Chủ nhật, ngày 24/11/2024

50 năm Hải Dương thực hiện Di chúc của Bác. Bài cuối: Đời sống văn hóa ngày càng khởi sắc

Thứ Ba 03/09/2019 09:07

Xem với cỡ chữ
Thực hiện Kế hoạch số 149-KH/TU, ngày 09/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hải Dương trân trọng gửi tới các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết tuyên truyền của Baohaiduong.vn

 

Người dân thôn Phượng Hoàng tập thể dục ở sân nhà văn hóa

 

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Suốt 50 năm qua, tỉnh ta đã không ngừng phấn đấu để hoàn thành tâm nguyện của Người.

Đảng quan tâm lãnh đạo 


Không phải ngẫu nhiên, Bác lại đặt mục tiêu phát triển văn hóa ngang bằng với các lĩnh vực khác. Trước đây, Người đã chỉ rõ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” và đòi hỏi trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cần chú ý, coi trọng ngang nhau là chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Trong đó, Người yêu cầu: “Văn hóa phải thiết thực, phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng”.

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tập trung thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Tỉnh ủy đã có Chương trình hành động số 62-CTr/TU ngày 24.7.2014 để triển khai nghị quyết này. Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết 33-NQ/TW như tăng cường xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa... Phương thức lãnh đạo của Đảng với lĩnh vực văn hóa có đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa ngày một nâng cao. Việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa được quan tâm. Các địa phương đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho văn hóa.

Tỉnh ta luôn quan tâm thực hiện tốt các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa". Đến nay, toàn tỉnh có 495.523 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 88,6%); 1.330 làng, khu dân cư văn hóa (đạt 93,4%); 1.509 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa (đạt 81,6%).

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh từng bước đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân. Cấp tỉnh hiện có 6 đơn vị là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Nhà Triển lãm, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Thư viện, Bảo tàng và Nhà hát Chèo Hải Dương có nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ nhân dân trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Tính đến năm 2018, đã có hơn 1,4 triệu người được tiếp cận với hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng; khoảng 250.000 người được tiếp cận với hoạt động tuyên truyền lưu động.

Hiện nay, tất cả 12 huyện, thành phố trong tỉnh có Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao; khoảng 240 nhà văn hóa cấp xã, 1.500 nhà văn hóa cấp thôn, 1.360 phòng đọc sách cấp cơ sở và hơn 200 điểm vui chơi cho trẻ em. Hiện tượng tổ chức ăn uống linh đình, hủ tục trong các đám cưới, đám tang giảm rõ rệt. Nhiều gương người tốt việc tốt trên các lĩnh vực được biểu dương, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị. Hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh ngày càng phát triển với nhiều phương tiện như báo điện tử, truyền hình, phát thanh, báo in… đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải các giá trị văn hóa đến với công chúng.


Nhân dân hưởng lợi 


Các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Di chúc của Bác Hồ đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao... ngày càng sôi nổi, thiết thực. Nhiều gia đình có điều kiện hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, bổ ích như đi du lịch, đến rạp xem phim, xem chương trình biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng... Hầu hết các hộ dân đều đã có phương tiện nghe nhìn.

Điều đó được thể hiện rõ khi chúng tôi về thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng). Phượng Hoàng chính là ngôi làng mà năm 1962 khi về thăm Hải Dương (thời đó tên là Nga Hoàng), Bác Hồ đã khen ngợi về phong trào đào đất, đắp đê làm thủy lợi. Thôn đã khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân vận động, thư viện làng... để phục vụ nhân dân. Các phong trào thể dục thể thao ngày càng sôi nổi. Ngày nào cũng có hàng trăm hội viên các câu lạc bộ (CLB) bóng chuyền hơi, CLB dân vũ của Hội Phụ nữ, CLB dưỡng sinh của Hội Người cao tuổi, CLB bóng đá của thanh niên... vui chơi, tập luyện. Theo ông Nguyễn Danh Lộc, Bí thư Chi bộ thôn, để làm được điều này nhờ sự ủng hộ của người dân. Nhớ lời Bác dặn, làm sao để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho nhân dân nên cán bộ thôn tích cực vận động bà con tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Xã Hồng Thái cũng là mô hình điểm của Ninh Giang về thực hiện tốt phong trào văn hóa, thể thao. Đây cũng là nơi được Bác Hồ về thăm ngày 15.2.1965. Năm 2014, xã đạt chuẩn nông thôn mới, là mốc quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Đến nay, các thôn đều đã có đầy đủ các thiết chế văn hóa và sử dụng hiệu quả. Các CLB bóng chuyền hơi, bóng đá, đội văn nghệ… ở các thôn hoạt động tích cực. Riêng thôn An Rặc, nơi Bác trực tiếp đến thăm còn được xem là “cái nôi” văn nghệ của toàn xã, nuôi dưỡng nhiều nhân tố xuất sắc về kịch, chèo… Khi địa phương phát động các cuộc thi văn nghệ, thể thao, người dân đều tích cực tham gia.

Theo Baohaiduong.vn