Thứ ba, ngày 30/4/2024

Câu chuyện tháng 1: Gốc có vững cây mới bền

Thứ Ba 19/03/2019 19:33

Xem với cỡ chữ
"Gốc có vững, cây mới bền - Xây lầu thắng lợi, trên nền nhân dân".

 

Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến việc làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm cho Nhà nước ta thực sự trở thành nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chưa đầy một tháng sau khi Đảng ta giành chính quyền, với nhạy cảm chính trị của một lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ đã sớm nhìn thấy những biểu hiện tiêu cực trong bộ máy Nhà nước, mà biểu hiện nghiêm trọng nhất là bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng.

Ngày 17/9/1945, chỉ hai tuần sau ngày tuyên bố độc lập, trong thư "Gửi các đồng chí tỉnh nhà", Bác vạch rõ những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong cơ quan Đảng và Nhà nước: " kỷ luật không đủ nghiêm. Để cho bọn giả mạo tiếng Chính phủ hoặc tên Việt Minh ức hiếp dân, xoay tiền dân, lấy đồ đạc của dân, làm cho dân oán"; "…cán bộ ta có nhiều người "cúc cung tận tụy" hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan Cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là "dĩ công dinh tư", thậm chí dùng phép công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể". Người nhắn nhủ: " những khuyết điểm t rên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta không sợ có khuyết điểm. Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi ".

Thư trên, Bác gửi cho tỉnh nhà, nhưng những vấn đề Bác nêu ra trong thư không phải chỉ riêng ở Nghệ An mà thực sự đã trở thành vấn đề của các địa phương trong cả nước. Vì vậy, đúng một tháng sau, ngày 17/10/1945 Bác lại gửi một thư chung cho Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư Bác viết: "Nếu không có nhân dân, thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ và nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì".

Tiếp đó, lời Bác thiết tha, trọn tình, thấu lý: "Chính phủ đã hứa với dân sẽ cố gắng cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm: "Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật"; "Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta".

Tiếp đó, Bác vạch rõ những thiếu sót mà chỉ mới hơn một tháng nắm chính quyền, nhiều nơi nhiều cán bộ đã phạm phải trong đó có những thiếu sót nghiêm trọng như: " Cậy thế: Cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng, dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân"; "Hủ hóa: Ăn muốn cho ngon mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó, ai phải chịu?"; "Tư túng: Kéo bè, kéo cánh, bà con, bạn hữu mình, không tài năng gì cũng chức này, chức nọ. Người có tài, có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng, việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai…"; "Kiêu ngạo: Tưởng mình ở trong cơ quan của Chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "Quan cách mệnh" lên. Không biết thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ".

Cuối cùng, cũng như trong lá thư tháng trước gửi các đồng chí tỉnh nhà, Bác lại ân cần khuyên nhủ: " Ai đã phạm những lỗi lầm trên đây thì phải hết sức sửa chữa nếu không sửa chữa thì Chính phủ không khoan dung".

Và những dòng cuối thư càng thiết tha biết bao: " Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ "Công bình, chính trực" vào lòng".

Tư tưởng vì dân là một tư tưởng lớn của Bác, quán triệt trong toàn bộ lời nói và việc làm của Bác, trong cả cuộc đời hoạt động của Bác, là lý tưởng phấn đấu cao nhất của Bác.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10/01/1946, Bác nói:

"Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết có giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ.

Chúng ta phải thực hiện ngay: (1). Làm cho dân có ăn;(2). Làm cho dân có mặc; (3). Làm cho dân có chỗ ở".

Trong bài nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa 5 Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Bác căn dặn các học viên mới ra trường:

" Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá.

Lực lượng bao nhiêu là ở dân hết".

Lòng tin của Bác vào lực lượng vĩ đại của nhân dân là một lòng tin sắt đá, thể hiện trong hai câu thơ lục bát của Bác như là một chân lý vĩnh cửu:

"Gốc có vững, cây mới bền

Xây lầu thắng lợi, trên nền nhân dân".

(Tài liệu dùng cho sinh hoạt chi bộ, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội năm 2019)

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy