Chiều 12-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc (Ảnh: Trần Hải)
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta đã ban hành chiến lược phát triển ngành ô-tô Việt Nam. Quan điểm cho rằng trong bối cảnh tự do hóa thương mại thì không cần sản xuất ô-tô trong nước, nhập khẩu toàn bộ là quan điểm sai lầm, nhất là khi chúng ta tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế. Đây là yêu cầu “3 trong 1”, là hướng hoàn thiện thể chế, nhất là chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ. Cần đổi mới tư duy về vấn đề này.
Đánh giá cao các doanh nghiệp sản xuất ô-tô lớn của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện, kể cả động cơ, các phụ tùng quan trọng nhất trong số khoảng 7.000 chi tiết tạo nên một chiếc ô-tô, để có giá trị gia tăng cao hơn. Trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh hợp tác để huy động nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất là hết sức cần thiết. Chính phủ ủng hộ sự tự lực của các doanh nghiệp. Việc hợp tác và phân công sản xuất rất quan trọng, “cái gì thì mình làm, cái gì anh khác làm có lợi hơn”, với tinh thần cùng thắng. Cần tập trung công tác đào tạo để “có nguồn nhân lực tuyệt vời, đội ngũ kỹ sư ô-tô dày dạn kinh nghiệm, hiểu biết, thợ bậc cao”. Đây là một yếu tố quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ô-tô một cách vững chắc. Sức mạnh là ở nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, cần chú ý việc mở rộng thị trường, dòng sản phẩm nào thì được ưa chuộng ở miền bắc, miền trung, miền nam và đặc biệt, cần hướng tới xuất khẩu. Trong sản xuất, cần quan tâm bảo vệ môi trường. Với tính chất, vai trò của ngành ô-tô Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải có chính sách phát triển bền vững, chất lượng cao. Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ liên quan phụ tùng ô-tô, chính sách về đầu tư, nhất là đầu tư sản phẩm công nghệ cao… cũng như các chính sách khác, không để vì những quy định ràng buộc mà ảnh hưởng sự phát triển của ngành. Các địa phương có doanh nghiệp đóng trên địa bàn cần quan tâm, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Với doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần quyết liệt đổi mới sáng tạo, nếu không thì khó thành công.