Theo thống kê của Sở Y tế toàn tỉnh có trên 40 đội cấp cứu lưu động với hơn 100 nhân viên y tế, trong đó mỗi đội có 01 bác sĩ số còn lại là điều dưỡng.
Ảnh minh họa
Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các Đội cấp cứu lưu động trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, Sở Y tế yêu cầu các Trung tâm y tế các địa phương thực hiện nghiêm túc các yêu cầu sau:
Đối với các cơ sở tiêm chủng trước khi thực hiện buổi tiêm phải thực hiện rà soát, đánh giá công tác chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng xử trí cấp cứu các sự cố bất lợi sau khi tiêm vaccine bằng bảng kiểm an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế. Chỉ khi đảm bảo 6 nội dung trong bảng kiểm đầy đủ thì mới được triển khai buổi tiêm chủng. Cung cấp cho người được tiêm vaccine tờ rơi có ghi rõ các điều cần lưu ý sau khi tiêm chủng và các dấu hiệu sức khỏe, số điện thoại cần liên hệ ngay với cơ sở y tế, đội cấp cứu lưu động và thường trực cấp cứu của Trung tâm y tế để những người được tiêm chủng biết liên hệ khi cần.
Bố trí các đội cấp cứu lưu động khi có sự cố bất lợi sau tiêm chủng, tiếp cận tới điểm tiêm trong thời gian theo quy định khi được yêu cầu hỗ trợ từ các cơ sở tiêm chủng.
Đối với các phòng tiêm chủng tư nhân được Sở Y tế đồng ý tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19 phải cung cấp danh sách, số điện thoại đội cấp cứu lưu động và số điện thoại thường trực cấp cứu của Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn quản lý.
Phân công Đội cấp cứu lưu động thường trực và chịu trách nhiệm cấp cứu 24/24h cho người có sự cố nặng, nguy kịch sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của các xã, phường, thị trấn hoặc các điểm tiêm chủng.
Trường hợp Trung tâm y tế có ca bệnh diễn biến phức tạp, nặng, nguy kịch hoặc nhiều trường hợp cấp cứu xảy ra thì các đơn vị chủ động gọi hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố lân cận.