Thứ sáu, ngày 10/5/2024

Quản lý tài liệu lưu trữ đối với cơ quan, tổ chức đảng giải thể, sáp nhập

Thứ Năm 28/05/2020 10:37

Xem với cỡ chữ
Việc quản lý tài liệu lưu trữ trong trường hợp cơ quan, tổ chức đảng sáp nhập, giải thể cần được thực hiện theo quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 và hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 37-NQ/TW, 24/12/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã,  ngày 12/11/2018, Tỉnh ủy ban hành Đề án số 06-ĐA/TU về kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, ngày 22/4/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 143 về thực hiện Nghị quyết 37. Kế hoạch số 143 cũng nêu rõ lộ trình thực hiện việc sáp nhập các xã bắt đầu từ năm 2019. Hiện nay, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh đã giải thể, một số xã đã được sáp nhập theo quy định.

Vậy khối tài liệu của các cơ quan, tổ chức đảng sau khi giải thể và sáp nhập sẽ được quản lý như thế nào? 

                          

Ảnh: tiếp nhận, sắp xếp, đóng hộp tài liệu nộp lưu tại  Lưu trữ Lịch sử của Tỉnh ủy

Việc quản lý tài liệu lưu trữ trong trường hợp cơ quan, tổ chức chia, tách, sáp nhập, giải thể cần được thực hiện theo Điều 24 của Luật Lưu trữ năm 2011:

Điều 24. Quản lý tài liệu lưu trữ trong trường hợp cơ quan, tổ chức chia, tách, sáp nhập, giải thể; tổ chức kinh tế là doanh nghiệp nhà nước chia, tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu hoặc phá sản

Cơ quan, tổ chức chia, tách, sáp nhập, giải thể; tổ chức kinh tế là doanh nghiệp nhà nước chia, tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu hoặc phá sản thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải tổ chức quản lý và giao nộp tài liệu theo quy định sau đây:

1. Tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức nào phải được chỉnh lý, thống kê và bảo quản theo phông lưu trữ của cơ quan, tổ chức đó;

2. Khi cơ quan, tổ chức có quyết định chia, tách, sáp nhập, giải thể; doanh nghiệp có quyết định chia, tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu hoặc phá sản thì tất cả các hồ sơ, tài liệu đã giải quyết xong của các đơn vị, cá nhân trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải được giao nộp vào Lưu trữ cơ quan để tiến hành chỉnh lý tài liệu theo quy định.

3. Tài liệu lưu trữ sau khi được chỉnh lý được quản lý như sau:

a) Tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử được giao nộp vào Lưu trữ lịch sử có thẩm quyền;

b) Tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử được quản lý tại Lưu trữ cơ quan của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mới tiếp nhận trụ sở cũ; trường hợp cơ quan, tổ chức giải thể, doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc không có cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận trụ sở cũ hoặc có nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mới cùng tiếp nhận trụ sở cũ thì tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được giao nộp vào Lưu trữ cơ quan theo quyết định của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Như vậy, tài liệu của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh sẽ được nộp vào Lưu trữ Lịch sử của Tỉnh ủy, vì Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thuộc thành phần nộp lưu vào Lưu trữ Lịch sử của Tỉnh ủy theo Quyết định số 05 - QĐ/TU, ngày 14/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tài liệu trước khi nộp lưu cần được chỉnh lý hoàn chỉnh

(Ngay sau khi giải thể, tài liệu lưu trữ của Đảng ủy đã được nộp lưu về Kho Lưu trữ lịch sử của Tỉnh ủy theo quy định của pháp luật, tổng số 5m tài liệu)

Căn cứ Quyết định 05 của Tỉnh ủy, đảng ủy xã, phường, thị trấn là khối cơ quan, tổ chức đảng không thuộc nguồn nộp lưu về Lưu trữ Lịch sử của Tỉnh ủy. Do vậy, khối tài liệu của Đảng ủy xã giai đoạn trước khi sáp nhập, theo quy định của Luật Lưu trữ, cần được chỉnh lý hoàn chỉnh thành 01 phông riêng (không gộp vào phông cơ quan mới), sau đó giao nộp vào Lưu trữ của cơ quan mới sáp nhập để quản lý.

Việc quản lý tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội xã, phường, thị trấn được thực hiện theo Hướng dẫn số 15 - HD/VPTW, ngày 14/12/2016 của Văn phòng Trung ương Đảng : tài liệu lưu trữ được bảo quản tại kho lưu trữ văn phòng đảng ủy xã, được sử dụng để phục vụ nhu cầu công tác của cán bộ, công chức cấp xã và nhu cầu chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cán bộ làm công tác lưu trữ tại văn phòng đảng ủy xã có trách nhiệm trực tiếp phục vụ các nhu cầu khai thác, sử dụng tài liệu. Bí thư đảng ủy cấp xã chịu trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của đảng ủy và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; chỉ đạo việc thực hiện các quy định của Đảng về công tác văn thư, lưu trữ tại địa phương.

 

Ảnh: Khối tài liệu lưu trữ của cấp ủy cấp huyện

mới tiếp nhận tại Kho Lưu trữ lịch sử của Tỉnh ủy

Thúy Nga

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: