Thứ sáu, ngày 29/3/2024

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu tham dự Phiên thảo luận cấp cao Ðại hội đồng LHQ

Thứ Sáu 28/09/2018 17:40

Xem với cỡ chữ
Sáng 27-9, giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế tại thành phố Niu Oóc (Hoa Kỳ), bắt đầu chuyến tham dự Phiên thảo luận cấp cao Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 73. Tháp tùng Thủ tướng có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng một số thành viên khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp Hoa Kỳ về thu hút đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Ðón Thủ tướng và Ðoàn tại sân bay có Ðại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc; Ðại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Ðặng Ðình Quý; cùng cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ.

* Bên lề Phiên thảo luận cấp cao Ðại hội đồng LHQ, sáng 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Tọa đàm do Hội đồng kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) và Tập đoàn FPT đồng chủ trì với chủ đề "Thu hút đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0". Tham dự tọa đàm có đại diện nhiều tập đoàn lớn, trong đó có các tập đoàn nằm trong Top 500 Fortune của Hoa Kỳ như Walmart, Amazon, HSBC, Metlife, Medtronic, Gilead Sciences.

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khởi sắc, môi trường kinh doanh được cải thiện với gần 90 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập trong tám tháng đầu năm 2018, nhiều thủ tục kinh doanh được cắt giảm. Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 26 nghìn dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ USD, là cửa ngõ để tiếp cận thị trường chung ASEAN với dân số 650 triệu người, quy mô GDP hơn 2.500 tỷ USD. Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0" vừa được tổ chức ở Việt Nam được đánh giá là thành công nhất trong 27 năm Diễn đàn WEF được tổ chức tại khu vực ASEAN và Ðông Á. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế, hợp tác trong các ngành kỹ thuật cao; đánh giá cao vai trò quan trọng và đóng góp thiết thực của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng, hạ tầng, đô thị thông minh, giáo dục, đào tạo... và khẳng định cam kết của Việt Nam tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ, kinh doanh, đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là thị trường năng động với nhiều tiềm năng; hoan nghênh chính sách của Chính phủ trong việc kêu gọi đầu tư và bày tỏ quan tâm các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, năng lượng, dược phẩm, giao dịch điện tử, dịch vụ, khởi nghiệp… Các doanh nghiệp bày tỏ ấn tượng với thành công vừa qua của WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội và đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam coi trọng các chính sách kết nối doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0; cho rằng đây là lĩnh vực có thể mở rộng hợp tác với Việt Nam, nhất là kinh tế số, kết nối số, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với ông Ph.Phan-côn, Chủ tịch Quỹ đầu tư tài chính Harbinger và ông T.Ghết-nơ, nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus. Thủ tướng đánh giá cao Harbinger và Warburg Pincus, hai công ty đầu tư tài chính có tiềm lực lớn, đã mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhất là du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm. Ông Ph.Phan-côn và lãnh đạo Quỹ Warburg Pincus bày tỏ tin tưởng tiềm năng phát triển của Việt Nam, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, của Thủ tướng và khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong dài hạn.

* Sáng 27-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cô-oét An Xa-ba đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) bên lề Kỳ họp thứ 73 Ðại hội đồng LHQ, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện các nước ASEAN và GCC.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN - GCC năm 2018, nhận định hợp tác ASEAN - GCC đã đạt một số bước phát triển nhất định kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ vào năm 2009; tiềm năng hợp tác lớn giữa hai khu vực, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế như năng lượng, đầu tư, kết nối, cơ sở hạ tầng. Phó Thủ tướng khuyến khích hai bên tích cực trao đổi đề ra các bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ ASEAN - GCC đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa, mang lại lợi ích cho người dân hai khu vực.

Các Bộ trưởng ASEAN và GCC nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, trong đó có xây dựng Khuôn khổ Hợp tác 5 năm làm tài liệu định hướng cho các hoạt động hợp tác trong những lĩnh vực ưu tiên thuộc quan tâm chung như thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, năng lượng, du lịch, cơ sở hạ tầng, giáo dục, giao lưu nhân dân…

* Trước đó, ngày 26-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì cuộc gặp vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các nhà lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng và các đại sứ, đại diện các nước thành viên LHQ.

Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc ứng cử vào HÐBA thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, cũng như mong muốn của Việt Nam được đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Phó Thủ tướng khẳng định, nếu trúng cử, Việt Nam cam kết nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác nhằm phòng ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, bảo vệ dân thường trong xung đột và xử lý hậu quả chiến tranh, để xây dựng một nền hòa bình bền vững; đồng thời, tăng cường hợp tác giữa HÐBA với các tổ chức khu vực. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với sự ủng hộ của các nước, Việt Nam sẽ hoàn thành trọng trách của một thành viên HÐBA, đóng góp vào bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới...

Các nước bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực HÐBA và đóng góp tích cực vào các công việc chung của LHQ, cũng như của cộng đồng quốc tế.

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Ô-xtrây-li-a, U-crai-na, Xlô-va-ki-a, Xlô-vê-ni-a; tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao U-gan-đa và Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn các nước đã gửi lời chia buồn sâu sắc về việc Chủ tịch nước Trần Ðại Quang từ trần. Phó Thủ tướng khẳng định, với những thành tựu về đối ngoại và kết quả thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách Ủy viên không thường trực HÐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021; đề nghị các đối tác trong Liên hiệp châu Âu (EU) ủng hộ, thúc đẩy việc sớm ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tại các cuộc gặp, các nước đều đánh giá cao vai trò, vị trí và những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào các công việc chung của khu vực và cộng đồng quốc tế; khẳng định sẽ xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a M.Pây-nơ nhất trí tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao, trao đổi các biện pháp thúc đẩy kinh tế, thương mại giữa hai nước, trong đó có xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản; thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực. Ô-xtrây-li-a hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào lực lượng gìn giữ hòa bình, xây dựng chính phủ điện tử, tăng cường trao đổi, phối hợp tại các diễn đàn như ASEAN, APEC...

* Tại cuộc trao đổi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Xlô-va-ki-a M.Lai-xắc nhất trí rằng, hai nước tiếp tục các biện pháp duy trì và thúc đẩy hơn quan hệ truyền thống tốt đẹp. Phó Thủ tướng đề nghị Xlô-va-ki-a tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Xlô-va-ki-a và cộng đồng người Việt Nam sinh sống và kinh doanh ổn định, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Xlô-va-ki-a.

* Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Xlô-vê-ni-a Can Ơ-gia-vếch, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai nước tiến hành đàm phán, ký kết một số văn kiện hợp tác khung, trong đó có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và hiệp định công nhận bằng cấp, chứng chỉ tương đương; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, như vận tải biển, du lịch, dược phẩm, đồ gia dụng…

* Tại cuộc tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao U-gan-đa Hen-ri Ô-ri-em Ô-kê-lô, Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ U-gan-đa ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và U-gan-đa có nhu cầu, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại U-gan-đa. Hai bên nhất trí sớm đàm phán, ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ, tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương.

* Trong cuộc tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ G.Xu-li-van, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác trên các trụ cột kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật… Hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2020, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp và duy trì phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là sớm triển khai Dự án tẩy độc đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa.

* Ngày 26-9, tại trụ sở LHQ ở Niu Oóc, Ðại sứ Ðặng Ðình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ và Phó Tổng Thư ký LHQ A.Kha-rê đã ký Bản ghi nhớ về việc Việt Nam cử bệnh viện dã chiến tới Nam Xu-đăng. Thỏa thuận này thể hiện sự hợp tác hai bên giữa Việt Nam và LHQ trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình. Ðây là lần đầu Việt Nam cử quân y tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

* Bên lề kỳ họp Ðại hội đồng LHQ, đã diễn ra cuộc họp với chủ đề "Ðoàn kết để chấm dứt bệnh lao: Lời kêu gọi khẩn cấp toàn thế giới đối phó với một đại dịch toàn cầu". Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh cam kết của Việt Nam về thực hiện thành công Chương trình chấm dứt bệnh lao, tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung nhằm thực hiện mục tiêu "xóa sổ" bệnh lao vào năm 2030.

Theo Báo Nhân dân Điện tử

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: