Thứ bảy, ngày 18/1/2025

Hải Dương: Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo

Thứ Năm 17/01/2019 23:46

Xem với cỡ chữ
Ngày 11/01/2019, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh và Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng 2 Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị

Năm 2018, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cả 03 loại hình đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, đổi mới phương pháp làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Cơ quan nhà nước các cấp đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ  phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng cơ chế quy định cụ thể để nhân dân tham gia trực tiếp giám sát, xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Các hình thức tập hợp quần chúng được mở rộng; nhiều hoạt động xã hội thiết thực do các đoàn thể chính trị làm nòng cốt được tổ chức có hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở các loại hình; chủ động nắm tình hình và đề xuất giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của nhân dân ngay từ cơ sở.

Hoạt động của các tôn giáo được nhà nước công nhận trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp và đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước. Các hoạt động mục vụ, lễ nghi tôn giáo thường niên và bất thường cơ bản đều đăng ký, xin phép trước khi thực hiện. Các nghi lễ được tổ chức trang trọng, có ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc; việc sửa chữa, trùng tu các cơ sở thờ tự được các tôn giáo từng bước xin cấp phép theo quy định, thực hiện theo quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt, công tác quản lý Nhà nước về xây dựng các công trình tôn giáo được tăng cường, chặt chẽ hơn. Ban chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo, trọng tâm là Luật tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức thành công Hội thảo về “ Vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức tôn giáo trong phòng ngừa, đấu tranh với các “đạo lạ”, “hiện tượng tôn giáo mới” hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh; tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai tôn giáo; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Đến nay toàn tỉnh đã có 71,26% cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác tôn giáo còn một số hạn chế đó là: Một số cơ quan nhà nước chưa quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện các văn bản về Quy chế dân chủ. Việc cụ thể hóa trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn dập khuôn, chung chung. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc phát triển tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên ... trong các doanh nghiệp so với tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm và gặp nhiều khó khăn; có nơi hoạt động còn mờ nhạt, nội dung phương thức còn lúng túng, chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp; chưa phát huy hết vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...

Về công tác tôn giáo: một số “hiện tượng tôn giáo mới” hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, tuy đã được phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn song vẫn còn hoạt động lén lút, tiềm ẩn nhiều phức tạp, có nhiều khả năng hoạt động công khai trở lại; vẫn còn nhiều cơ sở tôn giáo đang hoạt động nhưng chưa được công nhận là cơ sở tôn giáo hợp pháp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo ở một số địa phương chưa đạt kế hoạch đề ra, còn thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh...

Để nâng cao chất lượng hoạt động của hai ban chỉ đạo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng 2 Ban Chỉ đạo đề nghị trong năm 2019 các ngành thành viên cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở:  Cần tổ chức quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị định số 149, ngày 07/11/2018 của Chính  phủ. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế số 08 của Tỉnh ủy về tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; tăng cường tổ chức đối thoại đột xuất, đối thoại theo chuyên đề, nhất là tại các địa phương, cơ sở có tình hình phức tạp, dư luận nhân dân quan tâm. Tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp theo chuyên đề của các đồng chí lãnh đạo tỉnh hướng "Mở rộng đối tượng, phạm vi và nội dung đối thoại". Thực hiện nghiêm túc dân chủ trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, biên chế tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các đơn vị sự nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện năm dân vận chính quyền 2019. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tiếp  dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá các tiêu chí về công tác dân vận của chính quyền trong các cơ quan nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 92 ngày 14/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Quy định số 124 ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động việc phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Đối với công tác tôn giáo: Cần tăng cường tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về tôn giáo, trọng tâm là Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới; các Nghị định, hướng dẫn của Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Chỉ thị, Kế hoạch thực hiện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tôn giáo... tới cán bộ làm công tác tôn giáo, các chức sắc, chức việc, tín đồ theo đạo và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong việc xây dựng, sửa chữa, trùng tu các cơ sở; tiếp tục hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo.

 

Phạm Thị Hoài ( Nguồn Cơ quan Thường trực 2 BCĐ)