Trong những năm qua, công tác dân vận được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thanh Miện quan tâm, tạo đồng thuận xã hội, củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Miện đã phát huy hiệu quả công tác dân vận; thực hiện đổi mới, sáng tạo, linh hoạt bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Là địa phương có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, nguồn lực còn nhiều hạn chế, một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nhận thức rõ vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM; cấp uỷ, chính quyền huyện và cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền các chương trình, kế hoạch để phát huy dân chủ rộng rãi, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện như: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cho cán bộ từ huyện đến xã, thôn; tổ chức sinh hoạt đoàn thể nhiều kỳ, kết hợp với thông tin trên Đài phát thanh huyện và đài truyền thanh cơ sở. Thông qua đó, nhận thức của nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Tại các xã, ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các chính sách về an sinh xã hội, huy động đóng góp… đều được công khai để nhân dân được biết, được bàn, được quyết định, được giám sát theo đúng tinh thần Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khoá XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn. Huyện đã chỉ đạo các địa phương bổ sung quy bước, hương ước của làng những nội dung mới về xây dựng NTM để thuận lợi trong quá trình bàn bạc, quyết định, tham gia của nhân dân.
Với những cách làm chủ động, hiệu quả, từ năm 2016 đến nay, huyện Thanh Miện đã huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng NTM với tổng số tiền 2.822 tỷ 320 triệu đồng. Trong đó vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 436 tỷ (15,45%). Bên cạnh đó, nhân dân các xã đã đóng góp ngày công lao động, hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các công trình văn hoá, thể thao và góp đất ruộng để phục vụ chỉnh trang đồng ruộng. Tiêu biểu như nhân dân các xã: Hồng Phong, Chi Lăng Nam, Tứ Cường và thị trấn Thanh Miện đã hiến trên 50.000 m2 đất thổ cư và đất ruộng 03 để làm đường giao thông liên huyện, đường nội thị qua thị trấn Thanh Miện.
Xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện đón nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới
Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở cũng chủ trì phối hợp với các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể; đăng ký xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” như: Uỷ ban MTTQ huyện với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; xây dựng mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang” và Khu dân cư tự quản, bảo vệ môi trường gắn với “Ngày chủ nhật xanh”; Hội LHPN Thanh Miện với mô hình “Phụ nữ Thanh Miện với công tác bảo vệ môi trường”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân giúp nhau giảm nghèo và vươn lên làm giàu”…
Ban Dân vận huyện uỷ tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị… gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân rộng.
Mô hình sản xuất lúa tập trung “một vùng, một giống, một thời gian"
Bằng những cách làm linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành cùng với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Bức tranh nông thôn của huyện đã thay đổi rõ nét; đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng lên; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,2 triệu năm 2011 lên 46,8 triệu năm 2019; năm 2020, ước đạt 57 triệu /người/năm; văn hóa, xã hội và môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Nhận thức của cán bộ và nhân dân chuyển từ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực đầu tư từ ngân sách đến chủ động, tích cực tham gia. Năm 2019, 16/16 xã trong huyện đã về đích NTM; huyện Thanh Miện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Kết quả trên đã khẳng định, công tác dân vận thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết và củng cố lòng tin của nhân dân; nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững.