Chủ nhật, ngày 28/4/2024

Thanh Miện: kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015- 2020

Thứ Tư 28/11/2018 19:52

Xem với cỡ chữ
Ngày 27/11/2018,Thanh Miện tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng để sơ kết, kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020

Toàn cảnh Hội nghị

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015- 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Miện đã xây dựng Chương trình hành động số 06-CTr/HU, ngày 31/12/2015, trong đó thống nhất xây dựng, triển khai 03 đề án, 11 kế hoạch, 06 dự án trọng điểm.

Với đặc thù của huyện nông nghiệp, Thanh Miện tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế cao”. Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng được một số vùng sản xuất lúa tập trung với phương thức một vùng, một giống, một thời gian (59 vùng sản xuất lúa tập trung quy mô 30ha với tổng diện tích 1.876ha). Huyện đang tích cực xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu “Gạo Bắc thơm Thanh Miện”. Giai đoạn 2016 - 2018, toàn huyện chuyển đổi được 550,8ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả, mô hình lúa - cá kết hợp (đạt 48,3% kế hoạch); các diện tích chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cấy lúa, đạt 350 - 400 triệu đồng/ha/năm; trong đó điển hình là mô hình trồng cam vinh, cam đường canh, cam lòng vàng ở xã Tiền Phong, Chi Lăng Nam, Thanh Giang...Điểm mới và nổi bật trong thực hiện đề án, đó là đã triển khai áp dụng mô hình tưới nước tiên tiến với diện tích 170ha (xã Lam Sơn: 40ha, xã Hùng Sơn: 15ha, Thị Trấn Thanh Miện: 15ha, xã Phạm Kha: 120ha); ứng dụng nhà màng, nhà lưới vào sản xuất, toàn huyện có trên 28.000m2 nhà màng, nhà lưới. Bước đầu đã  nâng cao nhận thức cho nông dân trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung. Sau 03 năm thực hiện Đề án, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả cho thu nhập cao, đáp ứng thị trường. Tỷ lệ và tốc độ ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất tăng nhanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016 - 2018 bình quân đạt 3%/năm (tăng 0,8% so với kế hoạch); giá trị sản xuất bình quân/ha đất trồng trọt đạt 119,2 triệu đồng (đạt 86,3% kế hoạch).

Bên cạnh đó, việc thực hiện Kế hoạch phát triển chăn nuôi - thủy sản tập trung theo hướng tập trung giai đoạn 2016-2020 cũng thu được kết quả nổi bật: Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng hàng năm, năm 2018 toàn huyện có 881ha, tăng 60ha so với năm 2015, đạt 97,88% kế hoạch. Năng suất thủy sản năm 2018 ước đạt 6,4tấn/ha, đạt 91,43% kế hoạch. Giá trị sản phẩm bình quân/1ha đất nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2016 - 2018 đạt 250 triệu đồng (vượt 90 triệu đồng so với mục tiêu kế hoạch); riêng năm 2018 ước đạt 157,5 triệu đồng/ha, bằng 98,4% kế hoạch. Huyện đang hoàn thiện các thủ tục triển khai thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Đoàn Kết và xã Ngũ Hùng. Quan tâm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổng số đàn trâu, bò có 3.133 con, đàn lợn 45.889 con, đàn gia cầm 1.000.000 con; sản lượng thịt hơi các loại tăng, năm 2018 ước đạt 8.931 tấn, tăng 1.287 tấn so với năm 2015, đạt trên 67% kế hoạch. Năm 2018 trên địa bàn huyện có 05 cơ sở chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP. Huyện phát triển được trên 500 trang trại, gia trại, đạt 88,3% so với kế hoạch; trong đó có 53 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp &PTNT; có 16 trang trại được cấp giấy chứng nhận, tăng 8 trang trại so với năm 2015. Sau 03 năm thực hiện Kế hoạch, ngành chăn nuôi - thủy sản của huyện đã đạt được kết quả tích cực: Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang từng bước chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản (hiện nay tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản chiếm 39,73% cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp - thủy sản). Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản bình quân đạt 3%/năm (tăng 0,8% so với kế hoạch). Nhiều chỉ tiêu đã đạt, ước đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, như: số lượng đàn lợn, đàn gia cầm; sản lượng thịt, trứng; diện tích nuôi trồng thủy sản, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi - thủy sản...

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; vai trò của từng cấp, từng ngành, địa bàn thôn, khu dân cư được khẳng định rõ nét hơn, đã đạt được những kết quả tích cực: Đến hết năm 2018, toàn huyện có 13/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, (đạt tỷ lệ 72,2%). Đến ngày 30/9/2018, tổng số tiêu chí đã đạt trên địa bàn huyện là 320/342 tiêu chí (tăng 67 tiêu chí so với thười điểm 15/3/2016), trung bình tiêu chí đã đạt được của các xã là 17,78 tiêu chí; huyện đạt 5/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới.Đến ngày 30/9/2018, tổng số tiêu chí đã đạt trên địa bàn huyện là 324/342 tiêu chí (tăng 71 tiêu chí so với thời điểm 15/3/2016), trung bình mỗi xã đã đạt được 18 tiêu chí. Tổng kinh phí đã huy động cho xây dựng nông thôn mới trong gần 03 năm là 1.246,21 tỷ đồng.

Một trong những kết quả được nhiều đại biểu đồng tình đánh giá cao chính là việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2018 đạt được tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ phát triển bình quân 17,30%/năm (tăng 6,7% so với kế hoạch). Giá trị sản xuất năm 2018 ước đạt 855,70 tỷ đồng, đạt 61,45% kế hoạch, tăng 325,7 tỷ đồng so với năm 2015. Thời gian qua, huyện tích cực thực hiện các biện pháp thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện; từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2018 đã thu hút được 12 dự án đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 2.845,585 tỷ đồng, dự kiến thu hút 28.320 lao động (gấp 4 lần về số lượng dự án thu hút, 18,09 lần về tổng vốn đầu tư đăng ký, 6,33 lần về số lao động dự kiến thu hút so với giai đoạn 2010 - 2015). Tỷ lệ lấp đầy đến cuối năm 2018, dự kiến của các cụm công nghiệp đạt 100%. Đến tháng 8/2018, toàn huyện có 76 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp (bằng 76% kế hoạch), tăng 49 doanh nghiệp so với năm 2015. Toàn huyện có 13.100 lao động làm việc tại 1.878 cơ sở công nghiệp, tăng 5.050 lao động, 269 cơ sở so với năm 2015. Công tác đào tạo nghề cho người lao động hoàn thành kế hoạch đề ra. Hiệu quả trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp; khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế chung của toàn huyện; tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; tạo nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện.

Việc “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, thị trấn giai đoạn 2016 - 2020” theo Đề án 01 của Tỉnh ủy được Đảng bộ huyện quan tâm lãnh đạo thực hiện và thu được kết quả cao. Đến tháng 10/2018, toàn huyện có   92 chi bộ (giảm 18 chi bộ), 92 ban công tác mặt trận thôn, khu dân cư (giảm 16 ban) và 92 chi đoàn, chi hội (giảm 18 chi đoàn, 26 chi hội phụ nữ, 16 chi hội nông dân và 15 chi hội cựu chiến binh thôn, khu dân cư) thuộc các tổ chức chính trị-xã hội, đạt tỷ lệ 100%. Thực hiện xong việc sắp xếp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; cán bộ chuyên trách, không chuyên trách cấp tại 07/19 xã, thị trấn, đạt 36,8%; 12 xã còn lại đang thực hiện, dự kiến xong trong năm 2018. Tổng số cán bộ không chuyên trách cấp xã trước khi thực hiện Quyết định 36/2017/QĐ-UBND là 406 người, sau khi thực hiện là 266 người, giảm 140 người (đạt 65,5%). Tổng số cán bộ không chuyên trách cấp thôn trước khi thực hiện Quyết định 36/2017/QĐ-UBND là 598 đồng chí, sau khi thực hiện là 409 đồng chí, giảm 189 đồng chí (đạt 68,39%). Đến tháng 10/2018, có 82/92 thôn, khu dân cư (đạt 89%) thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu dân cư. Theo lộ trình thôn Đào Lâm - xã Đoàn Tùng kiện toàn trong năm 2018; các thôn, khu dân cư còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2019.

Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy phát biểu bế mạc Hội nghị

Phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị, đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, đồng thời ghi nhận những kết quả nổi bật sau gần 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XXIII Đảng bộ huyện Thanh Miện, hầu hết các chỉ tiêu theo nghị quyết đại hội đều có thể đạt, một số chỉ tiêu có khả năng vượt mục tiêu đề ra vào cuối nhiệm kỳ. Dự kiến 17/19 chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội đều đạt, trong đó, có 3 chỉ tiêu dự kiến vượt; 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt có lý do khách quan là chủ yếu (tỷ suất sinh thô; tỷ lệ sinh con thứ 3+ hằng năm). Kinh tế tăng trưởng khá, có bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, trong thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; văn hoá xã hội có bước phát triển mới; diện mạo đô thị, nông thôn tiếp tục có sự khởi sắc; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng lên. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được quan tâm chú trọng, có chuyển biến tích cực.

Tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Huyện ủy Trần Văn Quân còn giao nhiệm vụ cho các đồng chí Huyện ủy viên, thủ trưởng các phòng, ban của huyện trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhằm hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2015- 2020, tạo tiền đề phát triển vững chắc cho các nhiệm kỳ tiếp theo.

Phạm Thị Hoài (Nguồn BTV Huyện ủy Thanh Miện)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: