Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế

Thứ Ba 21/04/2020 10:12

Xem với cỡ chữ
Từ “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của V.I.Lênin, Đảng ta không chỉ tìm tòi, vận dụng sáng tạo, mà còn phát triển, mở rộng lên một tầm cao mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gần 35 năm qua.

 

Tượng đài Lenin tại Thủ đô Hà Nội

Chính sách kinh tế mới (NEP) khắc phục những sai lầm của Chính sách cộng sản thời chiến

Nước Nga trong những năm 1917 - 1921 thực hiện“Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến” với cơ sở nền kinh tế phi hàng hóa, phân phối sản phẩm trực tiếp, đã tiến hành quốc hữu hóa công nghiệp, thương nghiệp, trưng thu lương thực thừa của nông dân, đình chỉ tự do buôn bán và trao đổi sản phẩm ở địa phương… Chính sách cộng sản thời chiến đã bộc lộ những sai lầm tạo ra tình trạng khủng hoảng vô cùng trầm trọng, dẫn đến tình hình cực kỳ nguy hiểm cho nước Nga Xô Viết, làm cho quần chúng lao động, nhất là công nhân và nông dân thất vọng. Với tinh thần phê phán nghiêm khắc đối với bệnh giáo điều, xa rời tình hình cụ thể của nước Nga, V.I.Lênin đã chỉ ra chính sách kinh tế mới (NEP), với 3 nội dung cụ thể: (1) Tăng cường cơ sở kinh tế của liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân, kiến lập mối quan hệ đúng đắn giữa công nghiệp xã hội chủ nghĩa với kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ của nông dân thông qua việc sử dụng rộng rãi quan hệ hàng hóa - tiền tệ dưới sự kiểm soát của Nhà nước nhằm phát triển lực lượng sản xuất, cho phép phát triển và hướng kinh tế tư bản vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước khi những đỉnh cao của nền kinh tế vẫn nằm trong tay nhà nước để phát triển công nghiệp lớn. (2) Khẳng định, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có thể chia thành nhiều bước quá độ, có thể quá độ trực tiếp chuyển sang quá độ gián tiếp, có thể từ đường thẳng chuyển sang đường vòng; kiên nhẫn áp dụng những giải pháp quá độ, trung gian, từ từ, hết sức thận trọng, nếu cần có thể thử nghiệm. (3) Các dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội mà không phải là nước tư bản phát triển cao thì phải thừa nhận nền kinh tế hàng hóa, thừa nhận quy luật giá trị, nhiều thành phần của nền kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, phân phối, áp dụng cơ chế hạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh, sử dụng các đòn bẩy kinh tế như kích thích lợi ích vật chất, thưởng, phạt, khoán, thuế… giải quyết đúng đắn các quan hệ hàng - tiền, cung - cầu, kế hoạch - thị trường…Phải thỏa hiệp với tiểu nông, vận dụng đúng đắn chế độ hợp tác, mạnh dạn sử dụng tri thức và chuyên gia tư sản, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đây là vấn đề mà Mác và Ăngghen trước kia hoàn toàn chưa đặt ra.

V.I.Lênin đã nêu lên vị trí, vai trò của Chủ nghĩa tư bản nhà nước trong Chính sách kinh tế mới (NEP) đó là: Chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là “phòng chờ”, “nấc thang” đi tới chủ nghĩa xã hội; là quá trình tập trung hoá và xã hội hoá lực lượng sản xuất một cách tất yếu, khách quan, gắn liền với các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại, quá trình thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước phải nghiêm túc, có nguyên tắc, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của lực lượng sản xuất toàn xã hội. V.I.Lênin khẳng định, sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước là tất yếu, hợp quy luật, sinh ra từ chính nhu cầu nội tại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là kết quả của các quan hệ thị trường, thiết lập liên minh kinh tế. Để Nhà nước vô sản có vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức và quản lý cao cấp, có các quan hệ kinh tế xã hội hoá, theo Lênin, chỉ có thông qua quan hệ hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa và công ty mới hoàn thành được nhiệm vụ thời đại.

Với “Chính sách kinh tế mới”, V.I.Lênin không chỉ thuần túy đem chính sách thuế lương thực thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến, dùng lợi ích kinh tế, vật chất như một đòn bẩy, tạo động lực làm nảy sinh tính tích cực lao động của công nhân, nông dân và mọi người lao động nói chung trong buổi đầu xây dựng nhà nước.

Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế

Những tư tưởng của V.I.Lênin về “Chính sách kinh tế mới” đã soi sáng nhận thức, tư duy của Đảng và nhân dân ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà trọng tâm là đường lối phát triển kinh tế của đất nước; khẳng định tính tất yếu phải phát triển kinh tế nhiều thành phần, về việc áp dụng chính sách thuế lương thực thay cho chính sách cộng sản thời chiến, về luân chuyển cán bộ từ trung ương về địa phương, về thực hiện các hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước; đó là tô nhượng và hợp tác xã, về việc coi trọng người nông dân và phát triển kinh tế nông thôn, về phát triển kinh tế tri thức. 

Với tư duy đổi mới, khởi xướng và lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước, qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định nền kinh tế nước ta có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, cũng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thương quốc tế. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt về nhận thức nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ là một nền kinh tế nhiều thành phần, đã được khẳng định từ Đại hội VI của Đảng và tư tưởng này được các đại hội từ Đại hội VII đến nay kế thừa và đặc biệt gần đây nhất là các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung và hoàn thiện với nhiều nội dung, biện pháp, chính sách mới. Không những thế, tư tưởng của NEP còn được Đảng ta phát triển, mở rộng ở tầm cao mới, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Như vậy, từ “Chính sách kinh tế mới” của V.I.Lênin, Đảng ta không chỉ tìm tòi, vận dụng sáng tạo, mà còn phát triển, mở rộng lên một tầm cao mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gần 35 năm qua.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang được triển khai mạnh trên toàn thế giới; sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta muốn tiếp tục đạt được những thành tựu vĩ đại, đòi hỏi các cấp, các ngành và nhân dân phải sáng tạo, vượt qua những khái niệm giáo điều, những thói quen xơ cứng, tìm tòi những biện pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể đất nước, không rập khuôn, máy móc, bảo thủ, trì trệ, luôn đề cao tính cầu thị, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, không ngừng vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp tư tưởng của V.I.Lênin vào thực tiễn với một số giải pháp, đó là: Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc biệt là cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, quan tâm nhiều hơn tới sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và phải quyết liệt cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; quan tâm đầu tư hỗ trợ cho các chương trình đào tạo khởi nghiệp ở mọi cấp, mọi ngành; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, quan tâm chăm lo hơn nữa tới đời sống của nông dân.

Tại Hải Dương, các khâu đột phá chiến lược tiếp tục được coi trọng; cơ cấu lại kinh tế được chú trọng thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Hải Dương đã ban hành, tổ chức thực hiện một số đề án, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hoàn thiện quy định về quản lý giá, định mức kinh tế, kỹ thuật các dịch vụ công… đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế theo nguyên tắc thị trường, tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính có nhiều đổi mới, sâu sát, quyết liệt. Cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng cao. Hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn như: đường giao thông, công trình cấp nước sạch... được cải thiện rõ nét. Hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị, nhất là tại thành phố Hải Dương, Chí Linh và Kinh Môn được đầu tư nâng cấp, tạo được nét khởi sắc mới. Hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư hoàn thiện về cơ bản, các công trình phục vụ các khu công nghiệp như: điện, cấp nước... được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuân lợi thu hút các nhà đầu tư. Một số công trình giao thông kết nối với các tỉnh trong Vùng được quan tâm triển khai thực hiện (đoạn tuyến kết nối thị xã Đông Triều với huyện Kinh Môn đến QL5, Đường nối đường tỉnh 398B (tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 345 (tỉnh Quảng Ninh); Dự án xây dựng Cầu Dinh kết nối QL17B, đường tỉnh 389 (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 352 (huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng): Dự án xây dựng Cầu Quang Thanh kết nối đường tỉnh 390 (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 360 (huyện An Lão, thành phố Hải Phòng): Dự án kết nối đường trục trung tâm đô thị Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đến QL38). Các công trình, dự án trọng điểm được tập trung đầu tư tạo động lực mới cho phát triển. Dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam tỉnh Hải Dương: Đã hoàn thành giai đoạn 1. Chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng hạng mục Trung tâm văn hóa xứ Đông và Quảng trường; đang triển khai thực hiện Khu dịch vụ (khách sạn 5 sao). Dự án phát triển khu du lịch, dịch vụ sinh thái và nghỉ dưỡng quy mô 300 ha tại khu vực di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu văn hóa - thể thao tỉnh Hải Dương và Trung tâm huấn luyện bóng bàn đã được phê duyệt danh mục đầu tư, đang tiến hành thu hút, lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã đầu tư hoàn thành một số công trình quan trọng như: đường 62 m kéo dài đến nút giao Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường dẫn phía Bắc Cầu Hàn… Công tác quản lý, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn được tăng cường. Các hệ thống hạ tầng thiết yếu (nước sạch, điện sinh hoạt, giao thông đô thị, nông thôn...) được quan tâm đầu tư thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Cơ cấu kinh tế ngành được tập trung chuyển dịch theo hướng tích cực, trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế và dịch vụ; năm 2020 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 91,7% GRDP (đầu nhiệm kỳ chiếm 78%). Cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp (chiếm 75% so với 64,9% vào đầu nhiệm kỳ); nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng từ 80,6% (năm 2015) lên 89,4% (năm 2020), đặc biệt, khu vực FDI tăng mạnh từ 18,7% lên 29,4% trong tổng vốn đầu tư xã hội. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng từ 80,6% (năm 2015) lên 89,4% (năm 2020), đặc biệt, đầu tư từ khu vực FDI tăng mạnh (từ 18,7% lên 29,4%) trong tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc bố trí vốn đầu tư cho các ngành, lĩnh vực được chú trọng ưu tiên cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, phát triển các lĩnh vực có lợi thế, đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao và các lĩnh vực dịch vụ có lợi thế. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư được tăng cường, từng bước hoàn thiện các quy định trong quản lý đầu tư.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được cơ cấu lại, giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành cổ phần hóa 03 doanh nghiệp và chuyển đổi 03 đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Sau cổ phần hóa, về cơ bản các doanh nghiệp hoạt động ổn định, một số doanh nghiệp đã đổi mới mô hình quản trị nội bộ, phát triển thị trường và có bước phát triển bền vững.

Kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I.Lênin (Vladimir Ilych Lenin - 22/4/1870) tiếp tục khẳng định những tư tưởng, lý luận quý báu của Người đã, đang được Đảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã đánh giá: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sỹ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.

BT - Văn phòng Tỉnh ủy