Thứ hai, ngày 25/11/2024

Đổi mới, nâng cao chất lượng nắm bắt, phản ánh, tham mưu công tác dư luận xã hội

Thứ Năm 14/01/2021 09:44

Xem với cỡ chữ
Năm 2020, hệ thống tuyên giáo tỉnh Hải Dương đã bám sát cuộc sống, bám sát địa bàn, kịp thời tham mưu giúp cấp ủy định hướng, ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân

Đ/c Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Hải Dương (Nguồn Internet)

Thông qua việc tổ chức các hội nghị báo cáo viên; giao ban báo chí hằng tháng; biên tập, cung cấp thông tin có định hướng của Đảng cho đội ngũ báo cáo viên…, ngành Tuyên giáo tỉnh tiếp tục khẳng định sự đổi mới trong việc định hướng thông tin, dư luận xã hội. Nhờ đó, việc theo dõi, nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội từng bước đi vào nền nếp, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác tham mưu, định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị giao ban báo chí tháng 01/2021 tại Kinh Môn

 Năm 2020 là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh đã hoạt động tích cực, chủ động nắm bắt và phản ánh kịp thời hàng trăm thông tin, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt các thông tin liên quan đến đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; công tác đền bù GPMB, quản lý tài nguyên, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự... tại các địa bàn đang triển khai những công trình, dự án lớn của tỉnh. Nhờ đó, giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt, kịp thời giải quyết không để phát sinh “điểm nóng”, đảm bảo ổn định tình hình tư tưởng trong nhân dân.

Một trong những điểm nổi bật nữa trong năm 2020 của hệ thống tuyên giáo tỉnh Hải Dương là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ngành đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào thành quả chung của địa phương trong quá trình phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

Cùng với đó, mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được quan tâm kiện toàn, có quy chế hoạt động đảm bảo chặt chẽ, khoa học; riêng cấp tỉnh và cấp huyện đã có trên 300 đồng chí tham gia vào mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đó là: Số lượng và hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội tại một số địa phương, đơn vị thường xuyên điều chỉnh, thay đổi. Cấp ủy, chính quyền một vài nơi chưa chỉ đạo sâu sát và quan tâm đúng mức về công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trong công tác lãnh đạo, quản lý. Cơ chế, điều kiện, phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức cũng như năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ làm công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa chặt chẽ và việc cung cấp thông tin có liên quan đến ngành, địa phương chưa được kịp thời.v.v.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội và định hướng tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội, thời gian tới, ngành Tuyên giáo tỉnh Hải Dương xác định:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cần xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhất là của người đứng đầu; quan tâm tạo điều kiện, tăng số lượng thành viên của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội rộng khắp các đơn vị cấp huyện và tương đương, cũng như tại một số địa bàn trọng điểm để đảm bảo việc nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội ở những nơi thường xuyên có đông người tụ tập, nơi có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, công nhân, học sinh, sinh viên,… được kịp thời, đầy đủ hơn.

Thứ hai, phối hợp và tăng cường tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực đời sống của nhân dân hay các đề án, dự án có sự tác động xã hội lớn và được dư luận quan tâm….

Thứ ba, chủ động tham mưu lãnh đạo cấp ủy các cấp, các cơ quan liên quan có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc, dư luận quan tâm có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng truyền thông, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tỉnh, của đất nước. Đồng thời, cung cấp thông tin chính thống cho báo chí và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội để kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận.

Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, nhất là trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và quan điểm xử lý thông tin đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Từ đó, kịp thời chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội định hướng và góp phần hình thành dư luận xã hội tích cực; tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. 

Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ công tác định hướng, nắm bắt, phản ánh DLXH theo hướng chuyển đổi số, trong đó thiết lập phần mềm thông minh, tiện ích để tiếp nhận thông tin phản ánh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân và phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) theo dõi, đánh giá danh tiếng của tỉnh trên mạng internet, báo điện tử, mạng xã hội.

Thứ sáu, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ các tin đồn nhảm, kích động, chia rẽ. Cần minh bạch hóa các nguồn thông tin, phân biệt rõ dư luận xã hội và tin đồn, loại bỏ tin đồn thất thiệt, các luận điệu kích động, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc có thông tin nhưng bị bóp méo, bị biến dạng bởi lợi ích cá nhân cực đoan hoặc “lợi ích nhóm” cục bộ. Trong điều kiện ấy cần cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan và quan trọng hơn là phải phân tích rõ các mối quan hệ về lợi ích để trên cơ sở đó hạn chế, chấn chỉnh các nhận thức sai lệch, tạo môi trường, điều kiện cho dư luận xã hội đúng đắn, lành mạnh phát triển và phát huy tác dụng trong đời sống xã hội.

Thứ bẩy, định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn hoặc tổ chức các buổi tọa đàm về công tác nghiên cứu, nắm bắt, điều tra dư luận xã hội để cộng tác viên dư luận xã hội có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Cập nhật và cung cấp tài liệu nghiệp vụ; kịp thời cung cấp thông tin chính thống trước những vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng, nhạy cảm, nhất là trên lĩnh vực không gian mạng cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội.

Phạm Thị Hoài, VPTU (Nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: