Thứ năm, ngày 16/1/2025

Thủ tướng chỉ đạo, kết luận nhiều vấn đề " nóng" trong phiên họp tháng 3

Thứ Tư 03/04/2019 17:07

Xem với cỡ chữ
Ngày 2-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.

Ảnh: TRẦN HẢI.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đánh giá tình hình kinh tế quý 1 đạt kết quả khả quan, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra nhiều rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội cần lưu ý trong quý 2 và cả năm 2019.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần giữ chỉ số lạm phát năm nay không quá 4% như cam kết trước Quốc hội. Cho rằng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tồn tại đáng lưu ý. Do đó, các Bộ trưởng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công; cần phải giải ngân mọi nguồn lực, đúng quy định.

Đề cập vấn đề bạo lực học đường đang gây bức xúc xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh cần xử lý nghiêm, nếu vi phạm, cần đình chỉ, đưa ra khỏi ngành, đồng thời yêu cầu bốn địa phương: Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Sóc Trăng kiểm tra cụ thể các vụ việc; Chủ tịch UBND các địa phương này phải xử lý nghiêm khắc để làm gương. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, bổ sung các văn bản, đôn đốc công tác kiểm tra thực hiện, để sớm chấm dứt tình trạng bạo lực học đường và một số vi phạm khác trong ngành giáo dục mà báo chí gần đây đã nêu. Thủ tướng cũng chỉ ra, trước vấn đề tin giả, gây mất niềm tin trong nhân dân, chưa có biện pháp mạnh mẽ để xử lý đến nơi, đến chốn.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 09 vừa được Thủ tướng ban hành về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng sáu tháng và cả năm 2019, với tinh thần kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng chi tiết để điều hành chủ động, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu. Trước nhiều rủi ro từ bên ngoài, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ, kịp thời tác động của vấn đề quốc tế, trong đó có căng thẳng thương mại; đề xuất giải pháp tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); chú trọng thị trường trong nước, nếu để mất thị trường 100 triệu dân thì sẽ là khuyết điểm lớn trong điều hành.

Thủ tướng chỉ ra sáu động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019: một là, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông lâm, thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp thúc đẩy triển khai Nghị quyết 26 về phát triển tam nông năm 2008; quyết liệt phối hợp với các bộ, ngành ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, cập nhật tình hình, báo cáo Chính phủ thường xuyên. Hai là, tăng cường tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu. Ba là, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo; theo dõi, bám sát hoạt động các doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ vướng mắc kịp thời hơn. Bốn là, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, logistics, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng. Năm là, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Mỗi một bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải xử lý quyết liệt, hiệu quả, “đừng để tiền nằm im một chỗ”, nhất là các công trình trọng điểm. chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt. Sáu là, điều quan trọng nhất, được coi là một động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là một số thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm đầu mối đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tránh “dồn toa”, dồn dập cuối năm. Bộ Tài chính cũng làm đầu mối đẩy nhanh tái cơ cấu ngân sách nhà nước, làm sao tăng nguồn thu nội địa, bảo đảm cơ cấu chi hợp lý hơn, phát triển bền vững; với các sắc thuế, cần đánh giá cụ thể để xem xét khả năng tăng cơ sở thuế và các loại thuế phù hợp. Yêu cầu bộ Nội vụ thúc đẩy sắp xếp, bố trí lại bộ máy một cách thực chất, hiệu quả, Thủ tướng nêu rõ tinh thần, “không để thiếu giáo viên khi có học sinh, không thiếu cán bộ y tế khi có bệnh nhân”.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng hành lang pháp lý định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng thành quả cách mạng 4.0, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản ảo, tiền ảo… những vấn đề rất mới ở Việt Nam...
Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề được các thành viên Chính phủ thảo luận nhiều là cần quan tâm văn hóa, đạo đức, nhất là văn hóa ứng xử. Các bộ, cơ quan cần chấm dứt bệnh thành tích, hão huyền, không thực chất. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ở một số ngành, nhất là những trường hợp gây phản cảm trong xã hội. Thủ tướng đề nghị báo chí cần phản ánh trung thực, đúng, đủ về các vấn đề xã hội đang đặt ra, không gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho xã hội, làm sao tạo niềm tin cho nhân dân; cần đưa nhiều gương tốt, đơn vị tốt, tinh thần khí thế, niềm tin của nhân dân như “cổ vũ hành động tốt để bảo vệ con em chúng ta, những tấm gương tốt, ứng xử văn hóa ở học đường, nơi công cộng”.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong quý 1, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (12,7%); kim ngạch xuất khẩu đạt 58,513 tỷ USD, tăng 4,7%; kim ngạch nhập khẩu ước 57,977 tỷ USD, tăng 8,9%; xuất siêu đạt 2,7 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ năm trước.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, đề cập các thông tin về bạo lực học đường ở một số địa phương vừa qua và những hành vi thiếu văn hóa đạo đức khác, Thủ tướng nêu vấn đề liệu đây có phải là vấn đề báo động không? Chúng ta có sơ hở trong quản lý nhà nước? Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra sao cũng như trách nhiệm các địa phương có biện pháp như thế nào? Các đoàn thể, cơ quan chức năng trách nhiệm ra sao về tình trạng bạo lực học đường, đừng để trở thành vấn đề rất lớn khiến nhân dân phẫn nộ. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ hơn. Chúng ta đang nói một câu chuyện lo tăng trưởng, phát triển kinh tế, nhưng không thể nào bỏ quên vấn đề xã hội bức bối như vậy đối với đất nước mà trách nhiệm của Chính phủ trong vấn đề quản lý. Nêu thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành thảo luận để có biện pháp xử lý nghiêm, khắc phục tình trạng này.

(Ảnh: TRẦN HẢI)

* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Ngăn ngừa các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh

Đề cập vấn đề ở “thỉnh vong” “dâng sao giải hạn” vừa qua, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: về việc còn một số nơi tổ chức dâng sao giải hạn, các hiện tượng biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng tâm linh, biến thành các dịch vụ thu tiền trục lợi cần chấn chỉnh. Bộ đã có công văn gửi Bộ Nội vụ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chấn chỉnh lợi dụng hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, văn hoá lễ hội biến thành dịch vụ thu tiền trục lợi. Bộ tiếp tục phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về các giá trị tín ngưỡng văn hoá truyền thống tốt đẹp, tránh bị lợi dụng; tiếp tục chỉ đạo ngành văn hoá các địa phương tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hoá tại các di tích, không để lợi dụng trục lợi. Về xử lý các việc làm sai lệch với giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, lãnh đạo Bộ giao cho cơ quan chuyên môn chỉ đạo các địa phương, kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện các hoạt động tín ngưỡng thuộc thẩm quyền, để có biện pháp chấn chỉnh sai phạm, đồng thời mong cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành để giúp người dân nhận thức đúng các giá trị văn hoá tránh bị lợi dụng, trục lợi…

Điều tiết giá xăng dầu có định hướng của Nhà nước

Đề cập mức giá xăng dầu tăng mạnh chiều 2-4, đại diện Bộ Công thương chia sẻ với khó khăn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như người dân tiêu dùng, tuy nhiên, nhấn mạnh chúng ta nên biết hiện quản lý điều hành giá xăng dầu thành phẩm theo thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Vừa qua, Chính phủ quyết định ngày 20-3 tăng giá điện. Ngày 18-3 vừa rồi, giá xăng dầu thế giới đã tăng, nhưng Chính phủ đã quyết định không tăng giá xăng, do đó phải dùng QBOGXD để bù. Thí dụ, E5 RON92 bù 2.800 đồng/lít, xăng RON 95 bù 2.000 đồng/lít để giữ giá. Nhưng sau 15 ngày giá xăng vẫn tiếp tục tăng, vì vậy ngày 2-4 phải tăng, đây là điều không ai muốn. Nếu không bù, mức tăng có thể cao hơn, cụ thể, để chỉ tăng 1.377 đồng/lít thì QBOGXD phải chi bù 2.242 đồng/lít, nếu không sẽ tăng 3.019 đồng/lít. Tương tự, xăng RON 95 phải bù 1.304 đồng/lít, để chỉ tăng 1.484 đồng/lít, nếu không sẽ phải tăng 2.788 đồng/lít. Đây chính là các biện pháp điều tiết của Nhà nước.

Không cần thiết phải xét nghiệm máu có bị nhiễm sán hay không

Về việc người dân ở Thuận Thành (Bắc Ninh) vừa qua đổ lên Hà Nội để xét nghiệm máu cho con, đại diện Bộ Y tế bày tỏ quan điểm không phải làm xét nghiệm, dù dương tính hay âm tính cũng không có ý nghĩa về mặt chẩn đoán bệnh. Nếu kết quả dương tính, chứng tỏ người được xét nghiệm đã có lần bị nhiễm sán, còn hiện tại có sán trong người không phải làm xét nghiệm phân mới nhìn thấy được trứng sán, các phân khúc của sán, từ đó mới chẩn đoán được bệnh. Và nếu như bị nhiễm sán, phác đồ điều trị cũng rất đơn giản, uống thuốc là khỏi.

Trong trường hợp này, cơ sở xét nghiệm lại thể hiện sự thiếu nhạy cảm, bởi ngay từ đầu thấy người dân ào đi xét nghiệm thì phải biết có vấn đề gì, phải hỏi lãnh đạo Bộ xem trường hợp đó xử lý thế nào. Còn nếu cứ làm theo phản xạ thì rất đáng phê phán. Tuy nhiên, cũng không nói họ làm như vậy là hoàn toàn sai, bởi nếu người nào đó đi xét nghiệm không có bệnh tật gì mà khuyên họ đừng bao giờ đến bệnh viện nữa thì có khi lúc phát hiện khối u đã lớn rồi. Nhưng phải khẳng định rằng, xét nghiệm máu dương tính thì không có ý nghĩa chẩn đoán nhiễm sán. Bệnh cũng không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu ở trong vùng nhiễm sán, đã xét nghiệm phân và không bị nhiễm thì cũng nên đi xét nghiệm lại. Cán bộ y tế khuyên là không sai, chỉ có kém nhạy cảm thôi.

Thận trọng cân nhắc

Đề cập vấn đề tại sao cơ quan chức năng chưa công khai danh tính các thí sinh tại một số địa phương phía bắc được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, đại diện Bộ Công an cho biết, việc này ảnh hưởng đến tư cách, đến sự phát triển sau này của các em học sinh nên chúng tôi đang trao đổi kỹ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với địa phương hướng xử lý như thế nào để vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo đảm tính nhân văn với các cháu học sinh. Các nhà báo yên tâm, chúng tôi sẽ có cách xử lý thoả đáng bảo đảm tính nghiêm túc chấp hành pháp luật nhưng cũng vẫn quan tâm tới các cháu học sinh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết thêm, đối với việc xử lý các sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Thủ tướng đánh giá cao cơ quan công an đã điều tra, khởi tố các đối tượng vi phạm nhưng cơ quan công bố kết quả là Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ có danh sách thí sinh gửi về cho các cơ sở giáo dục và cơ quan chức năng. Nhưng việc công bố cũng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các cháu, giúp các cháu tự tin tiếp tục con đường học hành chứ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân các cháu.

Theo Báo Nhân dân Điện tử