Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã chú trọng đổi mới công tác dân vận trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh
Đ/c Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo "Công tác dân vận chính quyền tham gia các điểm phức tạp, nổi cộm trên địa bàn tỉnh"
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định và lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời thể chế hoá các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác dân vận thành các chương trình hành động, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết để tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án với phương châm hướng về cơ sở; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; trọng tâm là Nghị quyết số 25 – NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới".
Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 1 chương trình, 12 chỉ thị, 1 nghị quyết, 3 quy chế, 11 quyết định, 02 quy định; sơ kết, tổng kết 41 lượt chỉ thị, nghị quyết, thông báo, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng; tiến hành 4 cuộc kiểm tra, giám sát; tổ chức 5 cuộc hội thảo về công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ và công tác tôn giáo. Qua đó, xác định rõ những mục tiêu, quan điểm cần tập trung tăng cường và đổi mới công tác dân vận, trong đó có công tác dân vận chính quyền phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm công tác dân vận trong tình hình mới.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò,vị trí của công tác dân vận trong tình hình mới, đặc biệt là công tác dân vận chính quyền. Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác vận động quần chúng, nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; gắn công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị, với việc thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung về công khai “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. T ập trung xây dựng chính quyền thân thiện, gần dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; thực hành dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhân dân được tham gia vào công việc quản lý nhà nước nhằm hạn chế những sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2016, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 1.312 đảng viên và 1.277 tổ chức đảng cấp dưới; giám sát chuyên đề đối với 909 đảng viên và 870 tổ chức đảng cấp dưới. Qua công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng đã quyết định thi hành kỷ luật 343 đảng viên vi phạm (khiển trách 280 đồng chí, cảnh cáo 46 đồng chí, cách chức 09 đồng chí và khai trừ 03 đồng chí); trong đó ban thường vụ cấp huyện thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng, 15 đảng viên, đình chỉ sinh hoạt đảng 04 đảng viên, xóa tên 06 đảng viên; đảng ủy cơ sở thi hành kỷ luật 153 đảng viên và chi bộ cơ sở thi hành kỷ luật 174 đảng viên. Cấp ủy cấp huyện đã giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 03 đảng viên; cơ sở giải quyết tố cáo đối với 01 đảng viên.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc thực hiện việc kiểm điểm và chỉ đạo gợi ý kiểm điểm đối với 20 tập thể và người đứng đầu của các cơ quan đơn vị. Trong đó, có 7 huyện, thành phố; 13 đơn vị sở, ngành và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy để làm rõ trách nhiệm về việc chỉ đạo chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nâng cấp quốc lộ, một số công trình, dự án còn chậm tiến độ; việc quản lý đất đai; xử lý tình trạng chống khai thác cát trái phép; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên; công tác quản lý tổ chức bộ máy, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; nội bộ có biểu hiện chưa đoàn kết, thống nhất.
Các cơ quan nhà nước đã quan tâm, từng bước cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; tích cực triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ, Quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước phát huy vai trò, quyền làm chủ, sức mạnh đại đoàn kết và sự đồng thuận của nhân dân. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành 18 quyết định công bố công khai chuẩn hóa 933 thủ tục, công bố sửa đổ, bổ sung 131 thủ tục, công bố bãi bỏ 529 thủ tục, 100% thủ tục được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.745 thủ tục hành chính đang áp dụng tại 3 cấp chính quyền. Nhiều cơ quan, đơn vị đã công khai số điện thoại đường dây nóng và hòm thư góp ý để nhân dân tham gia ý kiến về quản lý, điều hành, phong cách, trách nhiệm của người thi hành công vụ, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, giảm phiền hà cho tổ chức, công dân.
Duy trì thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt là các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị có liên quan tới các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước các cấp trong tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo đúng quy chế, quy định và Luật pháp hiện hành. Nhiều đơn thư khiếu nại, tranh chấp vướng mắc trong nhân dân được hoà giải, giải quyết ổn thoả, kịp thời từ cơ sở góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.
Đặc biệt, năm 2018, 2019 là năm được Ban Dân vận Trung ương lựa chọn với chủ đề là “Năm Dân vận chính quyền”, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã ký chương trình phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy về phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2018 – 2021 và Kế hoạch phối hợp thực hiện “Năm dân vận chính quyền” năm 2018 và năm 2019; ban hành Quyết định 1533/QĐ-UBND, ngày 22/5/2018 về Hướng dẫn chấm điểm các tiêu chí đánh giá công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Đ iểm nhấn quan trọng trong công tác dân vận chính quyền của tỉnh Hải Dương thời gian qua là các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên quan tâm, giải quyết, xử lý những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở. Chỉ đạo nghiêm việc thực hiện Quy chế số 08-QC/TU, ngày 3/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "T iếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh". Từ năm 2015 đến nay, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền toàn tỉnh đã tổ chức được 1.991 cuộc tiếp xúc đối thoại, trong đó: cấp tỉnh 13 cuộc, cấp huyện 125 cuộc, cấp xã 1.853 cuộc. Việc tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đi vào nề nếp, nội dung phong phú, tập trung vào những vấn đề mà các tầng lớp nhân dân quan tâm và đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Trong quản lý, điều hành chính quyền các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quan tâm, tạo điều kiện phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ năm 2015 đến nay, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tiến hành giám sát được 8.244 cuộc, trong đó cấp tỉnh 84, cấp huyện 396, cấp cơ sở 7.764; Ban Thanh tra nhân dân các cấp đã tổ chức được 6.232 cuộc giám sát, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tiến hành giám sát được 2.255 cuộc. Về phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức được 10 hội nghị, cấp huyện và xã 23 hội nghị trên nhiều lĩnh vực của địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác dân vận chính quyền ở một số địa phương, đơn vị còn chậm. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) còn thấp. Sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị có lúc chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, việc duy trì công tác tiếp dân theo quy định tại một số cơ quan, đơn vị và địa phương đôi khi chưa thường xuyên; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của chính quyền đôi khi còn chậm, chưa kịp thời và thực hiện thiếu nghiêm túc. Trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền về công tác dân vận còn có mặt hạn chế...
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương xác định cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong việc thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức , thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; từng sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân; tạo điều kiện cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác dân vận của cơ quan nhà nước, thực hiện QCDC ở cơ sở. T ăng cường kiểm tra việc thực hiện "Năm dân vận chính quyền", trọng tâm là kiểm tra việc tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận, thật sự gần dân, sát dân và phát huy quyền làm chủ của nhân gân. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác dân vận của cơ quan nhà nước, thực hiện QCDC ở cơ sở; chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân vận để nhân rộng.