Phát huy phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", 5 năm qua (2016-2021), phong trào thi đua "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển và lan tỏa sâu rộng, tạo động lực giúp nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Cựu chiến binh xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nuôi thỏ xuất khẩu
Hiện nay, Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương có 14 hội cấp huyện và tương đương; 235 hội cơ sở xã, phường, thị trấn và 97 cơ sở hội khối 487; 1.353 chi hội và hơn 114.500 hội viên. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Trung ương Hội CCB Việt Nam, Hội CCB các cấp đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, tích cực triển khai đưa phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" trong tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tham gia, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, các cấp Hội đã bám sát các nghị quyết lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, quán triệt, triển khai các nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đến từng hội viên; đặc biệt là chủ trương "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi". Phong trào đã thực sự trở thành động lực thi đua của Hội. Các cấp Hội đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cán bộ, hội viên tiếp cận các chính sách, các nguồn vốn vay ưu đãi, đất đai, thông tin thị trường, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Phối hợp tổ chức 20 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý kinh tế cho trên 980 lượt cán bộ, hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng phát triển kinh tế gia đình.
5 năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của CCB trong tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng, quy mô và hiệu quả. Từ các hoạt động đơn lẻ, phân tán đã từng bước liên kết tạo nên các nhóm, câu lạc bộ, đến việc thành lập Hội, liên doanh, liên kết giúp nhau phát triển kinh tế ở nhiều quy mô, cấp độ, chia sẻ kinh nghiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Các doanh nghiệp, hợp tác xã do CCB làm chủ tiếp tục khẳng định vị trí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 120 câu lạc bộ "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo" với nhiều mô hình câu lạc bộ; phát triển 436 doanh nghiệp; 654 hợp tác xã, tổ hợp tác; 2.594 trang trại; 2.210 gia trại; 3.041 hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ... Hàng năm thu hút trên 20 nghìn lao động, trong đó gần 50% là CCB, cựu quân nhân và con CCB. Năm 2016, các mô hình sản xuất kinh doanh do hội viên CCB làm chủ thu hút trên 15.000 lao động, năm 2021 đã thu hút trên 20.000 lao động. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp, doanh nhân CCB trong tỉnh đạt trên 6.500 tỷ đồng/năm; lợi nhuận trên 350 tỷ đồng/năm; trong đó có 01 doanh nghiệp CCB doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm; 01 doanh nghiệp doanh thu trên 500 tỷ đồng/năm; 22 doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm; 27 doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm và hàng trăm trang trại, gia trại có doanh thu từ 1 đến 10 tỷ đồng/năm trở lên
Cùng với đó, để hội viên có nguồn vốn phát triển kinh tế, Hội CCB đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các hội viên vay, phát triển sản xuất. Trong 5 năm qua, đã giúp cho trên 25.000 lượt hộ hội viên CCB được vay vốn với tổng các nguồn vốn vay là 634 tỷ đồng, nhờ đó đã góp phần giúp cho 2.342 hộ hội viên CCB thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,99% (năm 2016) xuống còn 0,34% (năm 2021); hộ cận nghèo từ 2,42% (năm 2016) giảm còn 1,2% (năm 2021); hộ khá và giàu tăng từ 66,35% (năm 2016) lên 70,83% (năm 2021). Đến nay, số cơ sở Hội hết nghèo còn 39,14% và số chi hội hết nghèo là 80,51%. Phần lớn các hộ khá và giàu của CCB đều đáp ứng các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản, có nhà ở kiên cố, khang trang, tiện nghi sinh hoạt, phương tiện giao thông, tiếp cận thông tin, viễn thông ... đầy đủ. Phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo trong tỉnh đã chuyển từ giảm nghèo là trọng tâm sang giảm nghèo nhanh, bền vững và vươn lên làm giàu. Từ chỗ coi trọng về mức thu nhập nay chuyển sang giảm nghèo đa chiều và toàn diện hơn, chú trọng nâng cao đời sống tinh thần, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, đặc biệt vấn đề chăm sóc sức khỏe và y tế, con em CCB được học hành, được hướng dẫn dạy nghề.
CCB Nguyễn Trọng Tiến (áo trắng, đứng giữa), Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Giầy Cẩm Bình tặng nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho hội viên CCB và xe đạp cho con hội viên CCB vượt khó, học giỏi.
Đi đôi với phong trào phát triển kinh tế, các cấp Hội còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Trung ương và địa phương phát động như Bảo vệ môi trường; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại ở phía sau"; phong trào "Vì người nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa"; các hoạt động "Từ thiện nhân đạo"… góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Điển hình, trong phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp Hội đã tích cực vận động cán bộ, hội viên tham gia ủng hộ đóng góp ngày công, kinh phí, hiến đất ở, đất nông nghiệp để làm được giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp và an ninh trật tự. 5 năm qua, cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh đã hiến 185.671m2 đất làm đường giao thông, dồn ô đổi thửa; tham gia 104.588 ngày công vệ sinh môi trường, giải tỏa giao thông; trồng 255.276 cây xanh các loại; đóng góp xây dựng địa phương 10,3 tỷ đồng; làm mới, sửa chữa, nâng cấp 454 km đường giao thông; xây dựng 610,5 km kênh mương thủy lợi nội đồng; thu gom hàng nghìn tấn rác thải, trồng 80 nghìn cây xanh các loại.. góp phần bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 178/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; cuối năm 2021, phấn đấu 12/12 huyện, thị xã, thành phố và tỉnh Hải Dương đạt chuẩn nông thôn mới.
Với hoạt động nhân đạo, từ thiện, các cấp Hội đã ủng hộ xây mới, sửa chữa 158 nhà "Nghĩa tình đồng đội”"với số tiền trên 8 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ vì người nghèo trên 4,5 tỷ đồng; hội viên bị nhiễm chất độc da cam/dioxin 500 triệu đồng; Quỹ khuyến học 3,2 tỷ đồng... Năm 2020, cán bộ, hội viên đã quyên góp ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 tổng số tiền trên 4 tỷ đồng. Năm 2021, ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 và Quỹ vắcxin phòng Covid-19 là 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-1 đã có hàng nghìn cán bộ, hội viên CCB trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt các tổ công tác truy vết cộng đồng tại các địa phương. Ngoài ra, cán bộ, hội viên đóng góp hàng ngàn ngày công tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, quy tập, hoàn thiện hồ sơ danh sách 150 liệt sĩ, tham gia đón 50 hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà. Các ngày lễ, Tết trao tặng hàng ngàn xuất quà cho các gia đình chính sách, hội viên CCB nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... góp phần nâng cao đời sống của hội viên CCB trong tỉnh. Điển hình là: Công ty Bánh đậu xanh Gia Bảo, Công ty Thương mại Du lịch và Xây dựng 27/7, Công ty Cổ phần CCB Hải Dương; các câu lạc bộ doanh nhân CCB, cựu quân nhân Tứ Kỳ, Ninh Giang, Kinh Môn, Kim Thành... và nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu khác.
Để phát huy hiệu quả của phong trào, thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vận động CCB giữ vững và phát huy bản chất người lính, tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương; đẩy mạnh phong trào thi đua "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" trong toàn thể hội viên, huy động được các nguồn lực, thu hút hội viên tham gia làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển./.