Thứ hai, ngày 25/11/2024

Hải Dương hướng tới các đô thị xanh

Thứ Năm 05/08/2021 10:43

Xem với cỡ chữ
Việc xây dựng các khu đô thị, dân cư mới theo hướng xanh, hiện đại vừa góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa mang lại giá trị lớn cho các chủ đầu tư.

 


Khu đô thị Ecorivers Hải Dương được trồng nhiều cây xanh thân thiện với môi trường  

Tăng diện tích cây xanh, mặt nước và các công trình công cộng, giảm diện tích đất ở là chủ trương phù hợp nhằm xây dựng các khu đô thị, dân cư mới theo hướng xanh, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Định hướng lâu dài

Mục tiêu chung trong phát triển đô thị của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, có sức hút người dân trong, ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc. Hiện nay, Hải Dương đang xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 để có cơ sở lập quy hoạch đô thị tương ứng, phấn đấu phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng theo kế hoạch phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp, phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với hạ tầng đồng bộ, bền vững; bảo đảm các khu đô thị, dân cư mới có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh, hài hòa với môi trường xung quanh, hạn chế tác động tới hệ sinh thái tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thời gian qua, với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, sở đã yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị, dân cư mới phải lập quy hoạch theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại; chú trọng quy hoạch xây dựng các khu không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh. Hiện nay, trong quy hoạch các khu đô thị, dân cư mới, tỷ lệ đất ở đều được khống chế ở mức thấp dưới 31%, giảm từ 7 - 9% so với các dự án đã được phê duyệt trước đó. Tỷ lệ cây xanh, mặt nước, công trình công cộng... đã tăng đáng kể nhằm bảo đảm một môi trường sống trong lành, văn minh cho người dân. Đặc biệt, các khu đô thị, dân cư mới đều được quy hoạch theo hướng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa nhằm hướng tới một cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường, hài hòa cùng thiên nhiên. Cơ quan chuyên môn luôn lưu ý chủ đầu tư khi đề xuất các giải pháp quy hoạch đô thị, thiết kế công trình phải tính đến những yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo.


Đô thị xanh trở thành xu thế chủ đạo trong quy hoạch đô thị. Trong ảnh: Một góc khu dân cư tập trung thị trấn Thanh Miện

Phải xanh toàn diện

Danh mục các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, dân cư, điểm dân cư năm 2021 theo đề xuất của các địa phương gồm 150 dự án với tổng diện tích khoảng 1.311 ha, trong đó diện tích đất ở chỉ khoảng 409 ha, chiếm 31% tổng diện tích. Đây là tỷ lệ thấp so với những dự án đã triển khai trong giai đoạn trước đó. Danh mục các dự án đề xuất động lực phát triển cấp vùng năm 2021 gồm 13 dự án với tổng diện tích gần 6.942 ha, diện tích đất ở đề xuất cũng chỉ chiếm khoảng 18%, tương đương 1.262 ha.

Việc giảm tỷ lệ đất ở, tăng tỷ lệ cây xanh, công viên, mặt nước cũng được chủ đầu tư các khu đô thị, dân cư mới ủng hộ, hưởng ứng. "Mới nghe qua, việc giảm tỷ lệ đất ở tưởng sẽ giảm lợi nhuận của nhà đầu tư nhưng thực tế việc tăng tỷ lệ cây xanh, mặt nước, công trình công cộng, vui chơi giải trí lại làm tăng giá trị lô đất, tăng lợi thế so sánh so với các dự án khác", ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Phạm Xuân Vẻ, Chủ tịch Tập đoàn Hà Phương cho biết, hiện nay tập đoàn đang triển khai một loạt dự án khu đô thị, dân cư mới trên địa bàn Hải Dương. Việc giảm tỷ lệ đất ở, tăng tỷ lệ cây xanh, mặt nước giúp cảnh quan các khu đô thị, dân cư mới đẹp, xanh hơn, thu hút người dân đến sinh sống hơn. Vì thế, việc chuyển nhượng các lô đất trong dự án dễ dàng hơn, giá trị lô đất cũng tăng cao. "Đây là giá trị vô hình không phải chủ đầu tư nào cũng nhận ra được. Xây dựng các đô thị xanh đang trở thành xu thế chủ đạo, không một chủ đầu tư nào có thể đứng ngoài cuộc", ông Vẻ cho biết thêm.

Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, việc xây dựng các đô thị xanh không hề đơn giản vì khái niệm đô thị xanh không chỉ mang ý nghĩa nhiều diện tích cây xanh, mặt nước. Hiện chưa có khái niệm đô thị xanh là gì, cũng chưa có quy định chi tiết những tiêu chí của một đô thị xanh. Vì thế, các địa phương chỉ có thể căn cứ vào tình hình thực tế cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để có những định hướng cụ thể trong việc quy hoạch, xây dựng các khu đô thị, dân cư mới theo hướng xanh, thân thiện môi trường. Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3.3.2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng chỉ nêu khái niệm "công trình xanh". Theo đó, công trình xanh là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; bảo đảm tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng chỉ rõ: "Tập trung đầu tư xây dựng các đô thị động lực của tỉnh trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống; bảo đảm đô thị có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh... để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".

Như vậy, đô thị xanh không đơn thuần là giảm tỷ lệ đất ở, tăng tỷ lệ cây xanh, mặt nước hoặc các công trình công cộng. Đô thị xanh còn thể hiện ở các yếu tố như bảo vệ hệ sinh thái, gần gũi thiên nhiên, tiết kiệm nhiên liệu, xử lý tốt các yếu tố gây ô nhiễm môi trường... Điều quan trọng nhất, việc xây dựng các đô thị xanh phải hướng tới xây dựng một "nếp sống xanh" cho các nhà quản lý cũng như toàn bộ cư dân trong mỗi khu đô thị, dân cư mới.

4 nguyên tắc đô thị xanh

Đô thị xanh là gì là câu hỏi được nhắc tới khá nhiều trong lĩnh vực bất động sản. Hiện tại, đô thị xanh vẫn là khái niệm còn khá mới ở Việt Nam.

Hiện nay chưa có một khái niệm cụ thể, rõ ràng nào về đô thị xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, dựa theo một số tài liệu liên quan tới quy hoạch, đô thị xanh được hiểu đơn giản là một khu vực đô thị hướng tới mục tiêu dài hạn về bảo vệ môi trường, được quy hoạch xây dựng và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
       
Đô thị xanh được hình thành trên cơ sở hệ số sử dụng đất cao, mật độ xây dựng thấp; nâng cao chất lượng hệ thống giao thông; tạo không gian đô thị mở; khai thác có hiệu quả tài nguyên; bảo tồn văn hóa bản địa và các di sản. Đô thị xanh là một khu vực đô thị hướng tới mục tiêu dài hạn về bảo vệ môi trường, được quy hoạch xây dựng và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Nguyên tắc đánh giá đô thị xanh là gì?

Ít xâm phạm đến môi trường tự nhiên vốn có: Khi tiến hành xây dựng công trình bất động sản, các hoạt động diễn ra làm thay đổi hình thái tự nhiên như đào lấp, di dời… cần hạn chế ở mức tối đa, thậm chí là không làm ảnh hưởng tới môi trường có sẵn. Việc nương theo tự nhiên tạo ra một hệ giá trị đặc trưng, từ đó có thể đáp ứng được điều kiện hình thành, phát triển đô thị xanh.

Để môi trường sinh thái tự cân bằng: Trong quá trình vận hành và xây dựng bất động sản, để đánh giá là đô thị xanh thì phải ưu tiên khả năng tự bảo vệ, tái tạo, tự cân bằng của tự nhiên.

Mức tiêu tốn năng lượng và nước giảm tới thấp nhất: Việc thiết kế công trình nên tận dụng triệt để yếu tố thiên nhiên, hạn chế mức tối đa yếu tố nhân tạo. Trồng nhiều cây xanh, làm hồ nước giảm nóng, sử dụng vật liệu ít hấp thụ nhiệt theo nguyên tắc thấp dần tính từ lõi.

Bảo đảm nguyên tắc bù khi xây dựng công trình và khai thác: Nguyên tắc này hiểu đơn giản là lấy đi của tự nhiên bao nhiêu thì trả lại bấy nhiêu. 
      
Cần chú ý là 4 nguyên tắc này chưa phải là chuẩn mực để đánh giá nhưng đây sẽ là tiền đề góp phần vào xây dựng, phát triển đô thị xanh.

Vì sao cần phát triển đô thị xanh?

Đô thị xanh tận dụng được lợi thế vùng khí hậu và địa hình tự nhiên của đất nước. Những đô thị có quy mô trung bình và nhỏ có lợi thế phát triển đô thị làng nghề, đô thị du lịch. Các đô thị này cho phép khai thác hiệu quả tài nguyên, tận dụng được nguồn lực và hạn chế bê tông hóa bề mặt đô thị. Với ưu điểm có nhiều không gian xanh, mô hình đô thị xanh bảo đảm sức khỏe cho người dân, tạo môi trường sống tốt.

Việc xây dựng đô thị xanh sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người.

 

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: