(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, về tiền ăn của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đối tượng áp dụng là người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp).
Mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế. Đối với địa phương đang hỗ trợ tiền ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế khác mức 80.000 đồng/ngày trước ngày 29/3/2020 thì thanh quyết toán theo số đã chi. Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép quyết định mức hỗ trợ cao hơn.
Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương có thể tiếp tục thực hiện theo mức hỗ trợ đã ban hành hoặc điều chỉnh theo mức 80.000 đồng/ngày.
Cơ quan, đơn vị được giao thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cung cấp bữa ăn cho người bị cách ly y tế bảo đảm kịp thời, thuận lợi. Trường hợp người bị cách ly y tế có yêu cầu bữa ăn theo nhu cầu (nếu có), thì phải tự chi trả phần chi phí tăng thêm. Việc yêu cầu cung cấp bữa ăn riêng của người bị cách ly phải phù hợp với điều kiện của cơ sở thực hiện cách ly y tế.
Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế nêu trên được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày.
Nghị quyết cũng quy định về chi trả chi phí khám, chữa bệnh khác đối với trường hợp đang trong thời gian cách ly y tế tập trung mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị. Cụ thể:
- Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế.
- Đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế: Người Việt Nam thì do ngân sách nhà nước chi trả; người nước ngoài tự chi trả chi phí khám, điều trị.
Chế độ phụ cấp chống dịch
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch:
- Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.
- Chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với: Người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp); người tham gia cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế; người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly.
Chế độ đối với người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ
Về chế độ đối với người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ, mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ là 130.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/phiên trực.
Cán bộ y tế, quân đội, công an thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp); người tham gia thực hiện nhiệm vụ phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày.
Về chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19, mức 130.000 đồng/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch; mức 80.000 đồng/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.
Chế độ đặc thù quy định tại Nghị quyết này được thực hiện trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Các chế độ khác không được quy định tại Nghị quyết ngày thì thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Các đối tượng tham gia chống dịch COVID-19 đã hưởng chế độ phụ cấp theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch thì được truy lĩnh phần tăng thêm (nếu có) tương ứng với mức phụ cấp quy định tại Nghị quyết này kể từ ngày hưởng chế độ phụ cấp chống dịch theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg.
Đối tượng được giao thường trực chống dịch 24/24 giờ thì thời điểm hưởng phụ cấp thường trực 24/24 giờ kể từ ngày tiếp nhận ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên nhưng không được sớm hơn ngày xảy ra dịch bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 1/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho đến hết ngày công bố là hết dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 29/3/2020.
Đẩy mạnh các giải pháp đưa giá lợn hơi về mức bình thường
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan kiên quyết đẩy mạnh triển khai các giải pháp để ngay trong tháng 4 năm 2020 đưa giá lợn hơi về mức bình thường như trước khi có dịch bệnh tả lợn Châu Phi, khoảng 60 nghìn đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp.
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20/3/2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản.
Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra và tập trung phối hợp chặt chẽ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện quản lý mặt hàng thịt lợn theo nguyên tắc: đây là mặt hàng quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, văn hóa tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam; trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguồn cung chưa bảo đảm thì giá thịt lợn là giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong đó tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để bình ổn giá thịt lợn; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và quản lý giá cả để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc đầu cơ, tích trữ, thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới; kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu và phải tính toán phù hợp theo từng thời điểm nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước và tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.
Tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung và phòng chống dịch bệnh; vận động người dân sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.
Các địa phương định hướng các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường cung cấp các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ nguồn thịt lợn nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.
Tháng 4, nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống bảo đảm nguồn cung tái đàn, đảm bảo tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước; nghiên cứu, chế biến thực phẩm phù hợp khác để bổ sung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan triển khai nhập khẩu mặt hàng thịt lợn ngay trong tháng 4 năm 2020 đảm bảo tổng số lượng nhập khẩu theo chủ trương khoảng 100 nghìn tấn theo tinh thần chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 02/2/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá ở 2 khâu này.
Giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, cơ quan liên quan chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, làm rõ những bất cập, hạn chế (nếu có) đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng.
Trong trường hợp việc cung cấp thịt lợn trong nước cố tình đẩy giá lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nhập khẩu khi cần thiết.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tổng hợp tình hình giả cả thị trường để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những diễn biến mặt bằng giá khi có biến động, phát sinh và các đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát trình cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi năm 2020 và thực hiện giao, phân bổ kinh phí kịp thời cho các địa phương sau khi được phê duyệt.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh… làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt lợn theo tinh thần chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 02/2/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì họp với những doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn lớn, đại diện hộ nông dân tiêu biểu của ngành chăn nuôi để quán triệt và thống nhất chủ trương, đồng thời đề xuất những vấn đề cụ thể, những nhiệm vụ, giải pháp cần thiết, phù hợp tiếp tục phát triển đàn lợn ở Việt Nam, nhất là những giống lợn quý, tốt, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng./.