Cuộc Cách mạng 4.0 với sự kết hợp của Interent vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ tạo ra nhiều ngành nghề mới, nhiều tri thức mới, nhiều khái niệm mới khác hẳn cách thức truyền thống. Với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao của hệ thống kết nối Internet và trí tuệ nhân tạo; sử dụng công nghệ số hóa nhằm tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa với công nghệ thông tin làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới; nhờ đó tạo ra tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội theo kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cuộc Cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, sử dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái và phương thức kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí lao động, giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.
Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đưa ra 6 giải pháp lớn: (1) phát triển hạ tầng, ứng dụng nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông; (2) cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; (3) xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược quốc gia; (4) thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đổi mới cơ chế đầu tư, tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (5) thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung giáo dục và dạy nghề theo hướng thích ứng với các công nghệ mới; (6) tuyên truyền rộng rãi và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hội nghị giới thiệu về chuyển đổi số tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí nguồn lực để triển khai nhằm tạo sự lan tỏa và động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh để phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Hải Dương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân... Với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”; chiến lược phát triển “Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Ba trục phát triển”.
Trong nhiệm kỳ cũng xác định Chương trình phát triển kinh tế nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ, giai đoạn 2021 - 2025 nhằm Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt. Dựa trên nền tảng nâng cao chất lượng tăng trưởng, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, nhất là tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và bảo vệ tốt môi trường.
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định 3 quan điểm đó là (1) phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh; trọng tâm phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài. (2) Bám sát chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện chuyển đổi số với bước đi và lộ trình phù hợp. Căn cứ vào nguồn lực và mục tiêu phát triển cần lựa chọn một số lĩnh vực, nhiệm vụ cần ưu tiên chuyển đổi số, từ đó rút kinh nghiệm và tiến hành chuyển đổi số sâu rộng trong toàn xã hội. (3) Chuyển đổi số cần có sự phối hợp đồng bộ, liên thông, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trước hết phải có sự đổi mới tư duy, nhận thức, nắm bắt kịp thời và tận dụng có hiệu quả cơ hội do chuyển đổi số mang lại; đồng thời chủ động, quyết liệt, sáng tạo khi tiến hành chuyển đổi số nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025 đưa Hải Dương thuộc nhóm 20 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra 3 nhóm mục tiêu cơ bản đến 20205, định hướng đến năm 2030 là: Phát triển chính quyền số; Phát triển kinh tế số và Phát triển xã hội số. Đồng thời xác định 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là (1) tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về chuyển đổi số; (2) xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; (3) huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của địa phương; (4) xây dựng chính quyền số; (5) phát triển kinh tế số; (6) phát triển xã hội số, xây dựng các đô thị thông minh; (7) bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
Để xây dựng nền kinh tế số, xã hội số yêu cầu Trước hết, cần phải có cơ sở hạ tầng viễn thông được đầu tư đồng bộ; kinh tế số được hình thành và có tốc độ phát triển cao và trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế dịch vụ, quản lý đô thị...; dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet sẽ xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, đa dạng và xuyên quốc gia. Thông qua các hoạt động kinh tế số sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thứ hai, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ với hành lang pháp lý đủ thông thoáng và liên thông giữa các cơ quan nhà nước, cùng sự chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ ngay và kịp thời các vướng mắc, ách tắc nhất là đối với các doanh nghiệp. Thứ ba, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống, xã hội và lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy, chính quyền.
Thực tế cho thấy, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua cho thấy: thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hóa đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt tình hình dịch bệnh kịp thời, nhanh chóng, chính xác diễn biến ổ dịch. Từ đó có những quyết định chỉ đạo khẩn trương xác định các ca liên quan F0 để điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly và tổ chức xét nghiệm sàng lọc đối với các trường hợp F1, F2,... Đồng thời, tổ chức triển khai các biện pháp quyết liệt, thống nhất đồng bộ ở các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả cùng với thực hiện nhiệm vụ mục tiêu “kép’’.