Thứ ba, ngày 30/4/2024

Chuyên đề quý IV/2018: Đẩy mạnh Học tập và làm theo phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Hai 05/11/2018 18:28

Xem với cỡ chữ
Từ Đại hội V tới nay, Đảng ta nhiều lần khẳng định nhiệm vụ xây dựng, đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay theo hướng thực sự dân chủ, kỷ cương, thiết thực, sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng, làm việc có chương trình, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, nói đi đôi với làm.

Năm 1982, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Đảng ta đã đặc biệt phê phán tệ quan liêu biểu hiện trên nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu là quan liêu trong việc đề ra chính sách, chế độ; quan liêu trong tổ chức bộ máy và trong phong cách làm việc của cán bộ; phê phán phong cách quản lý kinh tế theo lối quan liêu bao cấp, tệ quan liêu hành chính, thái độ cửa quyền và yêu cầu phải có trăm nghìn biện pháp để chống tệ quan liêu và bảo thủ. Đồng thời yêu cầu cán bộ, đảng viên phải sát cơ sở, sát quần chúng để chỉ đạo, nghiên cứu chính sách, chế độ, tạo điều kiện cho sáng kiến của quần chúng nảy nở, những nhân tố tích cực sớm được nâng lên. Lúc đó, Đảng cũng yêu cầu phải đổi mới phương pháp làm việc, xây dựng phong cách làm việc lêninnít. Đảng ta chỉ ra rằng, phương pháp và chế độ làm việc đúng là một yếu tố" đặc biệt, trọng yếu để đảm bảo tính chính xác của việc ra quyết định và biến nó thành hiện thực, đặc biệt nhấn mạnh đổi mới phương pháp chuẩn bị và ra các quyết định, tổ chức thực hiện các quyết định; không vì nể nang, e dè mà dung hòa ý kiến, ra quyết định nửa vời, thực hiện nghị quyết không thống nhất. Như vậy, trong điều kiện việc cụ thể hóa đường lối còn nhiều bất cập, càng cần đổi mới phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đi sâu vào thực tiễn, nhìn thẳng vào khó khăn, phát hiện những kinh nghiệm và cách làm mới, trên cơ sở đó đổi mới tư duy, đề ra chủ trương, chính sách phù hợp.

Từ Đại hội V tới nay, Đảng ta nhiều lần khẳng định nhiệm vụ xây dựng, đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay theo hướng thực sự dân chủ, kỷ cương, thiết thực, sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng, làm việc có chương trình, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, nói đi đôi với làm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục yêu cầu trong công tác xây dựng Đảng, đối với cán bộ, đảng viên phải xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm.

Triển khai Nghị quyết của Đại hội XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, chúng ta cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, quần chúng, khoa học, nêu gương cho cán bộ, đảng viên và phong cách dân chủ, quyết đoán, sâu sát, khéo dùng người, trọng dụng người tài, cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo cho người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.

Sau đây là một số giải pháp nhằm thực hiện tốt việc học tập và làm theo phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

I. Nội dung đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Tăng cường giáo dục, rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành

 Đưa nội dung giáo dục về xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện dành cho cán bộ, đảng viên và cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các ngành, trong đó chú ý trang bị hệ thống tri thức tổng hợp, phương pháp tư duy khoa học và năng lực tổ chức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

 Tăng cường việc giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; các tri thức khoa học và kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý hiện đại cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thông qua việc giáo dục, học tập nâng cao ý chí, nghị lực để giải quyết những vấn đề, những khó khăn, thử thách trong thực tế công tác; có khả năng đề kháng với những cái xấu, tiêu cực, tránh được sự cám dỗ quyền lực, đặc quyền, đặc lợi,...

Thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

2. Giữ vững các nguyên tắc “tập trung dân chủ” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”

Giữ vững nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong làm việc và tuân thủ nghiêm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong lãnh đạo, quản lý. Tăng cường phát huy dân chủ để khơi dậy tính sáng tạo, tập trung trí tuệ tập thể trong việc xây dựng, thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, người đứng đầu các cấp trong thực thi công vụ, trong đó, nêu rõ những yêu cầu về phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo.

3. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên

Đẩy nhanh việc xây dựng các quy định, quy chế, nội quy trong thực thi công vụ và thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, đối với cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu các cấp, các ngành, cần xây dựng quy định kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy cấp trên, quy định kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và của các đoàn thể, Nhân dân, kịp thời phát hiện, phê bình, uốn nắn sai phạm, khuyết điểm.

Thực hiện nghiêm Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 10-01-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.

4. Cụ thể hóa đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo

Cụ thể hóa những quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, kèm theo các yêu cầu bắt buộc, cùng các chế tài cụ thể để xử lý sai phạm. Các tiêu chí về đạo đức công vụ phải cụ thể, rõ ràng và khả thi, tức là có thể thực hiện theo; có thể kiểm tra, đánh giá; có thể theo dõi, giám sát. Ví dụ: xây dựng những quy định nhỏ về tôn trọng giờ giấc làm việc, hội họp; quy định về xưng hô với Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp - đối tượng được phục vụ; quy định về trang phục công sở... Trong các tiêu chí, cần đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ với Nhân dân trên cả hai phương diện: Nhân dân là đối tượng được phục vụ và Nhân dân là chủ thể giám sát, kiểm tra, theo dõi thực hành công vụ. Phải xác định rõ những nội dung nào cần phải công khai, minh bạch, đảm bảo yêu cầu phát huy dân chủ trong thực hành công vụ. Nhất thiết phải có những quy định về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu về cả tiền bạc, vật chất, thời gian.

Tinh thần, thái độ, sự tận tụy với công việc cần được lượng hóa thành các quy định cụ thể, ví dụ: không giới hạn thời gian tiếp Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trước khi hết giờ làm việc... Đi kèm theo các quy định cụ thể, cần có chế tài đối với các vi phạm quy định và xác định cơ quan có chức năng xử lý vi phạm.

Đồng thời, phải có những quy định để ràng buộc giữa lời nói và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm nói đi đôi với làm, nói thì phải làm và làm cho tốt. Nếu nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo thì người cán bộ, công chức, viên chức phải bị xử lý kỷ luật.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Các tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với việc xây dựng, thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu các cấp. Hồ Chí Minh đánh giá rất cao công tác kiểm tra, giám sát. Người thường xuyên nhắc nhở: Các cấp, các ngành nếu tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát cũng như “ngọn đèn pha”, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm chúng ta đều biết rõ. Có thể nói, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra, giám sát. Nếu tổ chức kiểm tra, giám sát chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm.

Kiểm tra, giám sát phải kết hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức kiểm tra, giám sát. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra: “Kiểm soát có hai cách: Một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó”. Vai trò kiểm tra, giám sát của Nhân dân thực hiện thông qua Quy chế dân chủ ở cơ sở với cơ chế: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhân dân thông qua các tổ chức của mình thực hiện kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân.

Thực hiện nghiêm Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03-10-2017 của Bộ Chính trị về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Sự tham gia tích cực, có hiệu quả của quần chúng nhân dân trong xây dựng Đảng, trong quá trình kiểm tra, thanh tra sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Trong nhiều trường hợp, do nhiều nguyên nhân, những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên, không bị lãnh đạo, hoặc cơ quan kiểm tra phát hiện, hoặc không phát hiện được kịp thời, nhưng không thể che giấu được trăm nghìn “tai mắt” của Nhân dân. Thực tế những năm qua, quần chúng nhân dân đã phát hiện nhiều trường hợp đảng viên vi phạm ở nhiều lĩnh vực như: phẩm chất đạo đức, lối sống, tham nhũng, vi phạm Luật đất đai, quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm...

II. Đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

1. Gợi ý thảo luận

- Phân tích tầm quan trọng của việc xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu?

- Để thực hiện tốt việc học tập và làm theo phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm gì?

2. Liên hệ làm theo

- Chi bộ vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương;

- Giữ vững nguyên tắc “Tập trung dân chủ” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên;

- Xây dựng quy định cụ thể về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm phát hiện những vi phạm của đảng viên về phẩm chất đạo đức, lối sống, tham nhũng, vi phạm Luật đất đai, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu…, đây cũng là nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Tài liệu dùng cho sinh hoạt chi bộ, MTTQ  và các đoàn thể chính trị - xã hội năm 2018