Thứ năm, ngày 5/12/2024

Chuyện kể về Bác Hồ - Tấm gương mẫu mực về tinh thần đoàn kết

Thứ Sáu 08/05/2020 08:46

Xem với cỡ chữ
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mang tính chiến lược trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hải Dương trân trọng giới thiệu tới quý độc giả chuỗi 12 câu chuyện hằng tháng về Bác Hồ - Tấm gương mẫu mực về tinh thần đoàn kết.

 

1. “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”

Khu vườn Bách thảo hôm ấy sống động hẳn lên trong ánh sáng và màu sắc của hàng vạn thanh niên thủ đô liên hoan chào mừng Đại hội lần thứ III của Đảng. Đoàn nhạc Giao hưởng chúng tôi gồm 120 diễn viên ngồi rải ra trên một bãi cỏ rộng, vẫn bị nuốt đi trong hình vòng cung của dàn hợp xướng gồm hơn 800 anh chị em thanh niên, sinh viên các trường đại học.

Khoảng 8 giờ tối, khi chúng tôi đang tập lại vài câu nhạc cho thuần tay, các bạn hợp xướng đang thử lại giọng thì đầu kia Bách thảo nổi lên tiếng reo hò, rồi tiếng vỗ tay cứ từng đợt, từng đợt nổi dậy như sóng cồn, dường như có một nỗi vui mừng đặc biệt gì khiến những tràng vỗ tay như không tùy thuộc ở ý muốn người vỗ mà lại lên xuống theo từng nhịp thở hồi hộp của cả một rừng người. Chúng tôi vui mừng lộ ra nét mặt. Đúng là Bác đến! Tiếng vỗ tay cứ gần lại, rồi lại lan xa, kéo dài giây phút hồi hộp của chúng tôi. Nhưng kìa! Đúng Bác rồi! Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nhớ ra được lúc đó tôi và các bạn có reo lên hay không, có vỗ tay không? Tâm trí tôi tập trung ở cả nơi Bác, ở con đường ven hồ đang hiện ra một cảnh tượng tuyệt vời. Những bóng điện đủ các màu trĩu trịt rọi sáng các tầng lá làm cho cây lá như được tạo ra bằng một thứ ngọc bích mỏng tang đang xao động. Tôi nghĩ đến những chuyện cổ tích đọc hồi bé, những khu vườn tiên đầy cây vàng quả ngọc. Từ trong vòm lá cây thần thoại ấy, Bác đi ra, mặc bộ quần áo bà ba bằng lụa, tay áo rộng phất phơ. Râu và tóc Bác đã bạc trắng như bông. Phong thái ung dung của Bác thật là hài hòa với phong cảnh lúc đó. Bác giống như một vị tiên từ trong giấc mơ của tôi ngày bé bước ra, đang dạo chơi trong khu vườn của Người.

Đằng sau tôi, phía dàn hợp xướng có tiếng xuýt xoa:

- Trời ơi! Bác đẹp quá!

Bác đi về phía chúng tôi. Các đồng chí Ban tổ chức khu ca nhạc thấy Bác, khách quốc tế và các đồng chí cùng đi đông quá, vội chạy lo tìm ghế cho Bác và các đại biểu. Nhưng gom góp lại cũng chỉ hơn chục cái, ai ngồi ai không?

Vừa lúc đó, Bác đã nhanh nhẹn bước tới, hình như việc giải quyết linh hoạt các khó khăn dù lớn dù nhỏ đã thành thói quen đối với Bác. Bác âu yếm cười với chúng tôi rồi ngồi ngay xuống bãi cỏ phía trước. Các đại biểu Đảng bạn đi sau đều theo Bác mà ngồi cả xuống cỏ. Ban tổ chức thở phào, trút được mối lo. Số ghế ít ỏi được chuẩn bị đâm ra lại thừa.

Anh Nguyễn Hữu Hiếu chỉ huy chúng tôi trình bày bài ca ngợi Đảng và ca ngợi Bác. Chưa bao giờ chúng tôi biểu diễn trong trạng thái say mê đến thế! Âm hưởng bài hát ca ngợi Bác chưa dứt, niềm say mê của chúng tôi chưa kịp lắng xuống thì Bác đã đứng lên tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi sung sướng chờ nghe tiếng nói hồn hậu của Bác mà phần lớn chúng tôi chỉ được nghe qua loa truyền thanh. Nhưng không, Bác không nói chuyện với chúng tôi mà bước gần đến bục chỉ huy rồi bước lên. Và trước nỗi vui thích đến muốn reo lên của chúng tôi, Bác cầm đũa chỉ huy từ tay anh Nguyễn Hữu Hiếu. Chúng tôi càng thích thú khi thấy các đồng chí bạn xôn xao kinh ngạc. Nhiều vị đứng lên, rồi tất cả đứng lên để nhìn cho rõ Bác hơn. Các đồng chí ngạc nhiên là phải, vì trong quá trình hoạt động của Bác, mọi người chỉ biết Bác đã từng trải qua rất nhiều nghề, nhưng có ai nghe nói Bác chỉ huy dàn nhạc bao giờ đâu, mà đây lại là một dàn nhạc giao hưởng hiện đại với cả khối hợp xướng ngót nghìn người.

Bác thì vẫn điềm tĩnh vui vẻ hỏi chúng tôi:

- Các cháu hát được bài Kết đoàn chứ?

Không biết chúng tôi đã trả lời Bác hay mượn dịp này để reo hò lên cho hả cái vui đang chộn rộn trong lồng ngực. Tình cảm chúng tôi đối với Bác lúc ấy y như tình cảm của một bầy con đối với người bố vui tính, một tình cảm thân thiết, kính yêu, không hề có một khoảng cách nào giữa chúng tôi và Bác. Và chúng tôi đã đàn và hát bài Kết đoàn dưới sự chỉ huy của Bác.

Bác đứng trên bục cao, chúng tôi ngồi dưới nhìn lên, hình Bác lồng lộng in lên nền lá cây rực rỡ những chùm đèn. Tay áo lụa của Bác vung vào khoảng ánh sáng đó, hay chính từ thân Bác đã phát ra vầng ánh sáng muôn mầu đó… Bác không nói lời dạy bảo gì khác đối với chúng tôi. Bác chỉ bắt nhịp cho chúng tôi hát bài Kết đoàn, chính là chúng tôi đã hát lên lời dạy bảo của Bác.

Chúng tôi đang sống trong niềm vui say nồng nhiệt nhất dưới cánh tay chỉ huy của Bác, thì Bác ra đi, Bác trao lại đũa chỉ huy, vẫy tay chào chúng tôi và nhanh nhẹn đi khuất vào rừng ánh sáng mà từ đấy Bác đã đi ra. Chúng tôi những muốn đứng cả dậy chạy theo Bác. Nhưng… Bài hát Bác đã bắt nhịp cho chúng tôi hát, chúng tôi không có quyền bỏ dở, nhiệm vụ Bác đã giao, chúng tôi phải hoàn thành!

Và chúng tôi vẫn giữ nguyên đội ngũ.

Và tiếng hát tiếp tục cất lên, tiếng hát bay lên vòm trời cao vợi bao la, khiến cho những vì sao cũng long lanh xúc động.

2. “Chiếc đồng hồ - Bài học về sự đoàn kết”

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng? Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

– Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

– Thưa không được ạ.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

– Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện về chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.

Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954 Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

Bác vui vẻ nói tiếp: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!

Sau câu chuyện của Bác, anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải quyết tâm hoàn thành. Và Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên những kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội vào dịp đến thăm trường ngày 24/5/1959, khi Bác đang khuyên sinh viên phải yên tâm cố gắng học tập, Bác cũng lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ.

Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy sau khi học xong ra phục vụ các ngành nghề đều ngang nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi đề trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ nền nông nghiệp nước nhà. Đến ngày nay, câu chuyện về chiếc đồng hồ đã được Giáo sư – tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, người sinh viên trường Đại học Nông Lâm Hà Nội khi xưa, được vinh dự gặp Bác vào lần đó, kể lại và truyền động lực cho những kỹ sư của thế hệ ngày nay.

Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.

 3.  “Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật”

Lần nào gặp Bác, câu đầu tiên Bác thường hỏi là: “Thế các cháu có đoàn kết không, có thương yêu nhau không?”, rồi Bác dặn: “Thanh niên phải gương mẫu trong đoàn kết và kỷ luật”.

Cả chi đoàn đã lấy lời nói đó của Bác làm nội dung tu dưỡng. Mỗi khi có gì va chạm, kém gắn bó với nhau, anh  chị em lại rất ân hận là chưa xứng đáng với lời Bác dặn, có anh chị em khóc nức nở vì hối hận chưa  thực hiện được theo đúng lời Bác.

Có lần Bác hỏi tôi: “Trong chi đoàn cháu, có đoàn viên nào có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” không?”.

Tôi còn đang lúng túng, Bác đã bảo: “Biểu diễn thật hay để phục vụ nhân dân được nhiều là tốt. Nhưng nếu có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” thì ngôi sao có khi tỏ, có khi lặn, lúc ngôi sao lặn thì lại buồn. Trong đoàn cháu có thanh niên nào có tư tưởng muốn làm “ngôi sao” thì cháu phải giúp đỡ”.

Lần cuối cùng tôi được gặp Bác, sau khi đi diễn ở Pháp, Ý, Angiêri, Liên Xô, Trung Quốc... về, cả đoàn lại được quây quần quanh Bác. Tôi là phó trưởng đoàn, nên cũng được đến gặp Bác và báo cáo với Bác là ở Angiêri cũng như ở Pháp, ở Ý... cứ mỗi lần tiết mục của ta hay, họ vỗ tay đến vỡ nhà hát và hô: Việt Nam – Hồ Chí Minh, Việt Nam – Điện Biên Phủ.

Bác vui vẻ bảo: Thế là người ta hoan nghênh các cháu, các cháu có hếch mũi lên không? (Bác đưa tay đẩy mũi lên).

Cả đoàn cười rộ và ai nấy đều hiểu đó là Bác có ý răn bảo.

Song Bác bảo: “Người ta  hoan hô các cháu, hay hoan hô Bác là người ta hoan hô cả dân tộc mình, cả dân tộc Việt Nam anh hùng”...

 4. “Câu chuyện về một con đường”

Trong kháng chiến chống Mỹ, một hôm khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của một đơn vị thông tin, trước khi ra về, Bác bảo đồng chí chỉ huy tập trung bộ đội lại.

Bác nói: Muốn làm được tốt nhiệm vụ, các chú phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân địa phương, thường xuyên thăm hỏi, động viên giúp đỡ nhân dân, làm cho nhân dân tin yêu, giúp đỡ bảo vệ quân đội. Chỉ có dựa vào nhân dân, đoàn kết với nhân dân mới bảo vệ được mình, che mắt địch và đánh thắng được chúng.

Bác chỉ tay ra phía đường cái hỏi:

- Thế các chú cấm con đường kia thì nhân dân đi lại bằng đường nào?

- Thưa Bác đi vòng theo các bờ ruộng ngoài kia ạ.

Nghe đồng chí chỉ huy trả lời, Bác phê bình:

- Như vậy là không được. Các chú cấm đường để phòng kẻ gian, đảm bảo bí mật quân sự là đúng, nhưng phải đắp con đường khác cho nhân dân đi chứ. Có như vậy mới đúng là quân dân đoàn kết, Bác nói thế có đúng không?

Chúng tôi cùng trả lời:

- Thưa Bác, đúng ạ!

Vâng lời Bác, đơn vị đã tự phê bình trước nhân dân và cùng nhân dân đắp xong con đường mới sớm hơn thời gian dự định.

5. “ Nhân chi sơ, tính bản thiện”

Tại lớp nghiên cứu chính trị khoá II, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 8-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu chuyện rất đơn giản, câu chuyện Tam tự kinh, câu đầu tiên của Tam tự kinh là “Nhân chi sơ, tính bản thiện”.

Người giải thích:

“Nhân” nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.

“Thiện” nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

Trong xã hội cũng có Thiện và Ác.

Sau đó, Người cho rằng trong một nước, một người, trong thế giới đều có Thiện với Ác. Chính phủ nào, người nào lo phục vụ lợi ích của nhân dân là Thiện. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình không lo đến lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc là Ác. Người nhấn mạnh: Chí công, vô tư, cần kiệm, liêm chính là Thiện, quan liêu, mệnh lệnh, tham ô là Ác.

Bác mong rằng dù chúng ta có chịu ảnh hưởng của xã hội cũ, kẻ nhiều, người ít không tránh khỏi cái ác, nhưng cố gắng học tập, thì cái ác ngày càng bớt, cái thiện ngày càng tăng.

Trở lại câu đầu tiên của sách (Tam tự kinh):

Là “người mới sinh, tính vốn thiện” (nhân chi sơ, tính bản thiện). Sở dĩ trở nên ác là do tự mình không chịu học tập, rèn luyện, do bị ảnh hưởng xấu xa của xã hội, tiêm nhiễm của môi trường độc hại mà mình không “đề kháng” được...

Bản thân Bác đã nêu một tấm gương ngời sáng về Thiện và Bác hằng mong mỏi mọi người, tất cả con người trên quả đất này hãy cố gắng phát huy, giữ gìn cái Thiện vốn có của mình:

“Quan san muôn dặm một nhà

Bốn phương vô sản đều là anh em”.

Và đức Thiện nở rộ mãi mãi “như hoa mùa xuân”.

Giữ được Thiện, phát huy điều Thiện, dù từ việc nhỏ nhất, phải là sự dạy dỗ của bố mẹ, cô thầy, của ông bà... đối với con, cháu, học trò..., là sự chăm nom của toàn xã hội.

Thiện quả là khó, nhưng chắc không phải là điều không làm được.

Người người làm điều thiện.

Ngày ngày có điều thiện.

Ngành ngành giữ điều thiện.

6. “Một bữa ăn tối của Bác”

Tháng 4-1946, giữa lúc đất nước đang bề bộn công việc, thì Bác vẫn dành những thì giờ quý báu về Ninh Bình dàn xếp những vấn đề đối nội, đối ngoại có lợi cho quốc gia. Vào khoảng ngày 10 đến 12, Bác đi qua thị xã Ninh Bình để xuống Phát Diệm. Lúc đó tôi là Quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh. Một dịp may hiếm có được đón Bác về tỉnh, nghĩ vậy, tôi mời đồng chí ủy viên thư ký kiêm Phó Chủ tịch và Chánh Văn phòng đến hội ý. Hai đồng chí cũng cùng chung một ý nghĩ như tôi.

Tôi phân công đồng chí Phó Chủ tịch huy động nhân dân ra tập trung đón Bác, đồng chí Chánh Văn phòng chuẩn bị cơm mời Bác, còn tôi phụ trách việc dọn dẹp văn phòng, chuẩn bị chỗ nghỉ và chỗ ngủ cho Bác qua đêm.

Quả như tôi dự đoán, sáu giờ chiều thì xe Bác về đến phía Nam thị xã Ninh Bình. Nhân dân đã vẫy cờ, hô khẩu hiệu rồi ùa xuống lòng đường đón Bác. Bác ra khỏi xe vẫy chào nhân dân. Nhân lúc đó chúng tôi mời Bác vào trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh.

Trước sự nhiệt tình của nhân dân thị xã, không nỡ từ chối, Bác đã vào gặp Ủy ban Hành chính tỉnh Ninh Bình.

Đến cổng cơ quan, Bác bảo đồng chí lái xe dừng lại rồi xuống đi bộ. Vừa đi Bác vừa hỏi tình hình đời sống của nhân dân, đặc biệt đồng bào ở vùng công giáo. Chúng tôi báo cáo với Bác về những khó khăn trong tỉnh, một số nơi nông dân còn bị đói.

Bác căn dặn chúng tôi phải chú ý đoàn kết lương giáo, động viên bà con tích cực tăng gia sản xuất để chống đói, chú ý công tác diệt giặc dốt, mở nhiều lớp bình dân học vụ vào buổi trưa, buổi tối, vận động bà con đi học.

Chúng tôi mời Bác nghỉ lại cơ quan cho đỡ mệt rồi dùng bữa tối. Thực ra bữa cơm chúng tôi chuẩn bị cho Bác không có gì ngoài một con gà giò luộc, nước luộc gà nấu bí đao, vì lúc đó kinh phí của Ủy Ban hành chính tỉnh cũng hết sức khó khăn.

Bác nói:

- Hàng ngàn đồng bào đang chờ Bác ngoài kia, Bác không thể nghỉ ở đây để ăn cơm được vì 9 giờ tối Bác đã có việc ở Phủ Chủ tịch. Bây giờ các chú giúp Bác: một chú ra tập hợp đồng bào vào một ngã tư rộng gần đây để Bác ra nói chuyện với đồng bào mươi phút, một chú ra cửa hàng bánh mua cho Bác một cặp bánh giò. Còn các chú đi với Bác thì tranh thủ ăn cơm trước. Nói chuyện xong, Bác ngược Hà Nội ngay cho kịp hẹn. Trong xe Bác sẽ ăn bánh vừa đỡ tốn kém, vừa tiết kiệm được thời gian cho Bác.

Chúng tôi vâng lời Bác làm theo.

Nói chuyện với đồng bào Ninh Bình hôm đó, Bác nhấn mạnh:

- Đồng bào chú ý đoàn kết lương giáo vì âm mưu của kẻ thù luôn tìm cách chia rẽ đồng bào lương giáo.

- Đồng bào tích cực tăng gia sản xuất chống giặc đói, chống giặc dốt.

- Đồng bào chuẩn bị tinh thần chịu đựng gian khổ để chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.

Kết thúc, Bác hỏi:

- Đồng bào có đồng ý thực hiện ba điều tôi nêu ra không?

- Đồng ý! Đồng ý! Hồ Chủ tịch muôn năm.

Hàng ngàn nắm tay gân guốc giơ lên hưởng ứng. Tiếng hô và tiếng vỗ tay râm ran.

Bác vẫy tay chào đồng bào rồi lên xe về Hà Nội. Xe đi được một quãng Bác mới bắt đầu dùng “bữa ăn tối” của mình.

7. “Những lời Bác dạy đầu tiên”

Mùa thu năm 1946, tôi và ba đồng chí (Bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân và kỹ sư mỏ luyện kim Võ Đình Huỳnh) nữa được vinh dự theo Bác về nước trên chiếc tàu Đuymông Đuếcvin. Tàu này là một chiếc tầu chiến đã cũ, chạy lừ đừ chậm chạp. Lúc bấy giờ, tình hình ở trong nước đang căng thẳng ai nấy đều sốt ruột mong về sớm, nhưng giờ đây nghĩ lại, đối với chúng tôi, đó là một dịp may hiếm có để được kéo dài những ngày chung sống với Bác.

Trên chuyến xe lửa từ Pari đi Mácxây, Bác nói:

- Nước ta còn nghèo vì 80 năm bị đế quốc bóc lột, chiếm đóng. Đồng bào Nam Bộ giờ đây còn đổ máu. Chúng ta còn gian khổ chiến đấu nhiều chứ chưa được sung sướng ngay đâu. Các chú về nước chính là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào...

Lên tàu rồi, một hôm Bác dặn:

- Ở nhà không có gì đâu. Nước ta thiếu máy móc, nguyên liệu, thiếu cả thợ lành nghề, tiền của ta lại ít. Song nước ta giàu về rừng núi, sông biển, đồng bào ta giàu về quyết tâm, dũng cảm và sáng tạo. Các chú về phải chịu thương, chịu khó làm ăn, đưa những cái đã học ở nước ngoài về áp dụng thiết thực vào trong nước, giúp đỡ và hướng dẫn anh em trong nước cùng làm.

Tôi còn nhớ lúc đi tàu, thỉnh thoảng có những hôm tên đại tá chỉ huy tàu tổ chức tập trận giữa biển cả mênh mông, tiếng súng đại bác, súng máy các loại thi nhau gầm thét, khói mịt mù, nước biển tung toé ngoài khơi. Trong chúng tôi, thoạt tiên cũng có người hồi hộp, nhưng riêng Bác vẫn điềm nhiên, ung dung hút thuốc lá, đứng xem. Bác mỉm cười bảo chúng tôi:

- Đấy, người ta thử kiểm tra tinh thần của các chú. Các chú có sợ không?

Nhân đó, Bác chỉ cho chúng tôi thấy bọn đế quốc thường hay phô trương, khoe khoang về sức mạnh vật chất, còn nhân dân cách mạng tuy nghèo nhưng hàng triệu người đoàn kết thành một khối, có tinh thần dũng cảm và mưu trí, nhất định đánh bại được bọn chúng...

Tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tôi được Bác khen...

Vinh dự đó thuộc về anh em ngành quân giới, trong đó tôi nhờ sự chỉ bảo, dẫn dắt của Bác đã đóng góp một phần.

Những lời dạy của Bác như bức cẩm nang quyết định mọi thắng lợi trong công tác của tôi.

8. “Người công giáo ghi ơn Bác Hồ”

Ngày 12/6/1987, tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với Huế - Huế với Bác Hồ” do Thành ủy Huế tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày Bác Hồ về thăm Đồng Hới - Quảng Bình, lúc đó thuộc tỉnh Bình - Trị - Thiên, linh mục Nguyễn Văn Ngọc đã kể một kỷ niệm không bao giờ quên của đồng bào Công giáo xứ Huế về đức bác ái bao la của Bác Hồ:

Năm 1949, Việt Minh bao vây kinh tế thành phố Huế. Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, khi đó, đảm đương công việc ruộng đất của Nhà Chung tại giáo xứ Lương Văn, có trách nhiệm cung cấp lương thực để đài thọ cho 600 linh mục, chúng sinh dòng tu nam, nữ của thành phố. Trong điều kiện Huế bị bao vây, linh mục không có cách nào chở được số lúa gạo vào thành phố cho Nhà Chung ăn tiêu.

Linh mục rất lo lắng, đem chuyện này thưa lại với đồng chí Quế, lúc đó là cán bộ Việt Minh của mặt trận Thừa - Thiên - Huế, vẫn có liên lạc với giáo xứ Lương Văn. Sau một hồi suy nghĩ, đồng chí Quế khuyên linh mục Ngọc nên viết thư xin phép Bác Hồ, đồng chí sẽ cố gắng tìm cách chuyển giúp.

Không còn cách nào khác, linh mục Ngọc đánh bạo viết thư lên Cụ Chủ tịch, thực lòng cũng không dám hi vọng sẽ đến được với Bác Hồ trong hoàn cảnh chiến tranh, Người lại ở quá xa và bận rộn trăm công nghìn việc lớn lao của đất nước.

Thật bất ngờ, một tháng sau, đồng chí Quế chuyển đến cho linh mục Ngọc một cái thiếp có chữ ký và dấu của Cụ Chủ tịch. Nội dung gồm hai điểm:

1- Cho phép linh mục Nguyễn Văn Ngọc được phép chở 9000 thúng lúa lên thành phố Huế trong vòng một tháng để trợ cấp cho Nhà Chung.

2- Linh mục Ngọc được tự do đi lại trong tỉnh Thừa Thiên để coi sóc ruộng đất của Nhà Chung, tiếp tục trồng cấy, không được để ruộng đất bỏ hoang.

Nhờ có giấy phép đặc biệt của Bác Hồ, linh mục Ngọc đã hoàn thành được nhiệm vụ, chở được lương thực lên thành phố, cứu nguy cho hơn 600 con người đang trong cảnh nguy ngập. Ai cũng mừng rỡ và hết lòng ca tụng Bác Hồ, vị Chủ tịch có lòng bác ái mênh mông của Chúa, tất cả vì lợi ích và cuộc sống của con người, không phân biệt lương hay giáo. Bác Hồ đúng là hiện thân của chính sách đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết tôn giáo.

Để kỷ niệm và ghi ơn Bác Hồ, vị giám mục người Pháp địa phận Huế đã gửi tấm thiếp của Người về Pa-ri và hiện nay tấm thiếp đó vẫn đang được trang trọng lưu trữ tại Hội Thừa Sai Pa-ri.

9. “ Thư gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế”

Hỡi đồng bào yêu quý,

Vị chiến sĩ lão tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân vừa tạ thế.

Trước sự đau xót đó, Chính phủ ta đã ra lệnh làm Quốc tang.

Nhân dịp này, tôi có vài lời báo cáo cùng đồng bào.

Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.

Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.

Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

Đến nay nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập, Chính phủ ta mời cụ ra. Tuy đã hơn 7l tuổi, nhưng cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: ''Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc''.

Nay chẳng may cụ Huỳnh sớm tạ thế, trước khi được thấy kháng chiến thành công.

Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của cụ vẫn luôn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta.

Hỡi đồng bào yêu quý,

Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng. Nhưng chúng ta không nên thương tiếc bằng cách than khóc rầu rĩ. Chúng ta thương tiếc cụ bằng cách: càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến; bằng cách: theo gương dũng cảm, noi chí quật cường của cụ; bằng cách: hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời. Chúng ta phải đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng:

Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của cụ.

Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ.

Tinh thần kháng chiến của cụ Huỳnh sống mãi.

Việt Nam thống nhất và độc lập muôn năm!

10. Câu chuyện về 3 chiếc ba lô

Mặc dù luôn được đồng chí nhường những việc nhẹ, nhưng Bác không bao giờ nhận những đặc quyền ấy. Với Bác, công việc phải chia đều, chỉ có lao động thật sự mới mang lại hạnh phúc.

Trong những ngày sống ở Việt Bắc, mỗi lần Bác đi công tác đều có hai chiến sĩ đi cùng. Vì sợ Bác mệt nên hai chiến sĩ định mang hộ ba lô cho Bác. Nhưng Bác nói:

- Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt. Tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một ít, các chú à!

Khi mọi thứ đã được phân ra cho vào 3 chiếc ba lô rồi, Bác còn hỏi thêm:

- Các chú đã chia đều rồi chứ?

Hai chiến sĩ trả lời:

- Thưa Bác, rồi ạ!

Bác cháu lên đường. Qua một chặng, mọi người dừng chân. Bác đến chỗ chiến sĩ bên cạnh, xách chiếc ba lô lên.

- Tại sao ba lô của chú nặng mà Bác lại nhẹ?

Sau đó, Bác mở cả 3 chiếc ba lô ra xem thì thấy ba lô của Bác nhẹ nhất, chỉ có chăn, màn. Bác không đồng ý và nói:

- Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Hai chiến sĩ kia lại phải san đều các thứ vào 3 chiếc ba lô.

11. “Nướng sắn”

Ông cụ bóc vỏ được củ sắn nào lại đưa cho Bác và chúng tôi hơ nhựa, rồi vùi xuống tro nóng để nướng.

Nhìn Bác hơ củ sắn khô mà vẫn trắng, và khi vùi tro, sắn chín vàng rất đều, còn chúng tôi hơ củ nào cũng bị dính bụi củ ấy, ông cụ cười bảo:

- Các đồng chí phải học cái ké bộ đội này! Trông cầm củ sắn là biết người có quen núi hay không đấy!

Đang ăn, chợt ông cụ hỏi một câu rất đột ngột:

- Ké bộ đội à, thấy người ở núi Hồng qua đây, nó kể chuyện cụ Hồ, nghe họ nói thì cụ Hồ tốt lắm, giỏi lắm vớ! Có thật Cụ Hồ như vậy không?

Chúng tôi phải cố giữ vẻ mặt tự nhiên cho khỏi lộ. Bác vẫn nghe một cách chăm chú và trả lời:

- Tôi cũng nghe nói, chắc là có.

Ông cụ vẻ hả hê sung sướng, mắt sáng lên, tay đập vào vai Bác mà nói:

- Con tôi nó viết thư về, nó cũng bảo thế! Nhiều cái tôi còn tin còn nhiều cái tôi chưa tin!

Bác hỏi:

- Cụ chưa tin điều gì?

Ông cụ nuốt một miếng sắn, chiêu một ngụm nước chè rồi thẳng lưng, cất tiếng nói sang sảng rất cởi mở.

- Nói Cụ Hồ dạy dân phải đánh Nhật, đuổi Tây dân mới khỏi khổ, cái này tôi tin đấy! Nói Cụ Hồ bảo phải đoàn kết Kinh, Thổ, Mán, Mèo, Nùng lại mới đánh được Tây, đánh được cái tụi quan của nó, cái này tôi cũng tin đấy! Nói Cụ Hồ bảo phải làm ra nhiều gạo, nhiều ngô, sắn giúp bộ đội đánh Tây, tôi cũng tin đấy! Còn nói Cụ Hồ đi nhiều nước lắm – ông cụ ấy khoanh tay tròn trước mặt ra hiệu là nhiều, nhiều lắm, rồi tiếp – Tôi già thế này mà ra đến Bắc Kạn, về Thái Nguyên thôi! Con tôi nó giỏi hơn, nó đi theo bộ đội đi Nam tiến. Nam tiến xa hơn, nhưng cũng chỉ trong nước ta thôi! Thế Cụ Hồ là người, sao đi được nhiều thế? Cái này không tin đâu, người mình sao tài thế?

Nghe ông cụ nói, chúng tôi cố giữ nét mặt bình thản, nhưng cũng không nhịn được cười. May ông cụ vui chuyện, cười nói sang sảng, nên cũng tưởng chúng tôi vui chuyện hưởng ứng mà thôi.

Bác cũng cười vui vẻ và giải thích cho ông cụ hiểu thêm:

- Cụ Hồ cũng là người bình thường thôi, nhưng đi nhiều nơi, học được nhiều cái hay ở mỗi nơi một ít, rồi được nhân dân trong nước góp vào mỗi người một ý, lại cùng nhân dân thực hiện ý ấy, nên câu nói Cụ Hồ mới đúng và việc đánh giặc cứu nước, sản xuất, học tập mới thắng lợi được. Cụ với tôi già thế này có thấy ai là người trên trời rơi xuống đâu.

Nghe Bác nói, ông cụ gật gù khen phải. Lúc ấy có đồng chí đi với tôi, ngồi hơi nghiêng trước ánh lửa. Cụ già chợt nhìn thẳng vào hai mắt đồng chí ấy, thấy nổi lên hai đốm lửa trông như hai con ngươi, ông cụ reo lên:

- Ái dà, thấy rồi, biết rồi! Mắt Cụ Hồ là thế này đây!

Tôi giật mình, tưởng là ông cụ nhận ra Bác, nhưng nghe cụ giải thích, chúng tôi mới hiểu. Còn ông cụ tỏ vẻ sung sướng, lẩm bẩm trong miệng:

- Cụ Hồ là có thật rồi! Bây giờ thì tôi tin cả rồi!

Ông cụ gật gù nói tiếp:

- Nó đánh mình, nó giết mình, mình không đánh lại nó thì mình cũng chết. Đánh thì hả cái lòng mình chứ! Thấy thằng Tây có cái máy bay, cái súng lớn mà mình không có, nên lúc đầu cũng thấy sợ! Nhưng bây giờ biết có Cụ Hồ thật rồi, thì tin lắm! Nhất định mình thắng thôi!

Nói tới đây ông cụ bỗng im lặng, đăm đăm nhìn vào Bác và bảo:

- Cái mắt ké bộ đội này, cũng giống mắt Cụ Hồ, ké là người nhà Cụ Hồ phải không?

Bác và chúng tôi gật đầu cười vui vẻ.

Ông cụ cũng cười, tự mình trả lời:

- Các đồng chí là bộ đội Cụ Hồ, thì là người nhà Cụ Hồ hẳn rồi, với lại con tôi cũng là bộ đội Cụ Hồ. Tôi cũng là người nhà Cụ Hồ. Rồi ông cụ hỏi: “Bộ đội có ảnh Cụ Hồ không cho tôi xin một cái?”.

12. “Cách ứng đáp mẫn tiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Năm 1946 một nhà văn là uỷ viên thường trực Ban vận động Đời sống mới đến gặp Hồ Chủ tịch để xin ý kiến Người về nội dung cuộc vận động. Bác Hồ nói nên vận động nhân dân thực hiện mấy chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

- Thưa cụ, mấy chữ ấy rất hay nhưng nghe có vẻ cổ. Cụ có thể thay bằng mấy chữ khác không ạ?

- Thế cơm ông cha ta đã từng ăn hàng ngàn năm trước, hiện nay chú và tôi hằng ngày vẫn ăn, chú thấy có cổ không? Không khí ông cha ta đã từng hít thở, ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục hít thở, chú thấy có cổ không?

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mấy chục vạn quân Tưởng kéo vào tìm cách khiêu khích để lấy cớ tiêu diệt cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã triệu tập các vị lãnh đạo cao cấp để xử lý một vấn đề “hệ trọng”, Bác nói:

- Tướng T. V, của quân đội Trung Hoa dân quốc có gửi cho tôi một bức công văn, nội dung như sau:

“Kính thưa Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,

Yêu cầu Cụ cho mượn một cái nồi nấu cơm''.

Không cần phải nói ai nấy đều có thể hình dung không khí tức giận bao trùm lên cuộc họp. Có những ý kiến đòi đánh.

Với phong thái bình tĩnh, ung dung, Bác Hồ nói: “Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không?

Còn trong sự việc vừa đem ra bàn, họ mượn nồi nấu cơm thì ta cho họ mượn, việc gì các chú phải nổi nóng như vậy?”

Khoảng giữa năm 1949, một nhà báo Thái Lan trực tiếp phỏng vấn Hồ Chủ tịch để thăm dò xem Việt Nam đứng về phía nào trong cuộc chiến Quốc - Cộng ở Trung Quốc.

.- Thưa Cụ Chủ tịch, nước Việt Nam của Cụ đứng về phía ông Tưởng hay ông Mao? Xin Cụ miễn cho câu trả lời đứng trung lập.

- Chúng tôi đứng trung lập. Cũng như Thái Lan của ông đang đứng trung lập giữa Anh và Mỹ!

- Nghe nói quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã gửi cho Cụ súng cối và súng liên thanh. Cụ đã nhận được chưa, nếu chưa thì Cụ có định nhận không?

- Chúng tôi chưa nhận được gì hết. Còn đúng như ông nói là họ có ý định gửi cho chúng tôi thì trong trường hợp này, ông khuyên chúng tôi nên làm như thế nào?

Ngày 5-10-1959, ông Sira Isi Bôn, cố vấn biên tập báo Axahisinbun Nhật Bản phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều vấn đề, trong đó có việc Chính phủ Nhật Bản dự định bồi thường chiến tranh mà phía Nhật Bản lại chọn Việt Nam lúc đó do nguỵ quyền Sài Gòn kiểm soát làm đối tác. Câu hỏi và trả lời như sau:

Hỏi: Việc đàm phán về vấn đề bồi thường chiến tranh đã được tiến hành giữa Chính phủ Nhật Bản và Nam Việt Nam. Ngay ở Nhật Bản cũng có người chỉ trích việc đàm phán này và tin tức cho biết là nước Ngài không hài lòng.

Theo ý Ngài, nhân dân Nhật Bản cần được hiểu vấn đề này như thế nào? Theo ý Ngài, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào mới đúng?

Trả lời: Trong cuộc Đại chiến lần thứ hai, quân phiệt Nhật Bản đã xâm chiếm nước Việt Nam và gây ra nhiều tổn thất cho nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam.

Toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền đòi Chính phủ Nhật Bản bồi thường những thiệt hại đó. Nhưng hiện nay Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành đàm phán và ký kết bồi thường chiến tranh với chính quyền miền Nam Việt Nam là không hợp pháp.

Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thấy rằng, việc đòi Nhật Bản bồi thường sẽ là một gánh nặng cho nhân dân Nhật Bản.

Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt - Nhật đấu tranh chống chiến tranh và bảo vệ hoà bình là quý hơn hết.

Theo Tài liệu dùng cho sinh hoạt chi bộ, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội năm 2020

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: