Thứ năm, ngày 16/1/2025

Đẩy mạnh tín dụng từ đầu năm

Thứ Hai 18/03/2019 22:14

Xem với cỡ chữ
Những năm gần đây, các ngân hàng luôn tập trung đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm để tránh “dồn toa” vào những tháng cuối năm. Diễn biến tín dụng những tháng đầu năm 2019 cũng như vậy khi theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 2 đạt khoảng 1%. Dù mức tăng không cao, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế thì mức tăng này phù hợp diễn biến kinh tế trong hai tháng qua.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Bảo Việt. Ảnh: TRẦN HẢI

Mở rộng tín dụng đi đôi kiểm soát chất lượng

Chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, nhất là chính sách điều hành tín dụng, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết: Trong khoảng gần ba tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống diễn biến tích cực, phù hợp mục tiêu của NHNN. Đến nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng hơn 1%. Trong đó, tín dụng có đà tăng mạnh ngay trong tháng 1, nhưng sang tháng 2 thì bắt đầu chậm lại do đúng vào kỳ nghỉ Tết và đến thời điểm này tăng trưởng ổn định, không có đột biến.

Cũng theo ông Phạm Thanh Hà, năm 2019, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng là khoảng 14%. Sở dĩ định hướng tăng trưởng đặt ra ở mức thấp như vậy là bởi nếu tăng trưởng cao thì áp lực huy động vốn đầu vào cũng rất lớn, khiến mặt bằng lãi suất bị tác động, từ đó áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, tín dụng toàn nền kinh tế cũng đã đạt ở quy mô khá lớn và có mức tăng không nhỏ trong các năm gần đây, cho nên đã tới lúc cần tiết kiệm tăng trưởng tín dụng hơn nữa để bảo đảm ổn định quy mô tài sản, nâng cao chất lượng các khoản vay. 

Nhưng, như Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng phát biểu tại hội nghị ngành tổ chức hồi đầu năm, dù NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nhưng mức tăng trưởng cũng sẽ có sự phân hóa rõ giữa các ngân hàng với nhau. Theo đó, những ngân hàng có sự tăng trưởng tốt về các chỉ tiêu kinh doanh, kiểm soát rủi ro tốt, phân bổ tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và hoàn thành trước hạn chuẩn Basel 2,… sẽ được NHNN khuyến khích tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Mặt khác, theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng, mặc dù ngay từ đầu năm, NHNN định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm là 14%, nhưng mục tiêu này không cứng nhắc mà nếu cần thiết thì vẫn có thể linh hoạt tăng lên. Điều quan trọng là dòng vốn của hệ thống ngân hàng phải đáp ứng đủ cho sản xuất, kinh doanh. “Hạn mức tín dụng đưa ra không phải là để khống chế đầu tư, không có nghĩa là không mở rộng cho vay. Ở đây quan trọng là phải cho vay đúng và trúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, tạo ra sản phẩm; qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. NHNN chỉ khống chế đầu tư vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán,…” - ông Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ.

Siết chặt cho vay lĩnh vực rủi ro

Với những diễn biến thị trường tiền tệ ổn định thời gian qua, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà cũng cho biết, thời gian tới, NHNN cũng vẫn sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp tương tự như năm 2018. Năm 2018, mục tiêu quan trọng nhất của NHNN là ổn định chính sách tiền tệ. Theo đó, tăng trưởng tín dụng vẫn định hướng mục tiêu khoảng 14%, tương tự như mức tăng của năm 2018. Trong đó, tín dụng ngoại tệ tiếp tục bị cắt giảm. Cụ thể, Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN sẽ cắt giảm huy động ngoại tệ, chỉ có tín dụng ngoại tệ xuất khẩu, vốn lưu động mới được vay ngoại tệ. Từ đầu năm 2019, các ngân hàng cũng chỉ còn được phép dùng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; cho vay lĩnh vực nhiều rủi ro cũng sẽ tiếp tục bị thắt chặt.

Chia sẻ quan điểm về mức tăng tín dụng của hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Xuân Thành, cán bộ nghiên cứu cao cấp Trường Harvard Kennedy đồng thời là giảng viên chính sách công Trường đại học Fulbright Việt Nam nêu rõ: Tăng trưởng kinh tế vĩ mô có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng tín dụng. “Thông thường, khi đề cập tăng trưởng kinh tế, người ta thường nghĩ đến sự tăng trưởng tín dụng tương ứng để hỗ trợ sản xuất. Song thực tế những năm 2015 - 2017, tăng trưởng tín dụng tăng 14 - 16%, tạo ra nhiều rủi ro gây lo ngại cho các tổ chức quốc tế. Sau đó, chúng ta đã giảm tốc tăng trưởng tín dụng trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn cao. Điều này có nghĩa, tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đi kèm với tăng trưởng tín dụng” - ông Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Mạnh Thắng cho biết: Năm 2019, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Vietcombank dự kiến sẽ sát với định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN, vào khoảng 14%, thấp hơn năm 2018 khoảng 1%. Nhưng Vietcombank cũng có thể tăng trưởng cao hơn mục tiêu này nếu được NHNN cho phép. Hiện nay, Vietcombank là một trong những ngân hàng đã hoàn thành Basel 2 và có thể tăng trưởng cao hơn tùy thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng. “Với đà tăng trưởng GDP như hiện nay, nhu cầu vốn tăng cao hơn năm 2018, khả năng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ không khó” - ông Phạm Mạnh Thắng nhận định.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 là 14% - tương đương mức đạt được của năm 2018, hạn mức tín dụng được phân bổ xuống cho các tổ chức tín dụng năm nay nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm trước. Chủ trương của Chính phủ và NHNN là sẽ tiếp tục hướng nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng với việc hạn chế tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực rủi ro. Trong đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực mà các ngân hàng phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.

Đào Minh Tú
Phó Thống đốc NHNN
Chủ trương giảm tốc tín dụng của NHNN sẽ buộc các ngân hàng phải thay đổi chiến lược kinh doanh để không quá tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn bảo đảm mở rộng thị phần tăng trưởng lợi nhuận bằng nhiều dịch vụ khác nhau. Một trong những cách xoay xở để phát triển kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ quy định trần hạn mức tín dụng của NHNN mà ngân hàng OCB đang triển khai đó là trái phiếu doanh nghiệp phát hành trực tiếp cho các khách hàng lẻ và tăng vốn bằng cách bán cổ phiếu ngân hàng cho các nhà đầu tư.

Nguyễn Đình Tùng
Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB)
Theo Báo Nhân dân Điện tử