Thứ năm, ngày 21/11/2024

Kỷ niệm 202 năm ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2020)

Thứ Hai 04/05/2020 16:25

Xem với cỡ chữ
Trong lịch sử hàng ngũ các vĩ nhân, Các Mác giữ một vị trí nổi bật. Ông là nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Nhân kỷ niệm 202 năm ngày sinh của C.Mác, chúng ta cùng nhìn lại những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

 

Ảnh tư liệu: Các Mác (1818 - 1883)

Heinrich Marx, được phiên âm là Các Mác, sinh ngày 5-5-1818 trong một gia đình tri thức gốc Do Thái ở thành phố Tơ-ri-ơ (Đức). Ngay từ lúc còn nhỏ, C.Mác đã tỏ rõ tài năng của mình, thể hiện là một thanh niên biết gắn hạnh phúc của mình với hạnh phúc của mọi người. Sau khi tốt nghiệp trung học, C.Mác vào học khoa luật trường đại học tổng hợp ở Bon, rồi sau đó học ở trường đại học tổng hợp Béc-lin. Ngoài việc học tập tại khoa luật, C.Mác còn nghiên cứu triết học, lịch sử cũng như lịch sử nghệ thuật, dịch các tác phẩm của các tác giả cổ điển sang tiếng Đức, học tiếng Anh và tiếng I-ta-li-a.

Tháng 4/1842, C.Mác bắt đầu cộng tác với Báo Rai-nơ (Rheinische Zeitung), cơ quan phát ngôn của phái đối lập tư sản ở Rai-nơ. Tháng 10-1842, C.Mác trở thành tổng biên tập của tờ báo này. Trong các bài báo, Mác đã phê phán các chính phủ đương thời ở Đức, Anh, Pháp và bênh vực quyền lợi của nông dân, phát biểu những tư tưởng triết học của mình. Thời kỳ này, C.Mác đang chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản.

Tháng 6/1843, C.Mác kết hôn với Gien-ni Phôn Ve-xtơ-pha-len. Tháng 10/1843, C.Mác đến Pa-ri, thủ đô nước Pháp, tiếp tục viết báo. Cuối tháng 8 đầu tháng 9/1844, C.Mác gặp Ph.Ăngghen ở Pa-ri. Tình bạn vĩ đại và cuộc đấu tranh chung của hai người cho sự nghiệp của giai cấp công nhân bắt đầu từ đó. C.Mác và Ph.Ăngghen tích cực tham gia sinh hoạt với các nhóm cách mạng ở Pa-ri, hai ông đấu tranh quyết liệt chống mọi thứ học thuyết của chủ nghĩa xã hội tư sản và tiểu tư sản, đồng thời sáng lập ra lý luận của chủ nghĩa xã hội vô sản cách mạng, hay là chủ nghĩa cộng sản. Tháng 2/1845, C.Mác bị trục xuất khỏi Pa-ri và bị coi là một nhà cách mạng nguy hiểm. C.Mác sang Bruy-xen, thủ đô nước Bỉ.

Tháng 1/1847, C.Mác và Ph.Ăngghen gia nhập Liên đoàn những người cộng sản. Đó là tổ chức đầu tiên mang tính chất quốc tế của phong trào công nhân, gồm nhiều nhà lãnh đạo của các hội công nhân ở Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Hung-ga-ri, Ba Lan… Theo yêu cầu của Đại hội lần thứ hai của Liên đoàn, họp tháng 11/1847 ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh, C.Mác và Ph.Ăngghen thảo bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xuất bản tháng 2/1848. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là văn kiện đầu tiên có tính chất cương lĩnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuyên ngôn ra đời đánh dấu sự hình thành của học thuyết Mác như một học thuyết cách mạng hoàn chỉnh của giai cấp công nhân. Khẩu hiệu của Tuyên ngôn: “Vô sản tất cả, các nước đoàn kết lại!” trở thành tiếng kèn xung trận giục giã giai cấp công nhân toàn thế giới tiến lên đấu tranh giải phóng khỏi mọi xiềng xích áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản.

Tháng 3/1848, C.Mác bị trục xuất khỏi nước Bỉ và về ở Pa-ri, rồi sau đó trở về Đức, xuất bản Báo Rai-nơ mới. Bị truy tố trước tòa án, tháng 6/1849, C.Mác bị trục xuất khỏi nước Đức và sang ở Pa-ri. Tháng 8/1849, C.Mác lại bị trục xuất khỏi Pa-ri và sang Luân Đôn cho đến khi mất.

Ở Luân Đôn, C.Mác viết các tác phẩm tổng kết kinh nghiệm các cuộc đấu tranh cách mạng ở Pháp từ 1848 đến 1851, các tác phẩm về triết học, kinh tế chính trị học. Năm 1867, quyển đầu tiên của bộ Tư bản ra đời. Bộ Tư bản nêu ra lý luận về sự phát sinh, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản; nó chứng minh bằng lý luận hết sức chặt chẽ và chính xác “lịch sử đẫm máu của chủ nghĩa tư bản”, sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản, sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản. Bộ Tư bản xây dựng cơ sở lý luận khoa học cho chủ nghĩa xã hội, làm cho chủ nghĩa xã hội từ chỗ là “chủ nghĩa xã hội không tưởng” của các nhà tư tưởng trước Mác trở thành “chủ nghĩa xã hội khoa học”. Bộ Tư bản là ngọn đèn pha soi sáng cho cách mạng vô sản thế giới, vũ trang cho giai cấp vô sản lý luận và niềm tin không gì lay chuyển nổi về sứ mệnh lịch sử của mình, về sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Cùng với Tuyên ngôn của Đảng cộng sản bộ Tư bản là bộ sách gối đầu giường của những người vô sản giác ngộ. Khi quyển 1 của Bộ Tư bản được xuất bản, nó đã được Ph.Ăngghen ví như một tiếng sét giữa bầu trời quang đãng của chủ nghĩa tư bản.

Mác không chỉ là nhà lý luận thiên tài mà còn là nhà cách mạng vĩ đại. Trong bối cảnh phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, Mác ra sức hoạt động thực tiễn. Năm 1864, ở Luân Đôn thành lập Hội liên hiệp quốc, tức là Quốc tế thứ nhất. Mác là người cổ vũ và lãnh đạo chủ chốt của Quốc tế thứ nhất, đấu tranh chống lại các thứ chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân, chống bọn vô chính phủ và định ra sách lược cách mạng cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.

Cuộc đời chiến đấu quyết liệt và không mệt mỏi chống mọi kẻ thù của giai cấp vô sản, chống lại các thứ trào lưu tư tưởng tư sản, sự làm việc rất khẩn trương mà công tác lý luận đòi hỏi, sự nghèo khổ của cuộc sống lưu vong cộng với bệnh tật và những đau thương trong gia đình làm cho sức khỏe của Mác ngày càng suy yếu. Ngày 2 tháng 12 năm 1881, Gien-ni mất. Đến ngày 14 tháng 3 năm 1883, Mác yên giấc nghìn thu trên chiếc ghế bành, trước bàn làm việc. Trong bức thư báo tin buồn cho bạn, Ph.Ăng-ghen viết: “Thế là cái trí tuệ mạnh mẽ nhất của Đảng ta đã ngừng suy nghĩ, trái tim mạnh mẽ nhất mà tôi chưa từng thấy đã ngừng đập mất rồi”. Và khi đọc điếu văn trước mộ Mác, Ph.Ăng-ghen nói: “Con người ấy mất đi, thật không sao có thể lường cho hết tổn thất đối với giai cấp vô sản chiến đấu của châu Âu và châu Mỹ, tổn thất đối với khoa học lịch sử. Không bao lâu, chúng ta sẽ cảm thấy nỗi trống trải sau cái chết của bậc vĩ nhân ấy”.

Từ lúc còn trẻ, Mác và Ăngghen đã có sự thống nhất chặt chẽ về tư tưởng và tình cảm, thường cùng làm việc với nhau mỗi khi ở gần nhau. Sau khi cuộc cách mạng năm 1848 ở Đức bị thất bại, Ăngghen phải đến làm việc ở  Man-se-xtơ, một thành phố công nghiệp ở Anh lấy tiền giúp đỡ gia đình C.Mác. Còn C.Mác thì ở Luân Đôn. Trong gần hai mươi năm xa nhau, mỗi ngày hai người đều viết cho nhau những ý nghĩ của mình về những sự biến chính trị và khoa học đương thời, cùng nhau trao đổi công việc. Mác rất tự hào về đạo đức và tài trí của Ăngghen.

Ca ngợi tình bạn vĩ đại, mối quan hệ khăng khít, bền lâu giữa Mác với Ăngghen, V.I.Lênin viết: “Chuyện cổ kể lại những tấm gương rất cảm động về tình bạn. Nhưng giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của mình đã do hai nhà bác học và chiến sĩ ấy sáng tạo ra, những quan hệ cá nhân giữa hai người đã vượt tất cả những chuyện cổ cảm động nhất của người xưa nói về tình bạn”.

Một mối tình sâu sắc đã gắn bó Mác với Gien-ni. Hai người biết nhau từ lúc còn nhỏ, cùng lớn lên bên nhau. Gien-ni hơn Mác 4 tuổi, là chị gái của Ét-ga (một người bạn thân của Mác). Gien-ni rất đẹp, thông minh và có học thức so với những người con gái lúc bấy giờ. Lúc đính hôn, Mác mới 17 tuổi. Sau bảy năm đợi chờ, hai người lấy nhau và từ đấy không bao giờ rời nhau trong cuộc đời xông pha bão táp, trong những năm tháng lưu vong, nghèo túng. Đức dịu hiền và lòng trung thành của Gien-ni đã an ủi cuộc đời sóng gió của Mác. Bà rất yêu mến phong trào công nhân. Cho đến lúc chết, bà vẫn tin theo chủ nghĩa cộng sản.

Ảnh tư liệu: Các Mác và Gien-ni

Mác là một người cha hiền từ và rộng lượng. Các con rất yêu quý Mác. Mác có ba người con gái và hai con trai, các con rất yêu quý Mác.

Cuộc đời và sự nghiệp của Mác đã hòa hợp một cách hữu cơ những đặc điểm của một nhà bác học vĩ đại, một nhà nghiên cứu không biết mệt mỏi, một người phát hiện đầu tiên những chân lý khoa học, một nhà chính luận cách mạng nồng nhiệt, một nhà chiến lược và sách lược vô sản sáng suốt, một nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng quần chúng vô sản. Mác nổi bật về đức tính cao cả của con người, giản dị, nhiệt tình và yêu đời, có ý chí bất khuất và năng lực lao động khác thường, can đảm và anh dũng. Đó là một cuộc đời đầy gian khổ nhưng vô cùng xán lạn, một mẫu mực về tính khoa học và tình cảm cách mạng cao cả. Mác đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Cuộc đời và hoạt động của Mác đã đi vào lịch sử nhân loại với vị trí nổi bật trong hàng ngũ những vĩ nhân, đúng như Ăngghen nói: “Tên tuổi Người, sự nghiệp của Người sống mãi nghìn thu!”.

Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của C.Mác, chúng ta càng thấy rõ, C.Mác không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, đã giải đáp được các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên, mà còn là vị lãnh tụ thiên tài, một người bạn, người đồng chí chân thành, chung thủy, một mẫu mực về đạo đức cách mạng hết sức cao đẹp, luôn lấy đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của nhân loại làm lẽ sống, lý tưởng và sứ mệnh của cả cuộc đời.

Kỷ niệm 202 năm Ngày sinh C.Mác là dịp để chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn vinh và tri ân một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của xã hội. Ðây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại giá trị những di sản tư tưởng của C.Mác, phương pháp vận dụng những di sản ấy vào hoạt động của mỗi đảng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc; đồng thời, đấu tranh, phản bác những luận điệu, quan điểm sai trái, phủ định giá trị, sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin và công lao, cống hiến vĩ đại của C.Mác đối với nhân loại, để cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp.

Thùy Linh