Thứ bảy, ngày 18/1/2025

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ vận hành thương mại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Thứ Hai 24/12/2018 17:22

Xem với cỡ chữ
Chiều 23-12, tại Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ vận hành thương mại Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu (LHLHD) Nghi Sơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Cùng dự, có các đồng chí: nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương, Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; các đồng chí Bí thư T.Ư Ðảng: Phan Ðình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; Quyền Tổng Thư ký Ðảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) M.Ha-y-a-si; đại diện một số cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.

Các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An... gửi hoa chúc mừng.

Dự án LHLHD Nghi Sơn là công trình trọng điểm quốc gia, là dự án LHD thứ hai của Việt Nam; được xây dựng trên diện tích 400 ha tại Khu kinh tế Nghi Sơn; công suất lọc dầu đạt 200 nghìn thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm), sử dụng nguồn nguyên liệu dầu thô nhập khẩu từ Cô-oét. Dự án có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, do các nhà đầu tư góp vốn gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 25,1%, Công ty Dầu khí quốc tế Cô-oét (KPI/KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%. Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) được thành lập bởi các nhà đầu tư theo Hợp đồng liên doanh ký ngày 7-4-2008 và Giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 14-4-2008.

LHLHD Nghi Sơn có công nghệ chế biến sâu và phức tạp nhất trong lĩnh vực LHD tại Việt Nam và khu vực với 38 phân xưởng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Các sản phẩm chính gồm: khí hóa lỏng LPG; xăng RON 92, 95; dầu đi-ê-den, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, nhựa Polypropylene, Paraxylene, Benzene và lưu huỳnh. Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến LHLHD đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng/năm (tùy thuộc giá dầu).

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực vượt khó, hăng say lao động để thực hiện, đưa công trình vào vận hành; chính quyền, người dân trong vùng dự án đã tích cực phối hợp, bàn giao mặt bằng cho dự án để đến thời điểm này, liên hợp đã sản xuất được nhiều sản phẩm. Nhấn mạnh LHLHD Nghi Sơn là biểu tượng hợp tác quốc tế tốt đẹp, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của chính phủ các nước Nhật Bản, Cô-oét đối với dự án. Thủ tướng nêu rõ, liên hợp đi vào vận hành thương mại có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vận hành thì sản lượng xăng dầu cung cấp từ các nhà máy này sẽ đáp ứng khoảng 80% đến 90% nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường bên ngoài. Qua việc thực hiện dự án, đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam đã trưởng thành vững mạnh, đủ khả năng đảm nhiệm quản lý, thi công, vận hành và bảo dưỡng một công trình LHD lớn và phức tạp, công nghệ cao.

Thủ tướng yêu cầu Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục phát huy kết quả đạt được, quản lý vận hành liên hợp hoạt động an toàn, bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra; không để tồn tại lỗi kỹ thuật; bảo đảm chỉ tiêu bảo vệ môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước các công trình xây dựng chỉ đạo hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ nghiệm thu dự án, bảo đảm tuyệt đối an toàn, phòng chống cháy nổ. Qua đây, PVN tiếp tục thực hiện thành công các dự án trọng điểm khác về dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa, PVN, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn có trách nhiệm cùng nhau tiếp tục chăm lo giải quyết tốt việc làm, đời sống cho đồng bào địa phương, nhất là đồng bào phải tái định cư tại nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho xây dựng LHLHD; tiếp tục phát triển những ngành công nghiệp sau hóa dầu.

★ Ngay sau buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đã thị sát khu cảng xuất sản phẩm của LHLHD Nghi Sơn; thăm hỏi, động viên, tặng quà đội ngũ kỹ sư, công nhân.

★ Sáng cùng ngày, tại TP Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa. Cùng dự, có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Thanh Hóa đã phát triển tương đối toàn diện trong ba năm qua, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ; đánh giá cao nỗ lực của tỉnh, cùng với các bộ, ngành liên quan dành nhiều công sức để đưa LHLHD Nghi Sơn vào vận hành.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ, giải pháp lớn nhất, quan trọng nhất của Thanh Hóa là đoàn kết thống nhất vì sự nghiệp của Ðảng và nhân dân. Tỉnh phải tiến hành công nghiệp hóa mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển đất nước; thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng quan trọng như cảng, sân bay...; cần giữ mầu xanh, nhất là phía tây rộng lớn bằng trồng rừng; áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.

Thủ tướng cũng nhất trí cho rằng, Thanh Hóa cần có tầm nhìn "tứ sơn" (Nghi Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn, Bỉm Sơn) trong quy hoạch phát triển. Cần định vị TP Thanh Hóa ở quy mô phù hợp để phát triển "tứ sơn" thành động lực tăng trưởng. Thanh Hóa cũng cần đặt ra câu hỏi về tính sẵn sàng của người dân và doanh nghiệp trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số. Trong đầu tư, Thủ tướng lưu ý, tỉnh cần bám vào mục tiêu là làm sao người dân hưởng lợi cao nhất; chú trọng xã hội hóa nguồn lực để phát triển; quán triệt tinh thần nỗ lực vươn lên về tự chủ ngân sách, đóng góp cho ngân sách T.Ư. Bày tỏ xứ Thanh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều người tài, anh hùng dân tộc, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược kinh tế quan trọng, Thủ tướng cho rằng, đây là tiềm năng rất lớn, do đó Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương phải biết khai thác, xây dựng và phát triển Thanh Hóa xứng đáng với truyền thống cha ông.

Theo Báo Nhân dân Điện tử