Tròn 60 năm trước, cũng vào mùa xuân năm Kỷ Hợi, ngày 1.4.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm tỉnh Hải Dương. Thực hiện lời dạy của Người, Hải Dương đã vươn lên trở thành một tỉnh phát triển toàn diện.
Bộ mặt nông thôn mới ở xã Nam Chính (Nam Sách), nơi Bác Hồ đã về thăm
Những ân tình của Người
Ngày 1.4.1959 (24 tháng 2 Kỷ Hợi), Bác Hồ về thăm Hải Dương. Bác đã căn dặn Tỉnh uỷ, đại diện cán bộ, đảng viên, nhân dân nhiều nhiệm vụ, công việc quan trọng. Theo cuốn sách "Bác Hồ với Hải Dương - Hải Dương với Bác Hồ", tại trụ sở làm việc của Tỉnh uỷ, tuy thời gian ngắn nhưng Bác đã nói chuyện thân mật với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh, đại diện các ban, ngành của tỉnh. Bác khen ngợi những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã đạt được, nhất là phong trào đổi công HTX, phong trào sản xuất nông nghiệp. Bác nhắc nhở một số công việc sản xuất trong vụ đông như cần bón thêm phân và ra sức chống hạn; tổ chức thực hiện kế hoạch Nhà nước giao, củng cố các tổ chức cho vững mạnh và các nhiệm vụ của tỉnh phải thực hiện trong thời gian tới…
Trước đó, ngày 4.3.1959, trong chuyến thăm hữu nghị tới Indonesia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng nhân dân TP Solo (nay là TP Surakarta, Indonesia) lá cờ của tỉnh Hải Dương đề chữ "Tình hữu nghị giữa nhân dân Indonesia và nhân dân Việt Nam muôn năm". Trong buổi lễ trao tặng cờ, Bác đã giới thiệu thành tích kháng chiến của tỉnh Hải Dương.
Phấn khởi trước những ân tình Bác dành cho Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh, ngay đầu năm Kỷ Hợi 1959, Tỉnh ủy đã phát động một đợt thi đua ngắn từ ngày 7 - 25.3.1959 để thực hiện kế hoạch sản xuất đông - xuân; cụ thể là tập trung lực lượng chống hạn, đẩy mạnh phong trào đổi công hợp tác hóa theo lời Bác dặn. Với quyết tâm cao, đến hết năm 1960, toàn tỉnh đã đạt thành tích lớn nhất so với trước đó về khối lượng đào đắp các công trình thủy lợi với trên 19 triệum3 đất và huy động được trên 10 vạn người tham gia. Nhờ thủy lợi phát triển, toàn tỉnh đã khôi phục được hơn 7.740 mẫu ruộng bỏ hoang nhiều năm do không có nước tưới; đưa trên 70% diện tích cấy lúa 1 vụ thành cấy 2 vụ; bảo đảm 95% diện tích mỗi vụ trong toàn tỉnh có nước tưới, đưa sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp toàn tỉnh phát triển lên một bước mới. Giá trị công nghiệp địa phương năm 1960 bằng cả hai năm 1958 và 1959 cộng lại; sản xuất thủ công nghiệp năm 1960 vượt 24% so với kế hoạch Nhà nước giao.
Nhớ về 60 năm trước, cụ Nguyễn Văn Tam (80tuổi) ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) không quên thời kỳ đói nghèo tăm tối. Cụ bảo nhờ tích cực làm thủy lợi, cấy lúa 2 vụ, mở rộng chăn nuôi, nhiều gia đình đủ ăn rồi dần khấm khá. Năm cụ Tam khoảng 30 tuổi, ở Ứng Hòe có người đã được gặp Bác Hồ báo cáo về kết quả cấy lúa xuân của HTX Đại Xuân. Vụ chiêm xuân năm 1968, được Bác động viên mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa xuân, HTX Đại Xuân quê cụ đã gieo cấy 100% diện tích vụ chiêm là lúa xuân mới. Sản xuất thắng lợi, HTX Đại Xuân trở thành đơn vị lá cờ đầu toàn miền Bắc. 60năm qua đi, giờ xóm làng chẳng còn nhà ai thiếu ăn, thiếu mặc. Ngày càng nhiều nhà cao tầng to đẹp mọc lên ở khắp các thôn xóm. Đường đô thị, đường nông thôn đều thênh thang sạch đẹp, xe ô tô tới khắp các ngõ xóm, thẳng ra cánh đồng.
Cổ vũ nhân dân làm theo lời Bác
Nhớ những lời dạy của Người, Tỉnh ủy Hải Dương luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, không ngừng cổ vũ nhân dân thi đua phát triển kinh tế. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ IV (vòng 2) tháng 3.1961 tiếp tục xác định: "Hải Dương là một tỉnh nông nghiệp, chúng ta phải lấy phát triển nông nghiệp làm trọng tâm". Với quyết tâm đó, chỉ trong 2 năm 1961-1962, toàn tỉnh đã có thêm gần 9.000 hộ vào HTX nông nghiệp, đưa tỷ lệ nông dân vào HTX lên tới 96,2%. Chế độ giao khoán được mở rộng với hơn 600 HTX thực hiện "3 khoán": khoán sản lượng, khoán ngày công và khoán chi phí sản xuất.
Vụ đông xuân 1969-1970, học tập phong cách gần dân, sát dân của Bác, Tỉnh ủy mở Cuộc vận động "Chuyển mạnh xuống cơ sở, đi sâu vào sản xuất"; phát động phong trào thi đua "ngày làm thêm giờ, đêm làm thêm việc"... Cán bộ, bộ đội, giáo viên, học sinh tham gia cùng nhân dân làm thủy lợi, lấy bùn, cày ải, củng cố các tuyến đê, kè, cống... Đối với cây lương thực chủ yếu là cây lúa, Tỉnh ủy chỉ đạo không ngừng nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Năm 1971, toàn tỉnh mới có 20.000 ha được làm đất bằng cơ giới, đến năm 1974 đã tăng lên hơn 43.000 ha...
Nhớ lời Bác dặn, Hải Dương đã không ngừng vươn lên. Nhiều làng quê giờ đẹp như trong tranh nhờ xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống của nhân dân ngày một ấm no. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong thời kỳ 1997 - 2016 của tỉnh đạt 9,3%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,1%, là năm tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu đồng, đứng thứ13 trong các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau mùa xuân năm Kỷ Hợi, Hải Dương vinh dự được đón Bác về thăm 2 lần nữa. Làm theo lời Bác, Hải Dương đã đổi thay từng ngày, từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh phát triển toàn diện của cả nước.