Ngày 27-2, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân chuyến thăm tới Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Tại hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chào mừng Tổng thống D.Trump và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ thăm Việt Nam; hoan nghênh Hoa Kỳ và Triều Tiên đã chọn Việt Nam làm địa điểm diễn ra Hội nghị cấp cao lần hai. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau cũng như khẳng định chủ trương nhất quán trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực và toàn diện của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước; đánh giá cao sự hợp tác của Hoa Kỳ trong những lĩnh vực cụ thể như kinh tế - thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt đã bước đầu triển khai Dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa và những nơi nhiễm đi-ô-xin khác, đồng thời cho rằng hai nước cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.
Tổng thống D.Trump vui mừng gặp lại Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bày tỏ ấn tượng về lòng hiếu khách của người dân và sự phát triển của Việt Nam. Tổng thống D.Trump cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ rất chu đáo cho Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên mặc dù thời gian gấp rút; cho rằng việc tổ chức Hội nghị cấp cao lần này tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng vì Việt Nam là một minh chứng tốt về những thành tựu có thể đạt được nếu có tư duy đúng. Tổng thống D.Trump nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về việc hai nước cần duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn ở cấp cao và củng cố các cơ chế đối thoại hiện có; ủng hộ việc hai nước tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc tẩy độc tại sân bay Biên Hòa; nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình Biển Đông. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ tiến trình đối thoại để hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình lâu dài tại bán đảo Triều Tiên. Tổng thống D.Trump cảm ơn và đánh giá rất cao sự chủ động và thiện chí của Việt Nam trong việc cung cấp địa điểm cho Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai; khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực quan trọng này.
Nhân dịp này, Tổng thống D.Trump trân trọng gửi lời mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ trong năm nay để cùng tiếp tục trao đổi về những biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
* Sau hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống D.Trump đã chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng, tổng trị giá hơn 21 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. (Ảnh: TRẦN HẢI)
* Cùng ngày, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ D.Trump.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Tổng thống D.Trump và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ thăm Việt Nam, đánh giá cao ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, hoan nghênh Hoa Kỳ và Triều Tiên đã chọn Việt Nam làm địa điểm diễn ra cuộc gặp cấp cao quan trọng này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong quá trình triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.
Tổng thống D.Trump bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thăm đất nước Việt Nam năng động, tươi đẹp; cho biết vẫn giữ những ấn tượng tốt đẹp về những tình cảm chân thành và sự chào đón nồng nhiệt mà người dân Việt Nam đã dành cho Tổng thống trong chuyến thăm Việt Nam cách đây hơn một năm; bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ rất chu đáo cho Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên mặc dù thời gian gấp rút.
Hai bên cùng điểm lại và bày tỏ hài lòng về những tiến triển ngày càng thực chất trong quan hệ hai nước thời gian qua trên nhiều lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó nổi bật là quan hệ kinh tế - thương mại với kim ngạch hai chiều năm 2018 đạt hơn 60 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng 46% và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ. Để duy trì và thúc đẩy đà phát triển tốt đẹp của quan hệ kinh tế - thương mại, hai bên nhất trí cần tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA), đồng thời tiếp tục thảo luận về khả năng nâng cấp, xác lập khuôn khổ quan hệ thương mại - đầu tư, phù hợp sự phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại và tính chất của quan hệ đối tác toàn diện. Tổng thống D.Trump đánh giá cao việc Việt Nam tích cực xử lý một số vấn đề thương mại ưu tiên, khẳng định ủng hộ mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực này vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực cùng quan tâm, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).