Thứ bảy, ngày 4/5/2024

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ

Thứ Năm 21/10/2021 10:21

Xem với cỡ chữ
Tấm gương lớn Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng được nhân dân cả nước và nhân dân thế giới ngợi ca, noi gương. Là nhà cách mạng cộng sản, đạo đức cách mạng trở thành một phẩm chất tự nhiên, yếu tố cấu thành năng lực của người cách mạng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

 

I. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức của người cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về đạo đức cách mạng, là biểu tượng sinh động, gần gũi, là tấm gương sáng ngời về thực hiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng với nhân dân.

Tấm gương lớn Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng được nhân dân cả nước và nhân dân thế giới ngợi ca, noi gương. Là nhà cách mạng cộng sản, đạo đức cách mạng trở thành một phẩm chất tự nhiên, yếu tố cấu thành năng lực của người cách mạng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

Đạo đức cách mạng theo Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương yêu con người, sống có nghĩa, có tình; cần cù lao động; ngay thẳng thật thà; đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm; bang giao hữu hảo với các nước anh em. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc. Truyền thống ấy trở thành nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam, trở thành sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân ta từ nghìn đời nay chiến đấu và chiến thắng các loại giặc giã, thiên tai.

Về đạo đức của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ cách mạng là phẩm chất đạo đức: “Đạo đức là gốc”, người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, mới có thể trở thành người cán bộ chân chính. Người nói: “Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”; “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Đánh giá về vai trò của cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Đạo đức của người cán bộ cách mạng được thể hiện trước hết ở chỗ: Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đạo đức cách mạng là sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hoá, tham ô, không đặc quyền đặc lợi. “Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thấm nhuần đạo đức cách mạng, cán bộ sẽ xử lý hài hòa các mối quan hệ: Với mình, với người và với công việc. Đối với mình: “Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo... Phải siêng năng, tiết kiệm”; Đối với người: “Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở... Không nên ghen ghét đố kỵ”; Đối với công việc: “Phải suy nghĩ cho kỹ... Phải cẩn thận...”. Đặc biệt, đối với nhân dân: “Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân”.

Người nói: “bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”; Đối với Đoàn thể: “Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành”. Hồ Chí Minh chỉ rõ, mỗi người cán bộ khi đã dấn thân vào con đường cách mạng, thì phải một lòng vì nước, vì dân, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân, là tấm gương mẫu mục về đạo đức của người cán bộ cách mạng, được thể hiện ở nhiều mặt, khắp các lĩnh vực công tác, sinh hoạt, đời sống thường ngày, có thể khái quát ở những điểm chính để cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo, đó là: Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là yêu nước, thương dân, tuyệt đối trung với nước, hiếu với dân; là yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân; là tinh thần quốc tế trong sáng, rèn luyện nếp sống văn minh, tiến bộ; nâng cao đạo đức nghề nghiệp; không ngừng rèn luyện bản lĩnh, năng lực công tác của người cách mạng; là đấu tranh phê bình, tự phê bình, dám đấu tranh bảo vệ chân lý, phê phán cái xấu, cái phi đạo đức. Tấm gương đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh soi sáng cho mọi thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo.

II. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về năng lực chuyên môn của người cán bộ

Theo Người, cán bộ phải có đức nhưng cũng phải có tài. Đạo đức là gốc, cho nên người cán bộ cách mạng cần phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, đồng thời, cán bộ phải có năng lực (tài). Tài của người cán bộ thể hiện ở năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, trong đó đặc biệt là năng lực nắm bắt, tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Người nói: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn... chính trị là đức, chuyên môn là tài”. Quý trọng người hiền tài, tư tưởng “Chiêu hiền đãi sĩ” được Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ ngay từ những ngày đầu cách mạng. Các bài viết “Nhân tài và kiến quốc” và “Tìm người tài đức” của Người nhằm kêu gọi, tập hợp người hiền tài cho đất nước.

Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ những cán bộ có đức, có tài mới có đủ năng lực đảm đương công việc. Dù công việc có vất vả đến đâu, trong hoàn cảnh khó khăn thế nào, cũng có thể hoàn thành.

Hồ Chí Minh yêu cầu: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”. Người chỉ rõ: người cán bộ cách mạng chân chính phải để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà; đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm, việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làmviệc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân; “khi làm bất kỳ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước... khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Để được dân tin yêu, kính trọng, người cán bộ phải biết tránh xa những căn bệnh, những thói xấu thường gặp và dễ mắc phải như: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa, bệnh cá nhân chủ nghĩa...và: “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, người cán bộ có đức, có tài là người cán bộ có tác phong công tác, làm việc, sinh hoạt sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, mở rộng dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm. Dù ở cương vị nào, làm công tác gì, khó hay dễ, chức vụ to hay nhỏ, cũng đem cả tinh thần và sức lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công luôn nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ. Đức và tài là một thể thống nhất, không thể tách rời. Vì vậy, không thể chỉ có đức mà không cần tài, càng không thể coi trọng tài mà xem nhẹ đức. Do đó, người cán bộ phải thường xuyên rèn đức, luyện tài, để trở thành cán bộ vừa có đức, vừa có tài; “vừa hồng, vừa chuyên”.

Cùng với đức và tài, người cán bộ còn phải có phong cách công tác quần chúng, thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, khéo tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Người yêu cầu cán bộ càng phải: “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi..., cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ dù ở cương vị nào cũng phải tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Học tập càng khá, thì giải quyết các vấn đề càng dễ dàng, công việc càng trôi chảy. Để học tập tiến bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học ở nhân dân là một khuyết điểm rất lớn”.

III. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương để giáo dục cán bộ, đảng viên, làm gương cho nhân dân noi theo; để giáo dục và học tập lẫn nhau cùng xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.

Theo Người, để nêu gương, thì trước hết bản thân mình phải làm gương trong mọi việc từ nhỏ đến lớn, trở thành phong cách, thói quen tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhân dân cũng noi gương theo Đảng mà tin và làm theo. Thực tế chứng minh, phương châm ấy đã làm nên sức mạnh vô địch về trí tuệ, tâm hồn, khí phách người Việt ta, đưa nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn thách thức, đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ bản chất giá trị và ý nghĩa của việc nêu gương. Bản thân Người đã trở thành tám gương sự nêu gương. Năm 1924, trong bức thư gửi đồng chí Pệtorốp, Tổng thư ký Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người luôn giáo dục cán bộ đảng viên phải thực hiện nêu gương, thực sự gương mẫu. Người nhiều lần nhấn mạnh: Cán bộ đảng viên phải “tiền ru, hậu lạc” tức là lón, tấm gương sáng về phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, hy sinh cống hiến trước, hưởng thụ sau nhân dân...

Hồ Chí Minh luôn coi trọng phương pháp nêu gương. Người từng chỉ đạo: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Người chỉ rõ, người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có, ngành nào cũng có, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Cho nên tháng 6 năm 1968, người trực tiếp chỉ đạo xuất bản sách Người tốt việc tốt để mọi người học tập, làm theo lan tỏa những cái tốt, cái đẹp trong xã hội.

Người chỉ rõ: để mọi người noi gương thì bản thân cán bộ, đảng viên phải là “người tốt, việc tốt”, phải là tốt” về mọi mặt trong đời sống xã hội và trong công tác, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. “Nêu gương” theo Người là phương pháp tốt nhất vận động quần chúng, thuyết phục quần chúng, tập hợp quần chúng làm cách mạng. Quần chúng nhìn cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước, phấn đấu hy sinh vì mục tiêu cách mạng cao cả, họ sẽ tự giác nghe theo, tin và làm theo.

Người cho rằng trong mọi công việc, người cán bộ phải đi đầu, từ chỉ đạo đến vận động, tập hợp lực lượng, triển khai thực thi nhiệm vụ. Trong quá trình lãnh đạo hay thực thi công việc, người cán bộ đều phải ở vị trí tiên phong, nêu gương, sẵn sàng xông pha đi đầu vào những nơi khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm đắc: “Đối với các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, thì một tấm gương sống, còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là về lý luận chính trị. Người dạy: mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”; phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực chủ động hoàn thành kế hoạch học tập.

IV. Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng cần phải làm tốt công tác cán bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cách mạng là để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề, là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp. Để hoàn thành nhiệm vụ đó đòi hỏi Đảng phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, trong đó đức là quan trọng hàng đầu.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những yêu cầu đối với Đảng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là:

1. Phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ

Theo Hồ Chí Minh muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Theo Người, huấn luyện cán bộ phải toàn diện, đồng thời phải chuyên sâu và có phương pháp khoa học. Huấn luyện cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp, theo phương châm làm việc gì học việc ấy.

Cán bộ có cán bộ đảng, cán bộ nhà nước, cán bộ đoàn thể, cán bộ ở Trung ương, địa phương và cơ sở... Huấn luyện cán bộ cũng phải có nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ trong những lĩnh vực cụ thể.

Theo Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ là công việc thường xuyên, công phu, lâu dài, cần phải kiên trì và bền bỉ mới có kết quả tốt. Bởi vì: “Không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt... cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới được”.

2. Phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ

Đây là công việc hệ trọng và rất khó. Đánh giá đúng cán bộ là xác định chính xác ai là cán bộ tốt, ai là cán bộ kém, ai mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào, khả năng hoàn thành công việc đến đâu, quan hệ với quần chúng ra sao... Trên cơ sở đó mà bố trí, sử dụng, đề bạt đúng cán bộ. Muốn hiểu, đánh giá đúng cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ và tiêu chuẩn này phải luôn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan; không đơn thuần theo bằng cấp, học vị, tuổi tác, không hẹp hòi, định kiến cá nhân.

Về phương pháp đánh giá, Hồ Chí Minh yêu cầu phải đặt cán bộ trong phạm vi công tác và môi trường mà người cán bộ hoạt động. Kết hợp theo dõi thường xuyên với đánh giá định kỳ. Phải kết hợp nhiều nguồn thông tin để phân tích, chọn lọc một cách khách quan. Nhận xét, đánh giá công khai, đánh giá để giúp cán bộ phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Để đánh giá đúng cán bộ, người làm công tác cán bộ phải biết tự đánh giá chính mình. “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn với các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”.

3. Phải khéo dùng cán bộ

Khéo dùng cán bộ thể hiện ở chỗ xếp người đúng việc, vì việc mà xếp người. Người căn dặn: “Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ chỗ mà dùng được”. Người phê bình: “Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người thì hai người đều thành công”.

Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp các thế hệ cán bộ một cách đúng đắn. Người dạy, trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh... Còn cán bộ trẻ tuy chưa có một số lưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh.

Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài Đảng. Theo Người, bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng..., vì Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc.

Khéo dùng cán bộ là còn phải mạnh dạn đề bạt những cán bộ trẻ có đủ tiêu chuẩn và có triển vọng vào các cương vị lãnh đạo, quản lý.

Việc lựa chọn cán bộ phải dựa theo các tiêu chí: “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng... Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn... Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn; Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”.

4. Phải “có gan cất nhắc cán bộ”

Có gan tức là phải mạnh dạn. Sở dĩ Người nói như vậy vì chúng ta thường hay “rụt rè” hoặc “quá khắt khe” trong việc đề bạt cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, có gan cất nhắc cán bộ nghĩa là người cán bộ được cất nhắc có thể còn điểm yếu, song phải biết được khuyết điểm của họ để sau khi cất nhắc tiếp tục giúp đỡ họ tiến bộ. Có gan cất nhắc là không sợ người được cất nhắc sẽ vượt mình. Có gan không có nghĩa là làm nóng vội, làm ẩu, làm liều, càng không vì danh lợi của mình mà cất nhắc cán bộ. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, vì tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy.

Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà lại gây lên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”.

Sau khi cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên gắng họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người còn nhắc nhở: “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên, thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”.

5. Phải thương yêu, chăm sóc bảo vệ cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm là đào tạo được một người cán bộ tốt, mà cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới có được. Hơn nữa, trong đấu tranh, có rất nhiều thử thách, nguy cơ dẫn đến mất cán bộ. Vì vậy, Đảng phải yêu thương cán bộ,

Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu là giúp họ học tập, tiến bộ thêm, là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn... Thương yêu là luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp đỡ họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại không nản, thắng cũng không kiêu”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Vì vậy, đối với cán bộ mắc sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục để giúp họ sửa chữa, phải có thái độ thân thiết, giúp đỡ và động viên họ hăng hái tiến lên.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi các cấp uỷ đảng cần quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người. “Phải trọng nhân tài, trong cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: