. Thời kỳ này đồng chí đã tổ chức được các nhóm thanh niên dân chủ ở các huyện Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Vĩnh Bảo và thành phố Hải Dương. Tháng 5/1938, tại thành phố Hải Dương dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Thanh Nghị phong trào thanh niên dân chủ đã thống nhất    hoạt động trong phạm vi toàn tỉnh. Tháng 8 năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử về Hải Dương kiểm tra và chỉ đạo phong trào. Tại đây, thay mặt Xứ uỷ, đồng chí đã công nhận việc thành lập Chi bộ đảng thị xã Hải Dương. Cũng trong thời gian này, các chi bộ đảng nhà máy nước Ninh Giang và chi bộ đảng Cổ Am (Vĩnh Bảo) được thành lập.
 

Đồng chí Hoàng Văn Thụ

  Đồng chí Lê Thanh Nghị 

             Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Trước sự thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, chủ yếu hoạt động bằng các hình thức hợp pháp và bán hợp pháp.

           Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 11/1939, xứ ủy có chủ trương thành lập Liên tỉnh B gồm các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An, Hòn Gai, Quảng Yên và tăng cường cán bộ về chỉ đạo, xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng các địa phương. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ được cử về Hải Dương để giúp đỡ phong trào địa phương và xây dựng cơ sở của Xứ ủy. Nhờ đó, các cơ sở lần lượt được khôi phục, phát triển lan rộng từ Nam Sách, Chí Linh đến Thanh Hà, Kim Thành, thị xã Hải Dương. Nhiều xã thuộc các huyện Nam Sách, Thanh Hà có cơ sở mạnh nên đã tập hợp và thành lập được Mặt trận phản đế thôn, xã. Riêng các huyện  Thanh Hà Nam  Sách và thị xã Hải Dương thành lập được Mặt trận phản đế huyện, thị xã.

Số nhà 17, phố Phạm Hồng Thái, TP Hải Dương,
nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ từng ở và làm việc năm 1938

Tạ Xá (Hợp Tiến, Nam Sách) và Lang Can (Thanh Lang, Thanh Hà) được chọn là cơ sở để gây dựng phong trào, trong đó Tạ Xá là trung tâm hoạt động của khu vực nông thôn, Lang Can được chọn làm cơ sở liên lạc của Liên tỉnh B. Ngày 19/5/1940, chi bộ Tạ Xá được thành lập. Đây là chi bộ đầu tiên của Phủ ủy Nam Sách. Từ cơ sở Đảng ở Tạ Xá, dưới sự lãnh đạo của Liên tỉnh B, phong trào đã phát triển sang cơ sở Hàm Ếch- Trại Chua (Chí Linh), Lang Can (Thanh Hà) và một số xã khác trong huyện Nam Sách.

Trước đòi hỏi phong trào cách mạng trong tỉnh phải có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ. Ngày 10/6/1940 diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ Hải Dương tại nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách). Liên tỉnh B đã chỉ định Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm ba đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn và Nguyễn Tấn Phúc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.

                                                               
Nhà cụ Lê Thị Thạnh,Tạ Xá (xã Hợp Tiến,huyện Nam Sách)
nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương.
  Đ/c Nguyễn Mạnh Hoan, Bí thư Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hải Dương
                                          (tháng 6-1940)

Ngoài việc chỉ định Ban Tỉnh uỷ lâm thời, Hội nghị thành lập Tỉnh uỷ còn bàn và đề ra một số nhiệm vụ trước mặt là: Tiếp tục chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới; tích cực phát triển các Hội phản đế ở nông thôn, các cơ sở cách mạng ở nhà máy, xí nghiệp, đồn điền, thành lập đội tự vệ chiến đấu, lựa chọn những quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng và thành lập các Chi bộ Đảng; tổ chức quần chúng đấu tranh hợp pháp đòi quyền lợi kinh tế.

Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương và Ban Tỉnh uỷ lâm thời ra đời ở Tạ Xá (xã Hợp Tiến, Nam Sách) ngày 10-6-1940 đánh dấu bước trưởng thành và phát triển về chất của phong trào cách mạng trong tỉnh; đi vào lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương như một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu mốc son trên con đường cùng cả nước đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: