Chủ nhật, ngày 24/11/2024

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Thứ Hai 30/03/2020 15:01

Xem với cỡ chữ
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm (tại Đền Hùng, xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ). Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Ảnh Đền Hùng (Internet)

Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Hằng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ, là hàng triệu người con mang dòng máu Việt cùng nhau hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính.

Ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL – CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946), năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin – thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên đường về tiếp quản thủ đô, Bác Hồ vượt rừng núi từ Đại Từ (Thái Nguyên) qua Đoan Hùng thăm bộ đội tình nguyện Việt Nam vừa mới ở Lào về đóng tại chân đồi Chân Mộng - Phù Ninh. Khi đến thị xã Phú Thọ, Bác dừng lại nói chuyện với một số đồng chí thương binh rồi vào thăm cán bộ nhân viên Tỉnh ủy Phú Thọ.

 

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Giếng ngày 19/9/1954.

Ngay tối hôm đó (18/9/1954), Bác Hồ nghỉ lại ở Đền Giếng. Đền Giếng tọa lạc ở chân núi Hùng, phía sau lưng và hai bên đều dựa vào thế núi cao. Do thế đất kéo dài thành như cái ngai, phía trước là ao sen nước trong vắt chảy thông ra ruộng lúa, trải dài đến tận chân đồi. Ngày hôm sau (19/9/1954), sau khi thăm các nơi trong Đền Hùng, Người đã dành thời gian nói chuyện và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong: 

 “Các Vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

Câu nói của Bác, không chỉ là lời nhắc nhở mà là còn nói lên sự biết ơn các vị tiền nhân và tổng kết thực tiễn quy luật tồn tại, phát triển của lịch sử dân tộc, đất nước Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Lần thứ hai, vào ngày 19/8/1962, Bác thắp hương Đền Thượng và thăm mộ Tổ. Khi Người đến Đền Hạ, các đồng chí bảo vệ sợ Bác mệt, đề nghị Bác dừng chân và mời xuống núi để nghỉ nhưng Người nói: “Leo núi phải leo đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng. Đã đi phải tới đích”. Khi Bác Hồ đến Đền Trung, lên Đền Thượng khoảng 11 giờ; Người cùng đoàn nghỉ trưa, ăn cơm nắm với dưa cà ở ngách cửa đông - nam Đền Thượng. Nơi đây còn gọi là “Kính Thiên linh điện” là chỗ Vua Hùng tế trời, cầu cho quốc thái, dân an. Trước khi ra về, Người căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ “Phải trồng thêm hoa, cây cảnh để Đền Hùng trở thành công viên lịch sử quốc gia”… Bác Hồ dành tình cảm đối với nguồn cội lịch sử dân tộc luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Người.
 

Ảnh Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ tại Đền Hùng

Năm 2020, kỷ niệm 74 năm ngày Chính quyền cách mạng tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương (1946 - 2016); năm đất nước và tỉnh  Hải Dương có nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, sự kiện chính trị trọng đại; là năm tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với tất cả lòng kính yêu và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể Nhân dân cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Đây cũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, của mỗi người dân chúng ta.

BT - Văn phòng Tỉnh ủy