Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020)

Thứ Ba 28/04/2020 17:54

Xem với cỡ chữ
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo vững tin vào đường lối đổi mới của Đảng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần xây dựng quê hương Hải Dương ngày càng giàu mạnh, văn minh!

Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975 (Ảnh: Internet)

Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - Chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt. Đảng và nhân dân ta phải đấu trí và đấu sức chống tên đế quốc giàu mạnh và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cuộc kháng chiến này đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ. Giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên CNXH.

Kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng - Văn hóa, xã hội có bước tiến bộ rõ nét - Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường - Tiềm lực an ninh, quốc phòng ngày càng lớn mạnh - Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Từ năm 2008, chúng ta đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 đô la, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 3.000 USD/năm, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân khoảng dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018).  Chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá nạn mù chữ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hoá về loại hình trường lớp; khoa học công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển nhất định; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có tiến bộ; những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển, giao lưu hợp tác văn hoá với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hoá - nghệ thuật được khuyến khích; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng.

45 năm qua, chúng ta đã bảo vệ được thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ hiểu biết về quốc phòng, an ninh và ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu của kinh tế Việt Nam đã tăng lên vị trí 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, kinh tế đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng: thu hút FDI đạt 38,02 tỷ USD, xuất siêu vượt 9,9 tỷ USD, đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ -  Triều tiên lần thứ hai tại Hà Nội... Những đóng góp quan trọng đó đã góp phần giúp tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao thuộc loại hàng đầu của khu vực.

Thành phố Hải Dương (Ảnh: Internet)

Phát huy lịch sử tỉnh Đông bề dày truyền thống văn hiến và cách mạng - Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hải Dương đã động viên được 125.369 người là con em của tỉnh lên đường nhập ngũ, 6.113 thanh niên xung phong ra tiền tuyến phục vụ trận địa; trong số đó đã có 26.876 người hy sinh anh dũng và 11.449 người đã để lại một phần máu thịt của mình trên khắp các chiến trường; ngoài ra, còn có 6.272 người hoạt động kháng chiến và con đẻ nhiễm chất độc da cam Dioxin, hàng nghìn người bị bắt tù đầy, gần một nghìn bà mẹ được Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (giai đoạn I) và hàng nghìn người được Nhà nước tặng Huân chương, Huy chương, Bằng có công với nước. Những đóng góp và hy sinh to lớn đó của quân và dân Hải Dương đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa dân tộc ta bước sang kỳ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc.

Cùng với cả nước, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đặc biệt sau 23 năm tái lập tỉnh, Hải Dương đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Kinh tế hằng năm đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 74,4 triệu đồng (khoảng 3.110 USD).  Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa; năm 2020 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 91,7% GRDP (đầu nhiệm kỳ chiếm 78%).. Quy mô của nền kinh tế tỉnh nhà đứng thứ 11 trong cả nước. Thu ngân sách và thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao, từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tự cân đối ngân sách và có một phần đóng góp về ngân sách Trung ương. Đặc biệt, năm 2019 thu ngân sách của tỉnh lần đầu đạt trên 20.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã quy hoạch, phát triển được 18 khu công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ (tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 80%) và đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng từ 80,6% (năm 2015) lên 89,4% (năm 2020), đặc biệt, khu vực FDI tăng mạnh từ 18,7% lên 29,4% trong tổng vốn đầu tư xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông liên tỉnh. Xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn đạt kết quả nổi bật. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ mới. Quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có bước chuyển biến tích cực, nhất là trong việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đời sống, việc làm và thu nhập của nhân dân ngày càng được cải thiện đáng kể. Hoạt động hội nhập và hợp tác kinh tế đạt được những kết quả tích cực.

Thành phố Chí Linh (Ảnh: Internet)

Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh chung, tỉnh Hải Dương cũng như cả nước phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong quý I đạt được khá tích cực trên các lĩnh vực. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả tích cực; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tự bảo vệ, phòng chống cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chủ động, quyết liệt ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh; tổ chức cách ly y tế hoặc giám sát người đã tiếp xúc với người bệnh, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người bệnh; thực hiện đóng cửa và khuyến cáo khách không đến thăm quan các khu di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh; hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người.

Trong không khí phấn khởi, tự hào của ngày Lễ lớn, với niềm tin tưởng vững chắc rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Hải Dương sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trọng trách của mình. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng tỉnh Hải Dương phát triển nhanh và bền vững. Định hướng đến năm 2030, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, hội tụ đủ tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại; đến năm 2035, Hải Dương là thành phố trực thuộc Trung ương.

BT - Văn phòng Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: